Tuyên Quang: Hỗ trợ hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 11:42 - Chia sẻ
Nhãn hiệu và chất lượng là hai yếu tố tiên quyết để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm khi đưa ra thị trường. Trên thực tế, việc các sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu một cách hợp pháp sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, có cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính như siêu thị và lớn hơn là cơ hội tham gia chuỗi liên kết toàn cầu… mang lại nhiều giá trị cho người dân. Nắm bắt được những lợi thế đó, thời gian vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã khuyến khích và giúp đỡ nhiều hợp tác xã (HTX) trong việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình.

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

 HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) vừa hoàn thành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm thịt lợn sạch Sáng Nhung đầu năm 2020. Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, quy trình chăm sóc, chăn nuôi lợn của hợp tác xã luôn bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, từ việc kiểm soát người ra vào trại, vận chuyển hàng, xuất bán lợn... Trang trại của anh thường xuyên duy trì nuôi 270 lợn nái và 3.000 con lợn thịt. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã của anh Sáng cung cấp cho thị trường trên 30 tấn lợn thịt bảo đảm tiêu chuẩn an toàn sinh học.

Tuy nhiên, không muốn chỉ dừng ở việc xuất bán lợn hơi, hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung đang tập trung vào chế biến sâu sản phẩm, đảm bảo chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra. Theo anh Sáng, trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, công khai quá trình chăn nuôi được đơn vị đặt lên hàng đầu, để người tiêu dùng có thể phân biệt và lựa chọn sản phẩm an toàn. Sau khi nhãn hiệu được bảo hộ, hợp tác xã đã làm việc với một số siêu thị trong và ngoài tỉnh, các bếp ăn tập thể để có thể đưa sản phẩm vào cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Sản phẩm mật ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) được trưng bày tại nhiều hội nghị, hội chợ trong và ngoài tỉnh

Sớm hơn sản phẩm thịt lợn sạch của HTX Sáng Nhung, sản phẩm mật ong của HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ của anh Trần Xuân Phong, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã có nhãn hiệu hợp pháp được bảy năm. HTX hiện có 2.000 đàn ong, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 300 tấn mật ong, 5 tấn phấn hoa. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền cho sản phẩm mật ong Phong Thổ tại Cục Sở hữu trí tuệ; đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh. Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX nhấn mạnh, từ khi có nhãn hiệu độc quyền, sản phẩm mật ong của HTX được nhiều công ty, hệ thống siêu thị đặt mua sản phẩm, tiêu biểu là Công ty TNHH Mật ong Phong Sơn (Lâm Đồng) và hệ thống siêu thị trong toàn quốc đã ký hợp đồng tiêu thụ mật ong của HTX.

Tiếp tục hỗ trợ các HTX

 Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt, nhãn hiệu hàng hóa độc quyền là “visa” để các sản phẩm nông sản của địa phương vươn xa. Hiện nay, chất lượng nông sản không chỉ là truyền miệng, cảm nhận, mà sản phẩm phải được bảo đảm bằng nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ... Nhất là trong bối cảnh hội nhập, việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu nông sản được coi là “kim chỉ nam” để phân biệt sản phẩm giữa các vùng, miền, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Số lượng các nông sản được các hợp tác xã nông lâm nghiệp chủ động đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu ngày càng nhiều.

Hết tháng 3 năm nay, trên địa bàn tỉnh đã có 33 nông sản do các hợp tác xã quản lý, xây dựng được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có 22 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, 11 sản phẩm đã cấp quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, tăng 28 sản phẩm so với năm 2015. Những sản phẩm chủ lực của tỉnh như bưởi, gạo chất lượng cao, chè, vịt bầu, miến dong... đều do các hợp tác xã đứng ra đăng ký và quản lý nhãn hiệu, qua đó từng bước tạo được thương hiệu và có đầu ra ổn định.

Gian hàng của Tuyên Quang tham gia Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 19 tại Hà Nội

Nắm rõ tầm quan trọng của nhãn hiệu sản phẩm, trong thời gian tới, cùng với các nguồn vốn hỗ trợ như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp ở các vùng có các sản phẩm lợi thế cạnh tranh, hướng các hợp tác xã hoạt động đi vào thực chất, chiều sâu, kết nối với nông dân và doanh nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm.      

Dương Lê