“Tuyên chiến” với hành vi trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách an sinh quan trọng, hỗ trợ người lao động khi mất việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng trục lợi quỹ BHTN diễn biến phức tạp, có dấu hiệu tổ chức và tiếp tay từ doanh nghiệp. Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng cần siết chặt hậu kiểm, xử lý nghiêm minh và hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ nguồn quỹ chung.
Gia tăng các hành vi trục lợi
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2024 đến hết tháng 4/2025, cơ quan bảo hiểm đã tổ chức thanh tra gần 23.000 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, đã phát hiện và yêu cầu truy thu số tiền đóng còn thiếu của khoảng 17.500 lao động, với tổng số tiền hơn 130 tỷ đồng. Đồng thời, xác định gần 39.000 lao động bị đóng thiếu, với số tiền cần truy thu hơn 127 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2024, số tiền thu hồi từ quỹ BHTN do các trường hợp hưởng sai quy định lên tới gần 980 triệu đồng. Đây là những con số cảnh báo rõ ràng về tình trạng trục lợi đang diễn ra một cách đáng lo ngại, cả ở phía người lao động và doanh nghiệp.

Các hình thức trục lợi quỹ BHTN ngày càng đa dạng, phổ biến nhất là việc khai báo sai sự thật, giả mạo hồ sơ hoặc không khai báo tình trạng đã có việc làm trở lại để tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Một số trường hợp còn lợi dụng chính sách hỗ trợ học nghề để lập danh sách "ảo", ký nhận rồi rút tiền, trong khi thực tế không tham gia học nghề.
Đáng chú ý, nhiều trường hợp có sự tiếp tay từ phía người sử dụng lao động. Một số doanh nghiệp cố tình không kê khai đầy đủ số lao động thực tế đang làm việc, hoặc trì hoãn việc đóng BHTN nhằm giảm chi phí, tạo điều kiện cho người lao động "nghỉ việc tạm thời" để hưởng trợ cấp. Đây không chỉ là hành vi trốn đóng bảo hiểm mà còn là sự tiếp tay trực tiếp cho việc trục lợi quỹ BHTN.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực việc làm và bảo hiểm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trục lợi quỹ BHTN phần lớn đến từ hai phía: người lao động thiếu hiểu biết pháp luật, trong khi doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để hợp thức hóa sai phạm. Cùng với đó, hệ thống giám sát, hậu kiểm còn yếu, chủ yếu phát hiện sai phạm sau khi đã xảy ra, gây khó khăn trong công tác thu hồi và xử lý.
Xây dựng cơ chế hậu kiểm phù hợp
Các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHTN, bổ sung các quy định xử lý nghiêm hành vi tiếp tay trục lợi từ phía doanh nghiệp, bên cạnh việc truy thu và phạt người lao động vi phạm. Việc xây dựng một cơ chế kiểm tra - hậu kiểm hiệu quả, đặc biệt thông qua liên thông dữ liệu giữa các cơ quan như bảo hiểm, thuế, lao động, việc làm… là điều kiện cần thiết để phát hiện nhanh, ngăn chặn sớm các hành vi gian lận.
Bên cạnh đó, cần áp dụng cơ chế "khai báo mở" - cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức nào phát hiện sai phạm đều có thể phản ánh đến cơ quan chức năng, qua đó phát huy vai trò giám sát của cộng đồng và tăng cường tính minh bạch trong thực hiện chính sách.
Đối với chính sách hỗ trợ học nghề, cần có biện pháp kiểm tra thực tế việc học tập và cam kết nghề nghiệp của người lao động, tránh tình trạng "học ảo, rút thật". Với những người lao động cố tình vi phạm, ngoài việc thu hồi tiền trợ cấp, cần áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, thậm chí hủy thời gian tham gia đóng BHTN tương ứng với thời gian trục lợi sai quy định.
Thực tế cho thấy, nhiều người lao động sau khi bị phát hiện trục lợi không những bị thu hồi tiền trợ cấp mà còn mất quyền lợi bảo hiểm đã tích luỹ, đồng thời đối mặt với rủi ro bị xử phạt. Một số trường hợp còn rơi vào vòng xoáy pháp lý phức tạp chỉ vì sự thiếu hiểu biết hoặc nghe theo lời "tư vấn" không đúng từ doanh nghiệp.
Các chuyên gia khuyến nghị, người lao động cần hiểu đúng bản chất của chính sách BHTN - đó là hỗ trợ tạm thời trong thời gian tìm việc, học nghề, bảo lưu thời gian đóng để quay lại thị trường lao động một cách bền vững. Khi đã tìm được việc mới, người lao động cần chủ động thông báo tới cơ quan chức năng để điều chỉnh trợ cấp kịp thời, tránh vi phạm không đáng có.
Trong bối cảnh quỹ BHTN đang chịu áp lực ngày càng lớn do số lượng hưởng trợ cấp cao và nhu cầu hỗ trợ nghề nghiệp ngày càng gia tăng, việc bảo vệ quỹ khỏi hành vi trục lợi là nhiệm vụ không thể chậm trễ. Mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp và mỗi cơ quan chức năng đều cần nâng cao ý thức, phối hợp hành động, để chính sách BHTN tiếp tục phát huy hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, vì một xã hội công bằng và phát triển bền vững.