Tuyên truyền sâu rộng để cử tri tự giác, chủ động đi bầu cử

- Chủ Nhật, 09/05/2021, 08:00 - Chia sẻ
Giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh Sơn La, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử để người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử, từ đó tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.

Bám sát kế hoạch, đúng trình tự

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh cho biết, nhận thức sâu sắc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về bầu cử, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã lãnh đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bảo đảm đúng quy trình, tiến độ và chất lượng. Để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, kịp thời, Ban Chỉ đạo công tác bầu cử, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã ban hành 128 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện công tác bầu cử.

Trong cuộc bầu cử lần này, Sơn La được bầu 7 đại biểu Quốc hội và 65 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 405 đại biểu HĐND cấp huyện và 4.604 đại biểu HĐND cấp xã. Đến nay, 100% các tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách chính thức và tiểu sử tóm tắt những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp ở khu vực bổ phiếu. Công tác nhân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, khoa học, giới thiệu được những người ứng cử có uy tín, trình độ, năng lực, đủ tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành người đại biểu dân cử. Số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đều bảo đảm số dư tối thiểu theo quy định pháp luật. Qua ba lần hiệp thương và qua các hội nghị lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử, địa phương đã sàng lọc và giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La Nguyễn Minh Hòa khẳng định, “sau hội nghị hiệp thương lần ba, tất cả các ứng cử viên đều bảo đảm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Cơ cấu, tỷ lệ người ứng cử là người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, phụ nữ bảo đảm hợp lý, đúng quy định”.

Các tổ chức phụ trách bầu cử cấp tỉnh, huyện đã thực hiện 856 cuộc kiểm tra, giám sát. Trong đó, 12 đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện trực tiếp 61 cuộc và báo cáo kết quả giám sát theo định kỳ 10 ngày. Thường trực các huyện, thành phố đã thành lập đoàn giám sát và thực hiện 417 cuộc giám sát trực tiếp. UBND tỉnh đã thực hiện 2 cuộc kiểm tra, đôn đốc, các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện 19 cuộc kiểm tra, giám sát; UBND cấp huyện tiến hành 144 cuộc kiểm tra, đôn đốc. Các Ban bầu cử đại biểu HĐND huyện đã thực hiện 213 cuộc kiểm tra, giám sát. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế; báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình chuẩn bị bầu cử.

Đoàn công tác ghi nhận, đến thời điểm này, các bước chuẩn bị cho bầu cử của tỉnh cơ bản đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Sơn La thể hiện quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 7, bản Mòng, xã Hua La, Sơn La  

Ảnh: T.Chi 

Hạn chế tối đa tình trạng bầu hộ, bầu thay

Qua quá trình theo dõi, giám sát công tác chuẩn bị các cuộc bầu cử trước đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, các nội dung chuẩn bị bầu cử của tỉnh Sơn La được triển khai rất tích cực, thể hiện qua các mặt: khâu chỉ đạo, hệ thống các văn bản chỉ đạo, hệ thống các tổ chức phụ trách bầu cử (đầy đủ về số lượng, thời gian, thành phần, nội dung hoạt động của các tổ bầu cử…). Việc công bố danh sách cử tri, niêm yết danh sách chính thức và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại khu vực bỏ phiếu; kế hoạch tổ chức hội nghị cử tri để người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử… đều được chuẩn bị khẩn trương, bài bản, đúng tiến độ. Mặt khác, tỉnh cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác chuẩn bị. Đơn cử, tại khu vực niêm yết danh sách chính thức người ứng cử, các Tổ bầu cử cũng niêm yết cả nội quy phòng bỏ phiếu, kịch bản công việc của Tổ bầu cử trong ngày bầu cử… 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng lưu ý, việc vận hành các tổ chức phụ trách bầu cử là rất quan trọng. Hiện nay, các Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, huyện, xã cơ bản đều vận hành tốt, nhưng hoạt động của các Ban bầu cử, Tổ bầu cử cần rất chuyên sâu. Báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết, Ủy ban Bầu cử tỉnh và Ủy ban Bầu cử cấp huyện đã tổ chức 29 hội nghị tập huấn cho hơn 7.000 đại biểu là thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử; cấp xã đã và sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn vào sát ngày bầu cử, tập trung cho các công việc của Tổ bầu cử trong ngày bầu cử và thực hành tổng hợp số liệu, xử lý tình huống. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá, đây là kinh nghiệm hay của Sơn La trong công tác chuẩn bị bầu cử bởi thực tiễn các kỳ bầu cử trước cho thấy có những địa phương do tổ chức tập huấn sớm quá nên đến ngày bầu cử, thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử có thể quên một số bước trong quy trình bầu cử, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. 

Từ nay đến ngày bầu cử 23.5 còn hơn 2 tuần nữa, các tổ bầu cử cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bầu cử. Các cán bộ phụ trách công tác chuẩn bị bầu cử cần bám sát Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn về bầu cử, tích cực thường xuyên xuống với người dân nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa tình trạng bầu hộ, bầu thay. Động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử. 

Nhật An