Triển khai hiệu quả nhiều mô hình
Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL, Lữ đoàn 280, Quân khu 5 đã phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương triển khai hiệu quả nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật; từ đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật và bảo vệ an ninh trật tự xã hội, với phương châm "lấy người dân làm trung tâm".
Thực hiện Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027 (Đề án 1371) trong điều kiện Lữ đoàn triển khai công tác tổ chức, thực hiện nhiều nhiệm vụ với tính chất đặc thù, cường độ cao, quân số ít, phân tán nhỏ lẻ trên các hướng công trình cách xa nhau. Tuy nhiên, xác định đây là nội dung quan trọng, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 1371 phù hợp với đặc thù đơn vị phân tán nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa, trên tuyến biên giới.
Quá trình thực hiện Đề án 1371, Lữ đoàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng, thống nhất nội dung, chương trình và quy chế phối hợp hoạt động xây dựng "đơn vị an toàn, địa bàn an toàn; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đóng quân nhỏ lẻ, phân tán, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn lựa chọn nội dung PBGDPL và vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước bằng các hình thức linh hoạt, đa dạng như tuyên truyền qua mạng xã hội, mạng truyền thanh nội bộ của địa phương, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức phong phú, đa dạng, sân khấu hóa, thực hiện có hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú, Lữ đoàn đã chọn lọc thông qua việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng đối tượng và đặc điểm từng địa phương. Lữ đoàn cũng thường xuyên phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động trên các địa bàn đóng quân và các vị trí xây dựng công trình chiến đấu.
Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đã có những định hướng rõ ràng và tập trung vào các Luật có liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội như Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật An toàn giao thông... Điều này đã tạo được sự quan tâm đặc biệt và đông đảo của tầng lớp Nhân dân.
Phối hợp trong tuyên truyền pháp luật
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, Lữ đoàn 280 còn phối hợp với Viện Kiểm sát quân sự khu vực 52, Quân khu 5, Xưởng Công binh 340 và cấp ủy, chính quyền phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai triển khai Đề án 1371; bảo đảm thống nhất lựa chọn hình thức, phương pháp, địa điểm tiến hành tuyên truyền, PBGDPL đạt được những kết quả tích cực.
Tại các buổi tuyên truyền, đại diện các cơ quan, đơn vị đã chia sẻ những cách làm hay và thảo luận những vấn đề đặt ra trong thực hiện Đề án với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đơn cử như tuyên truyền thông qua báo cáo viên, video clip ngắn về xét xử các vụ án, tuyên truyền bằng pa nô, khẩu hiệu, tờ rơi... đến người dân.
Không dừng lại ở đó, các đơn vị cũng đã trao tặng 80 triệu đồng để xây dựng "Nhà tình nghĩa"; trao 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 5 triệu đồng cho hai trẻ mồ côi và trao 32 suất quà, mỗi suất trị giá 400 nghìn đồng cho các học sinh nghèo vượt khó, học giỏi trên địa bàn phường Yên Thế, TP. Pleiku. Đây là những việc làm thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Lữ đoàn 280 - Quân khu 5, Xưởng công binh 340 - Bộ Tham mưu Quân khu 5 và các nhà tài trợ tại TP. Pleiku, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đến đời sống Nhân dân trên địa bàn.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn, theo Đại tá Phạm Khánh Hồng, Chính ủy Lữ đoàn 280, Hội đồng PBGDPL Lữ đoàn đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể như tăng cường hình thức tuyên truyền miệng; lồng ghép PBGDPL tại các buổi sinh hoạt cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook và kênh truyền thanh nội bộ của đơn vị và địa phương... là những hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay.
Song song với đó, các hoạt động an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đến đời sống của Nhân dân có hoàn cảnh khó khăn là thực hiện tốt phương châm "lấy người dân làm trung tâm". Đây cũng chính là chìa khóa, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng và xây dựng xã hội an toàn, văn minh.