Quan tâm cảnh báo cháy sớm
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ĐBQH Nguyễn Đức Dũng (Hải Phòng) cho rằng: hiện nay, tình hình vi phạm về trật tự đô thị, phòng cháy, chữa cháy ở những đô thị lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… rất lớn, có hàng nghìn tuyến phố, ngách, ngõ... xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Trong khi đó, Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy, áp dụng cho thành thị, nông thôn chưa cụ thể. Đồng thời, hiện nay trang bị chữa cháy có giới hạn. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh các luật khác cho phù hợp.
Trong khi đó, nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền, giáo dục ý thức, sự hiểu biết để tự phòng cháy, chữa cháy, ĐBQH Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) cho rằng, việc giáo dục cần được thực hiện từ các cấp học. Bởi có những vụ cháy chỉ cần có hiểu biết sẽ giảm thiểu hậu quả. Cùng với đó, vừa qua, Bộ Công an đã có những chỉ đạo như: mỗi gia đình phải có 1 người được tập huấn phòng cháy chữa cháy, 1 bình chữa cháy; thành lập tổ liên gia, các điểm phòng cháy, chữa cháy công cộng… là những bước đầu tạo nhận thức về công tác phòng cháy, chữa cháy cho người dân.
Cũng theo đại biểu Chương, hiện nay, công nghệ cho phép có thể cảnh báo cháy sớm thì nên quy định như thế nào trong luật, hoặc trong nghị định sau này của Chính phủ để những trường hợp nào cần cảnh báo, khuyến khích việc cảnh báo cháy sớm. Vì nhiều vụ cháy lớn rồi mới phát hiện, cháy trong đêm… khi lực lượng chức năng đến đã muộn, cho nên việc cảnh báo cháy sớm cần được quan tâm, đại biểu Chương nhấn mạnh.
Giao cho cơ quan quân sự cấp huyện quản lý
Hiện nay các vụ cháy chủ yếu do chập điện, chỉ ra thực tế này, ĐBQH Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) đề nghị cần bổ sung quy định trong dự thảo luận về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý về vấn đề này. Cùng với đó, trong dự thảo, Khoản 2 Điều 27 quy định: “Phương tiện của cơ quan Công an tham gia chữa cháy sử dụng còi, đèn, cờ ưu tiên và tín hiệu đặc biệt khác, được ưu tiên đi trên đường giao thông theo quy định của pháp luật”; Khoản 2 Điều 39 quy định: “Phương tiện của cơ quan Công an tham gia cứu nạn, cứu hộ sử dụng còi, đèn, cờ ưu tiên và tín hiệu đặc biệt khác, được ưu tiên đi trên đường giao thông theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, dự thảo mới quy định cho 1 lực lượng là Công an được ưu tiên sử dụng còi, đèn… khi tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, trong khi hiện nay quân đội, doanh nghiệp… cũng có lực lượng chữa cháy. Theo đại biểu, cần bổ sung thêm lực lượng khác khi huy động tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn cũng được sử dụng các loại tín hiệu ưu tiên này.
Đối với dự thảo Luật Phòng không nhân dân, về quy định miễn giấy phép bay, Điểm a, Khoản 4 Điều 29 quy định: “Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, ở cự ly ngắn, độ cao dưới 50 mét, có trọng lượng cất cánh tối đa hạn chế, ít khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh và an toàn hàng không…”, đại biểu Nguyễn Minh Quang cho biết, qua lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật phòng không nhân dân của Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng, nhiều ý kiến cho rằng quy định này rất khó kiểm soát. Vì vậy, đại biểu bày tỏ: nên chăng vẫn giao nội dung này cho cơ quan quân sự cấp huyện sẽ quản lý chặt hơn. Đồng thời, cụm từ “ít khả năng gây hại” cần giải thích cặn kẽ hơn để bảo đảm dễ dàng, thống nhất trong thực hiện.