Trên đường phát triển

Tuyên Quang bứt phá từ chính sách nông nghiệp hàng hóa

GIANG NAM 20/05/2025 19:03

Gần một thập kỷ triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025, nông nghiệp hàng hóa tỉnh Tuyên Quang đã có những bước chuyển mạnh mẽ cả về tư duy và thực tiễn sản xuất. Từ những chủ trương, chính sách thiết thực, đồng bộ, Tuyên Quang từng bước khơi dậy tiềm năng đất đai, con người, tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tích hợp đa giá trị, vươn lên trở thành điểm sáng vùng trung du miền núi phía Bắc.

Chính sách đồng bộ, định hướng rõ ràng - nền tảng bứt phá

Nghị quyết số 16-NQ/TU đã xác định rõ định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy sản xuất và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực ở tất cả các khâu và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn.

Sau gần 10 năm thực hiện nghị quyết, nông nghiệp Tuyên Quang chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa, duy trì tăng trưởng khá với giá trị sản xuất tăng bình quân 4,6%/năm – cao hơn mức bình quân cả nước. Đã có 12/16 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết số 16-NQ/TU. Chất lượng, sức cạnh tranh nông sản được nâng cao, vùng chuyên canh phát triển mạnh, hàng hóa chủ lực chiếm trên 70% tổng giá trị sản xuất. Lâm nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững với hơn 83.231 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý, đứng đầu cả nước. Có 4 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Thu nhập người dân nông thôn theo giá hiện hành đạt 3,9 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015, góp phần đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới.

che-ham-yen-tq.jpg
Chè và sản phẩm từ chè là cây trồng nông sản góp phần nhiều nhất trong xóa đói, giảm nghèo của Tuyên Quang. Ảnh: Lê Tí

Đóng vai trò cốt lõi trong những thành tựu đó chính là hệ thống cơ chế, chính sách được ban hành đồng bộ, sát thực và triển khai quyết liệt. Trong giai đoạn này, tỉnh đã ban hành 20 nghị quyết, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, với tổng kinh phí chi thường xuyên hơn 378 tỷ đồng, cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 94 tỷ đồng cho 79 dự án liên kết sản xuất. Các chính sách này không chỉ hướng đến nâng cao năng lực sản xuất, mà còn khuyến khích hình thành liên kết chuỗi giá trị, phát triển thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhiều chính sách tiêu biểu được triển khai đã đem lại kết quả rõ nét. Đơn cử, chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nội đồng giúp hoàn thành trên 1.200km kênh mương và hơn 3.100km đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông nông sản. Chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao đã góp phần trồng mới hơn 12.500ha rừng bằng giống mới, nâng cao năng suất và chất lượng gỗ.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, sản xuất nông lâm thủy sản hàng hóa và xây dựng nông thôn mới đã được triển khai rộng khắp, với 20/21 nội dung chính sách đã thực hiện, hỗ trợ khoảng 184 tỷ đồng cho hơn 9.400 lượt đối tượng. Nhờ đó, hàng trăm mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cam, chè, lạc, gỗ, cá đặc sản… vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

2-4.jpg
Du khách trải nghiệm tại Khu du lịch Na Hang, Tuyên Quang. Ảnh: Dương Ngân

Tỉnh còn thực hiện hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo, cây giống… Đây là cách làm vừa giúp bảo vệ tài nguyên, vừa bảo đảm sinh kế, an sinh xã hội cho người dân vùng khó khăn.

Có thể khẳng định, chính sự chủ động, linh hoạt và đồng bộ trong ban hành cơ chế, chính sách là nhân tố quan trọng tạo nền tảng phát triển nông nghiệp hàng hóa trong suốt gần 10 năm qua. Tuyên Quang đã cho thấy một bài học kinh nghiệm quý: từ cơ chế đúng, chính sách đúng sẽ tạo động lực cộng hưởng phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả. Nhờ vậy, nông nghiệp Tuyên Quang từng bước trở thành điểm sáng khu vực miền núi phía Bắc.

Hướng tới nông nghiệp tích hợp, xanh và bền vững

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Một số chỉ tiêu chưa đạt như diện tích mía, cam, chè, tỷ trọng giá trị cá đặc sản… Việc tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn, liên kết sản xuất gắn với chế biến quy mô nhỏ, một số hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, sản phẩm OCOP còn hạn chế về đầu ra. Hạ tầng thương mại, logistics, du lịch nông thôn còn bất cập, chưa tạo sức bật đủ lớn cho nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững.

2103.tuyen-quang-dlnt-1.jpg
Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Văn

Nhận diện rõ những hạn chế, thách thức, Tuyên Quang đang định hình lại mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị. Trong đó, nhấn mạnh chuyển mạnh tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Tỉnh tiếp tục rà soát, duy trì và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với sản phẩm chủ lực, phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và vùng canh tác chuyên biệt. Song song với đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, nhất là thủy lợi, giao thông, cấp nước nông thôn, phát triển hệ thống bảo quản, chế biến sâu và thương mại hóa nông sản. Du lịch nông nghiệp sẽ được đẩy mạnh tại các huyện có tiềm năng như Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên... thông qua các mô hình sinh thái, trải nghiệm canh tác, kết hợp giới thiệu đặc sản.

Ngoài ra, Tuyên Quang chú trọng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chuyển đổi số và thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách, thu hút đầu tư vào chế biến, logistics, tín chỉ carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, dự báo thị trường – tất cả nhằm tạo bước đột phá thực chất và dài hạn cho nông nghiệp hàng hóa.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tuyên Quang bứt phá từ chính sách nông nghiệp hàng hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO