Kỷ niệm 75 năm cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (6.1.1946 - 6.1.2021)

Tuyên truyền “trong trước, ngoài sau”

- Thứ Ba, 05/01/2021, 06:22 - Chia sẻ
Từ cuộc Tổng tuyển cử 1946 rút ra được nhiều bài học quý cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức ngày 23.5.2021. Trước tiên, tuyên truyền càng sâu rộng thì dân chủ càng được phát huy, tuy nhiên cần tuyên truyền trong cơ quan nhà nước trước, ngoài nhân dân sau. Mặt khác, phải hiểu đúng tính chất đại diện để dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người ứng cử vào cơ quan dân cử các cấp hợp lý...

Mốc son chói lọi, mở lối tiên phong

Mùa Thu năm 1945, trong 2 ngày từ 16 - 17.8, Đại hội Quốc dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì họp tại khu giải phóng ở Tân Trào đã có những quyết định mang tính lịch sử. Đại hội ban hành Nghị quyết ấn định nước Việt Nam sẽ theo chính thể Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu sau khi kháng chiến thành công; quy định Quốc kỳ, Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam - sau này được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Đắk Nông Khóa III
Ảnh: Phan Tân

Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 đã tuyên bố với thế giới: Việt Nam đã thành một nước tự do, độc lập. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận lãnh sứ mệnh lịch sử được nhân dân giao phó, thực hiện chức năng của nhà nước một cách hợp pháp về đối nội, đối ngoại. Ngày 3.9.1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ.

Ngày 8.9.1945, Chủ tịch Chính phủ ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, Điều 2 của Sắc lệnh ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.

Vượt qua bao khó khăn, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã diễn ra ngày 6.1.1946 trên đất nước Việt Nam, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền chính trị cơ bản của công dân, bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội. Hơn 89% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu vào Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là mốc son chói lọi, mở lối tiên phong cho con đường phát triển thể chế Dân chủ, Cộng hòa của nước Việt Nam sau hàng nghìn năm bị thống trị bởi chế độ phong kiến và gần 100 năm xiềng xích thực dân. Đây còn là thắng lợi của quá trình đấu tranh chính trị vô cùng cam go, quyết liệt, đòi hỏi sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh, quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, kể cả “phải dùng những phương pháp - dù là những phương pháp đau đớn - để hòa giải, cứu vãn tình thế”, như: Đảng tự tuyên bố giải tán (sự thực là rút vào hoạt động bí mật); hay việc Việt Minh nhượng bộ đặc cách thêm 70 ghế trong Quốc hội cho 2 tổ chức Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội) và Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng) mà không thông qua bầu cử.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử thể hiện quyết tâm chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn Đảng một lòng vì dân, hiểu dân, đặt trọn niềm tin nơi dân, được nhân dân đồng lòng, che trở, bảo vệ. Thông qua Tổng tuyển cử đã thổi bùng ngọn lửa tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng dân chủ, thực hiện quyền chính trị thiêng liêng của nhân dân theo lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.”

Tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2021

Lịch sử 75 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên là một cuộc hành trình dài của dân tộc trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Từ những bài học quý báu của Tổng tuyển cử 1946, cả nước đang tích cực chuẩn bị tiến tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức ngày 23.5.2021.

Trước tiên là bài học về công tác tuyên truyền. Tuyên truyền càng sâu rộng thì dân chủ càng được phát huy, càng có điều kiện để nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trong quá trình bầu cử, từ các bước hiệp thương, ứng cử, đề cử, cung cấp thông tin… cho đến khi cử tri cầm lá phiếu thực hiện quyền bầu chọn người đại diện cho mình. Lâu nay thường coi đối tượng tuyên truyền chung là nhân dân, điều đó đúng nhưng chưa đủ để bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử nếu chưa làm tốt công tác này trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Thực tế không ít cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt cũng rất “lơ mơ” về pháp luật bầu cử, về nguyên tắc tổ chức hoạt động của cơ quan dân cử, chưa ý thức rõ ràng về vai trò của dân chủ… Do đó, quyền làm chủ của nhân dân chưa tổ chức thực thi đầy đủ, có trường hợp làm trái pháp luật. Vì vậy, cần đề cao phương pháp “trong trước, ngoài sau”, tuyên truyền trong cơ quan nhà nước trước, ngoài nhân dân sau.

Mặt khác, phải hiểu đúng tính chất đại diện để dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người ứng cử vào cơ quan dân cử các cấp hợp lý. Mỗi địa phương có một đặc điểm cơ cấu xã hội khác nhau hình thành từ khách quan và chủ quan, do đó, đại biểu trong cơ quan dân cử cũng phải phản ánh được tương đối cơ cấu xã hội hiện hữu. Tránh tình trạng đại diện miễn cưỡng, một đại biểu HĐND nghề nghiệp là thợ may nhưng đại diện cho nông dân vì người đó đang làm Chủ tịch Hội Nông dân (!). Một khi cơ cấu đại biểu không phản ánh tính chất đại diện thì sự “ủy quyền’ của nhân dân sẽ khó có hiệu quả.

THS.Nguyễn Vân Hậu