Tuyên chiến với chủ nghĩa biệt lập

Nhật An 04/04/2019 08:18

Pháp và Đức vừa công bố sáng kiến thành lập Liên minh Vì chủ nghĩa đa phương nhằm củng cố hợp tác toàn cầu, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập đang trỗi dậy mạnh mẽ ở châu Âu và một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ.

Củng cố hợp tác đa phương

Tại cuộc họp báo chung tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 2.4, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Đức Heiko Maas cho biết, Pháp và Đức sẽ chính thức ra mắt Liên minh Vì chủ nghĩa đa phương tại Kỳ họp thường niên lần thứ 74 của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 tới, nhằm củng cố hợp tác đa phương và ủng hộ LHQ với vai trò trung tâm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sáng kiến này còn nhằm hình thành mạng lưới các quốc gia sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực đa phương và hợp tác toàn cầu chống tình trạng bất bình đẳng trên thế giới, giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu cũng như đối phó với những hệ lụy mà công nghệ mới mang lại.

Hai quan chức ngoại giao hàng đầu của Pháp và Đức nêu rõ, Liên minh Vì chủ nghĩa đa phương sẽ thúc đẩy hợp tác toàn cầu, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ ở châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Pháp và Đức tin rằng, sáng kiến này sẽ cho thế giới thấy những gì có thể là hậu quả của chủ nghĩa đơn phương, biệt lập. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Le Drian nhấn mạnh, hợp tác đa phương không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng là “chìa khóa” cho an ninh toàn cầu. Bởi lẽ, an ninh chỉ có thể đạt được bằng các nỗ lực tập thể. Đây là cách tốt nhất để bảo đảm hòa bình lâu dài.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump cắt giảm các khoản đóng góp cho quỹ của LHQ, rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế và né tránh hợp tác trong những vấn đề nổi cộm như biến đổi khí hậu. Theo thông tin ngoại giao, cùng với hai cường quốc châu Âu trên, Canada và Nhật Bản sẽ gia nhập liên minh này, ngoài ra danh sách các nước có triển vọng trở thành thành viên gồm: Australia, Ấn Độ, Indonesia và Mexico.

Khủng hoảng niềm tin

Trong quan hệ quốc tế, chủ nghĩa đa phương thể hiện hình thức hợp tác sâu rộng giữa các quốc gia nhằm theo đuổi mục tiêu chung, dựa trên các giá trị gắn kết cốt lõi là sự công bằng, hợp tác tập thể và tác động qua lại mang tính tương hỗ. Nhiều thập niên qua, chủ nghĩa đa phương được củng cố cùng với việc hình thành cơ chế đa phương từ quy mô khu vực tới quốc tế đã mang lại lợi ích to lớn, hướng đến một thế giới ổn định, hòa bình và thịnh vượng với các mục tiêu vì con người và vì sự phát triển chung.

Chủ nghĩa đa phương đã gắn kết, bảo vệ toàn cầu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh ebola ở châu Phi, đóng góp vào việc giải quyết hơn 40% các cuộc xung đột vừa và nhỏ trên toàn thế giới. Theo thống kê, LHQ đã hỗ trợ các cuộc thương lượng đưa đến giải pháp hòa bình cho hơn 170 cuộc xung đột ở các khu vực. LHQ cũng đi đầu trong các vấn đề về nhân quyền, y tế, giáo dục với hệ thống tổ chức rải khắp toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện nay, chủ nghĩa đa phương đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, khi thế giới biến động khó kiểm soát, từ sự rạn nứt trong quan hệ giữa các cường quốc, sự nổi lên của chủ nghĩa biệt lập cho đến sự xuống dốc của biến đổi khí hậu... Những thách thức này chủ yếu đến từ một hoặc một số thành tố trong cộng đồng quốc tế có quan điểm, hành động khác biệt với phần còn lại, thậm chí có tính đối kháng, đi ngược xu hướng hợp tác quốc tế, đa phương toàn cầu.

Tại kỳ họp cấp cao thường niên Đại Hội đồng LHQ lần thứ 73 ở New York (Mỹ) cuối tháng 9.2018, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng đang lan rộng trên toàn cầu do tác động của chủ nghĩa đơn phương, biệt lập. Tuy nhiên, ngay sau bài phát biểu trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu nhấn mạnh lợi ích của nước Mỹ trong bối cảnh nhà lãnh đạo này chủ trương thực hiện chính sách “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”; đồng thời bác bỏ chủ nghĩa toàn cầu hóa.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù các chính sách mang đậm màu sắc biệt lập của Mỹ có thể đẩy chính quyền của Tổng thống Donald Trump vào thế cô lập trên trường quốc tế, song nỗ lực nhằm vực dậy chủ nghĩa đa phương cũng lâm vào tình trạng chung. Vai trò của LHQ - đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa đa phương - đang bị đe dọa và thách thức trong cuộc chiến bảo vệ toàn cầu hóa và gắn kết hội nhập quốc tế. Điều dễ nhận thấy đó là sự tham gia kém nhiệt tình hơn của các nước lớn trong những vấn đề chung.

Sức ép cải tổ đặt ra ngày càng lớn đối với LHQ nhằm trở thành một thể chế đa phương hoạt động hiệu quả hơn, dẫn dắt xu hướng hợp tác toàn cầu. Các nhà phân tích cho biết, LHQ là ngôi nhà quá lớn, vì vậy, để đạt được đồng thuận giữa các thành viên là câu chuyện rất khó khăn. Ngay trong Hội đồng Bảo an với 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực và 10 nước không thường trực, vẫn khó tìm kiếm sự đồng thuận trong nhiều vấn đề quốc tế.

Giải pháp khả dĩ nhất lúc này là việc các quốc gia nỗ lực tự cường, tạo dựng niềm tin, củng cố sức mạnh, vai trò của cơ chế hợp tác đa phương trên bình diện quốc tế. Theo Tổng Thư ký LHQ Guterres, lãnh đạo các quốc gia đều có nghĩa vụ cải thiện phúc lợi cho người dân nhưng cũng có nghĩa vụ thúc đẩy, ủng hộ cơ chế đa phương được củng cố, cải cách và đổi mới. Theo Tổng thư ký LHQ, hợp tác quốc tế cần hướng đến giá trị gia tăng bằng cách đem lại hòa bình, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy tiến bộ kinh tế - xã hội cho người dân toàn thế giới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tuyên chiến với chủ nghĩa biệt lập
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO