Tùy tiện và cẩu thả!

- Thứ Tư, 28/04/2021, 05:41 - Chia sẻ

Tượng Nữ thần Tự Do phiên bản lỗi ở Sa Pa, vườn tượng 12 con giáp có tạo hình phản cảm ở Hải Phòng, những bức tượng ma quỷ dị hợm ở một khu du lịch tại Lâm Đồng… đều là những tác phẩm điêu khắc được đặt trong khuôn viên của khu du lịch tư nhân khiến dư luận dậy sóng bởi sự xấu xí, phản cảm và hoàn toàn không phù hợp với truyền thống văn hóa, cảm quan thẩm mỹ người Việt. Đây không chỉ là cảnh báo về sự tùy tiện trong thẩm mỹ mà còn là câu chuyện về công tác quản lý điểm đến du lịch.

Đáng nói là, vài năm trở lại đây, việc tùy tiện, dễ dãi đến cẩu thả trong trưng bày tượng, biểu tượng… tại các khu du lịch trên cả nước là không hiếm. Có thể sự xấu xí, chưa chuẩn mực đó sẽ khiến điểm đến được biết đến nhiều hơn, thậm chí nhiều người cũng sẽ tìm đến đây để thỏa chí tò mò xem bức tượng xấu đến mức nào… Nhưng liệu cách quảng bá như vậy có đem lại giá trị bền vững? Liệu hình ảnh du lịch có được nâng tầm khi trông chờ vào những phiên bản lỗi, không đạt các tiêu chí về mỹ thuật?

Dẫu đây đều là những bức tượng do tư nhân bỏ tiền xây dựng và đặt tại không gian cũng của tư nhân, nhưng khi đã trưng ra nơi tiếp xúc với cộng đồng thì phải có chuẩn mực nhất định, cần có sự thẩm định của giới chuyên môn. Thực tế, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam để quản lý hoạt động này. Điều đó khẳng định một lần nữa, không phải là chưa có chế tài xung quanh việc trưng bày tranh, tượng, tác phẩm mỹ thuật ở nơi công cộng, điểm du lịch… trái thuần phong mỹ tục, như một vài ý kiến nhầm tưởng.

Tất nhiên, khi làm du lịch, người ta luôn muốn có cái gì khác lạ để thu hút du khách nhưng cần phải tỉnh táo và bình tĩnh xem nơi đặt có đúng không, có phản cảm không, có phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh không... sau đó mới xem xét đến phong tục, tập quán và các yếu tố khác. Dù là điểm du lịch tư nhân, cũng phải bảo đảm quy định, hướng tới việc tạo lập hình ảnh du lịch thân thiện, chuyên nghiệp, là điểm đến an toàn đối với du khách, chứ không thể làm một cách tự phát, tùy tiện, thiếu thẩm mỹ. Bởi nếu làm không khéo léo, sẽ dẫn đến việc hủy hoại rất nhanh những điểm đến giàu bản sắc như Sa Pa, Đà Lạt…

Chuyện khai thác nghệ thuật công cộng làm du lịch như “con dao hai lưỡi” đã được nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo từ lâu. Cái lợi của ứng dụng mỹ thuật vào du lịch, không gian công cộng là không thể chối bỏ nhưng không vì thế mà tùy hứng, thích làm sao cũng được. Nói cách khác là không thể đem sự dũng cảm của chủ đầu tư để khỏa lấp cách hành xử vô lối, tùy tiện với nghệ thuật. Với những trường hợp lệch chuẩn, nếu không xử lý đến nơi đến chốn thì sẽ tạo tiền lệ, làm xấu đi môi trường thẩm mỹ ở những địa điểm công cộng, địa điểm du lịch thu hút đông du khách.

Sự tùy tiện trong tư duy thẩm mỹ của doanh nghiệp đáng trách một thì phần trách nhiệm lớn hơn phải thuộc về cơ quan quản lý ở địa phương. Bởi đa phần chỉ khi dư luận và báo chí lên tiếng thì địa phương mới vào cuộc. Khi những khu du lịch tư nhân đang mọc lên như nấm sau mưa, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần bổ sung, hoàn thiện các quy định để vừa quản lý chặt chẽ, hiệu quả, ngăn chặn cách làm du lịch ngắn hạn, dễ dãi; vừa linh hoạt bảo đảm quyền kinh doanh của cá nhân, tổ chức đầu tư cho du lịch. Từ đó, khuyến khích người dân phát triển du lịch bền vững, tạo môi trường thân thiện, an toàn cho du khách và phù hợp cảnh quan, quy hoạch du lịch của điểm đến; vun đắp hình ảnh, thương hiệu du lịch địa phương, du lịch vùng và du lịch quốc gia.

Chi An