Điểm học bạ cao cũng không thể sử dụng để xét tuyển
Năm 2024, điểm chuẩn các ngành khối sư phạm của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh theo phương thức xét điểm học bạ THPT dao động từ 25.99 đến 29,81 điểm, tương đương ngành cao nhất gần 10 điểm/mỗi môn. Ở các ngành còn lại, điểm chuẩn xét học bạ cũng ở mức cao khi đều trên 26 điểm, chủ yếu tập trung từ 27-28 điểm.
Tuy nhiên theo dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025, trường này sẽ không còn sử dụng điểm học bạ trong xét tuyển, chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Thay vào đó, trường định hướng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trở thành phương thức xét tuyển chủ đạo, sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt là một kỳ thi độc lập, chiếm 40-50% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến chiếm 20% - 40% chỉ tiêu cho các ngành có xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70% - 80% cho các ngành còn lại. Phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT dự kiến chiếm 10% chỉ tiêu; ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên chiếm 10-20% chỉ tiêu.
Không chỉ Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, nhiều trường đại học lớn trong cả nước cũng không còn “mặn mà” với điểm học bạ ở THPT khi không dùng phương thức xét tuyển học bạ hoặc giảm mức ảnh hưởng của điểm học bạ trong tuyển sinh.
Từ năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân đã không còn xét tuyển bằng học bạ, dù các năm trước đó nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu. Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến vẫn áp dụng 3 phương thức xét tuyển, chỉ điều chỉnh về tỷ lệ chỉ tiêu. Theo đó, phương thức xét tuyển thẳng chiếm 2% chỉ tiêu; phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 83% chỉ tiêu, tăng 3% so với năm 2024; phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chiếm 15% chỉ tiêu, giảm 3% so với năm 2024.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường cho biết vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Kể từ năm 2022 trở về trước, trường chỉ dùng điểm học bạ là điều kiện khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy nhưng 2 năm trở lại đây cũng đã bỏ yêu cầu này.
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng bỏ ưu tiên xét tuyển và các phương thức riêng của trường thành viên, thống nhất 3 cách tuyển sinh từ năm 2025 gồm Xét tuyển thẳng; Xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp. Trước đó, phương thức ưu tiên xét tuyển được áp dụng với học sinh học tập và tốt nghiệp THPT tại 149 trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển, thường dựa vào điểm học bạ và giải thưởng.
Năm 2025, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh dự kiến dành 15-20% chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ, giảm 10% so với năm 2024. Ngoài ra, trường dành 50-60% chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường cũng điều chỉnh không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ theo 3 học kỳ mà chỉ sử dụng phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12.
Số chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, điểm đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, xét tuyển thẳng.
Xét tuyển học bạ khó đánh giá chất lượng đầu vào
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng hiện phương thức xét tuyển bằng học bạ gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá chất lượng đầu vào của xét tuyển đại học. Lý do bởi điểm học bạ của thí sinh có độ tin cậy chưa cao, bệnh thành tích còn rất lớn và gian lận trong cho điểm cũng là vấn đề còn "nóng".
“Có một thực tế rằng hệ thống các trường phổ thông về công tác đào tạo vẫn có tình trạng trường này cho điểm lỏng, trường kia cho điểm chặt chẽ. Bên cạnh đó là tình trạng gian lận, nhẹ thì gọi là “xin điểm”, tiêu cực hơn là mua bán điểm tràn lan, không đảm bảo sự công bằng cho người học”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Bên cạnh đó, theo ông, hệ thống giáo dục nước ta hiện không đồng đều, chưa có hệ thống kiểm định thường xuyên trên cả nước. Bởi vậy, điểm giữa các trường THPT, tại các vùng miền có thể rất khác nhau, khó đảm bảo sự công bằng.
“Việc xét tuyển theo học bạ trước hết là thiếu công bằng, mức độ cao hơn là có thể tạo cơ hội cho bệnh thành tích, cho sự gian lận, tiêu cực trong tuyển sinh xuất hiện", TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT quy định nếu sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3 đến 5 kỳ học như quy định hiện hành.
Đa số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học đều đồng tình với đề xuất này bởi giúp đảm bảo đánh giá kiến thức của thí sinh trong toàn cấp THPT và tránh được hiện tượng học lệch, bỏ không học một số môn ở học kỳ 2 năm lớp 12, chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.