Tuyển sinh cử tuyển chưa sát với thực tế

Diệp Anh thực hiện 31/07/2012 09:24

Trao đổi với PV ĐBND bên lề Hội thảo Về chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế cho vùng miền núi, dân tộc vừa qua, Thạc sỹ - Bác sỹ Ma Thế Luận (Uỷ ban Dân tộc) đã chia sẻ: trong công tác tuyển sinh, xây dựng kế hoạch ở nhiều tỉnh chưa sát với nhu cầu thực tế. Kế hoạch chỉ tiêu do các tỉnh đưa lên có xu hướng giảm thấp hơn so với chỉ tiêu Trung ương phân bổ…

Tuyển sinh cử tuyển chưa sát với thực tế ảnh 1- Nguồn nhân lực y tế là yếu tố thiết yếu nhất cho sự phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh cử tuyển thời gian qua vẫn tồn tại nhiều bất cập, thưa ông ?

Ths- Bs Ma Thế Luận: Trước hết phải nói rằng, công tác cử tuyển trong thời gian qua đạt được những thành tựu rất đáng kể. Chính sách này đáp ứng được ngồn nhân lực có trình độ đại học và cao đẳng phục vụ phát triển kinh tế - hội nhập trong vùng dân tộc miền núi nói chung và người dân tộc thiểu số nói riêng. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, việc thực hiện chế độ cử tuyển theo Nghị định 134 của Chính phủ có một số tồn tại cần xem xét, khắc phục sửa đổi để chính sách này ngày một tốt hơn. Cụ thể, qua theo dõi về quản lý nhà nước, qua theo dõi kiểm tra, khảo sát ở địa phương chúng tôi nhận thấy có những bất cập chủ yếu như trong công tác tuyển sinh, việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch ở nhiều tỉnh chưa sát với nhu cầu thực tế của địa phương; kế hoạch chỉ tiêu do các tỉnh đưa lên có xu hướng giảm thấp hơn với chỉ tiêu Trung ương phân bổ; số tỉnh thực hiện có xu hướng giảm. Tuy nhiên qua thực tế có tỉnh vẫn xây dựng chỉ tiêu còn cao hơn những chỉ tiêu thực hiện năm trước nhưng cũng có những tỉnh chỉ tiêu sụt giảm thậm chí có tỉnh cử tuyển không thực hiện nữa mà bây giờ chuyển sao hình thức xét tuyển.

Bất cập tiếp theo là sự phối hợp giữa các thành viên của hội đồng tuyển sinh còn rất hạn chế và vai trò một số thành viên chưa được chú trọng và phát huy. Thực tế như đơn vị quản lý chính sách về dân tộc và miền núi ở địa phương, tôi thấy vai trò của Ban Dân tộc trong vấn đề này ở nhiều tỉnh còn hạn chế. Công tác thông tin về chính sách và chỉ tiêu tuyển sinh chưa được phổ biến rộng rãi và còn chậm. Một số trường hợp lựa chọn không đúng đối tượng theo quy định…

- Thưa ông  chính sách hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả như thế nào?  Còn tồn tại bất cập gì ?

Ths- Bs Ma Thế Luận: Đối với chính sách này qua khảo sát đánh giá, chúng tôi thấy những kết quả đạt được nổi bật. Nhìn chung các chính sách đã được thực hiện theo quy định và bước đầu phát huy hiệu quả; cơ bản đã bổ sung được nguồn nhân lực y tế cho vùng dân tộc và miền núi nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; tăng cơ hội đào tạo cho học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đặc biệt là trình độ cao đẳng và đại học; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được nâng lên và từng bước được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ công tác tuyển sinh, đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số vẫn tồn tại những bất cập, nổi bật lên là sự phối hợp giữa các ban ngành trong thực hiện các chính sách để tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng dân tộc miền núi, sự phối hợp giữa các địa phương với các cơ sở đào tạo vẫn còn hạn chế; không có kinh phí đào tạo cử tuyển, định mức học phí, học bổng không đủ so với chi phí thực tế; một số trường hợp thực hiện chính sách chưa đúng quy định, ví dụ như tuyển không đúng đối tượng, không đúng vùng…; không có chính sách ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển trong việc tuyển dụng; điều chỉnh các chính sách liên quan còn chậm…

- Để công tác phát triển và sử dụng nguồn lực y tế cho vùng dân tộc và miền núi thời gian tới đạt hiệu quả hơn, Ông có kiến nghị gì?

Ths- Bs Ma Thế Luận: Theo tôi, cần tiếp tục duy trì chủ trương cử tuyển bởi như đã qua phân tích và đánh giá, đối tượng cử tuyển nói chung và đối tượng cử tuyển về y tế nói riêng vẫn nằm chủ yếu ở đào tạo cử tuyển. Còn đào tạo liên thông, xét tuyển và những hình thức đào tạo khác cả cao đẳng, trung cấp, tỷ lệ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số còn rất thấp. Cho nên cần duy trì chế độ cử tuyển thì mới có được nguồn cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng cho vùng dân tộc và miền núi.

Bên cạnh đó, cần phải bổ sung, chỉnh sửa chính sách hiện hành cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, cần bố trí riêng cho đào tạo hệ cử tuyển nguồn kinh phí riêng cho từ Trung ương để phân bổ về địa phương hoặc có văn bản để các địa phương phải có nguồn kinh phí cho đào tạo cử tuyển. Khuyến khích các địa phương xây dựng chính sách riêng cho chế độ cử tuyển trong quá trình đào tạo và sau đào tạo là tuyển dụng để họ phục vụ cho vùng dân tộc miền núi. Điều cơ bản nữa là để tạo nguồn cho đối tượng cử tuyển, cần tiếp tục tăng cường hệ thống giáo dục phổ thông đặc biệt là hệ thống giáo dục phổ thông dân tộc miền núi.

Đối với cấp tỉnh chúng tôi có khuyến nghị trước hết là xây dựng và giám sát thực hiện cơ chế phối hợp giữa các ban và các sở ngành trong việc thực hiện chính sách. Đặc biệt là phải nâng vai trò của Ban Dân tộc. Cùng với đó, việc thực hiện các chính sách cần nhanh hơn đáp ứng đủ thời gian và công khai. Ở địa phương cần chú trọng đầu tư ngân sách cho đào tạo cử tuyển; xây dựng chính sách đặc thù trong việc tuyển sinh, đào tạo, phân công công tác, thu hút và đãi ngộ các cán bộ công tác tại các vùng dân tộc và miền núi.

Với cơ sở đào tạo, cần tăng cường mối liên hệ với địa phương quản lý sinh viên trong quá trình đào tạo tại trường; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số; tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ cho học sinh cử tuyển; xây dựng quy chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học tập và sinh hoạt của sinh viên cử tuyển; cân đối số lượng tuyển sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo về bảo đảm chất lượng và khả năng hỗ trợ sinh viên người dân tộc.

- Xin cám ơn ông !

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tuyển sinh cử tuyển chưa sát với thực tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO