Tuyên truyền công khai, minh bạch, công bằng

- Thứ Sáu, 15/04/2016, 16:37 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- "Chỉ có việc chuẩn bị tốt, nắm rõ thì mới có thể lựa chọn, bầu cử tốt được. Bởi nếu không tiếp cận được với các thông tin về bầu cử, về các ứng cử viên thì cử tri không thể biết được mình nên bầu ai và không nên bầu ai. Do đó, việc tuyên truyền và các phương pháp tuyên truyền phải được chuẩn bị tốt, công khai, minh bạch, công bằng." Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ LÊ NHƯ TIẾN nhấn mạnh.

>> Tạo lập “môi trường sạch” để cất cánh

>> "Còn bao chao chát đong đầy nhân gian"

>> Tạo điều kiện để báo chí phát triển và hội nhập

- Vừa qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành giám sát việc tuyên truyền bầu cử tại các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Tiểu ban thông tin tuyên truyền đã giám sát tại 3 tỉnh là Thừa thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Ông cho biết cụ thể về kết quả giám sát, các địa phương đã chuẩn bị đến đâu?

Tiểu ban thông tin tuyên truyền và các văn bản pháp luật vừa qua đã tiến hành giám sát công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại 3 tỉnh là Thừa thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Tôi nhận thấy công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV được các Ủy ban bầu cử của các tỉnh thực hiện rất tốt. Theo đó, các văn bản hướng dẫn của trung ương, của UBTVQH, của Chính phủ, Ủy ban bầu cử QH của các tỉnh được triển khai rất tốt về chuẩn bị giới thiệu vòng 2 với những ứng cử viên, chuẩn bị cho giới thiệu vòng 3, chuẩn bị cho việc chốt danh sách…

Thứ hai là công tác thông tin, tuyên truyền về các địa phương, các tỉnh làm khá tốt. Cụ thể, các tỉnh đã thành lập các tiểu ban về thông tin tuyên truyền, có kế hoạch chu đáo về công tác tuyên truyền, thực hiện đúng hướng dẫn của Ban tuyên giáo Trung ương, hướng dẫn của Bộ Thông tin- truyền thông, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, Bộ Thông tin- truyền thông hướng dẫn về các thông tin tuyên truyền về truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hướng dẫn về các panô, áp phích, băng rôn quảng cáo, băng rôn tuyên truyền; hướng dẫn về văn hoá ở cơ sở, chuẩn bị cho các bộ phim về QH qua các nhiệm kỳ. Ban Tuyên giáo trung ương hướng dẫn cụ thể về các khẩu hiệu để chỉ đạo cụ thể về tư tưởng.


Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Như Tiến
Ảnh: Lan Chi

Tuy nhiên, do hiện nay chưa có những ứng cử viên cụ thể nên công tác tuyên truyền chỉ chủ yếu về pháp luật và bầu cử như các văn bản pháp luật về Luật Bầu cử ĐBQH, HĐND, Luật về tổ chức QH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và làm sao để cử tri thấy được ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử. Cụ thể đó là việc tham gia xây dựng chính quyền, lựa chọn những người thay mặt nhân dân để tham gia xây dựng chính quyền ở trung ương và địa phương. Xác định được vai trò, ý nghĩa, các địa phương đã làm khá tốt việc chuẩn bị. Chỉ có việc chuẩn bị tốt, nắm rõ thì mới có thể lựa chọn, bầu cử tốt được. Bởi nếu không tiếp cận được với các thông tin về bầu cử, về các ứng cử viên thì cử tri không thể biết được mình nên bầu ai và không nên bầu ai. Do đó, việc tuyên truyền và các phương pháp tuyên truyền phải công khai, minh bạch, công bằng.

Giai đoạn khi có ứng cử viên tập trung vào tuyên truyền, thông tin về ứng cử viên, chân dung, gương mặt ứng cử viên để tạo điều kiện cho người dân, cử tri tiếp cận được, hiểu được thông tin về ứng cử viên để có thể lựa chọn tốt hơn. Đến giai đoạn 3 trong ngày bầu cử cần tuyên truyền rầm rộ, người dân trực tiếp đi bầu, lựa chọn những người xứng đáng, không tự mình tước quyền của mình mà gửi người khác bầu hộ, bầu thay, đó cũng vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mình trong việc xây dựng chính quyền nhân dân. Còn sau bầu cử đề nghị các địa phương là phải thông tin tuyên truyền thật tốt kết quả bầu cử và thấy được dân chủ trong việc tạo mọi điều kiện cho người dân, cử tri trực tiếp đi bầu.

- Công tác kiểm tra bầu cử hiện nay được thực hiện giai đoạn nào, thưa ông?

- Vừa qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia mới giám sát kiểm tra đợt 1, đó là đợt tháng 3. Sau đợt 1 sẽ có 2 đợt giám sát nữa theo kế hoạch của Hội đồng Bầu cử quốc gia là tháng 4 và đợt cuối là tháng 5. Cụ thể, giám sát tháng 4 là giám sát về việc chốt danh sách xem có đúng hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia không. Còn đợt giám sát thứ 3 vào tháng 5, đây là giai đoạn cận kề bầu cử nên sẽ giám sát việc lên danh sách cử tri, danh sách người ứng cử, tuyên truyền về những người ứng cử, niêm yết công khai những ứng cử viên tại những vị trí mà người dân thuận lợi nhất cho việc tiếp cận thông tin của các ứng cử viên.

- Vậy, công tác tuyên truyền về văn hóa phục vụ bầu cử được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Về việc tuyên truyền văn hóa phục vụ bầu cử cũng đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia giao nhiệm vụ. Theo đó, vấn đề này sẽ do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phục trách. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về văn hóa, thi những tác phẩm văn học nghệ thuật, gắn 70 năm QH Việt Nam với tuyên truyền cho cuộc bầu cử và tiếp tục thi những triển lãm, pa nô, áp phích về bầu cử QH qua các nhiệm kỳ, từ nhiệm kỳ thứ I đến nhiệm kỳ thứ XIV này. Đặc biệt là hình ảnh Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo nhà nước ta trực tiếp đi bầu cử, là trách nhiệm công dân. Đồng thời, xây dựng những bộ phim để phát trên truyền hình và phát rộng rãi cho toàn thể người dân được biết QH Việt Nam qua các lần bầu cử một cách dân chủ như thế nào.

- Xin cảm ơn ông!

Lan Chi