Tưởng như là hình sự

Hoài Nam 20/04/2015 08:09

Từ trước đến nay, Đỗ Phấn vẫn luôn được người đọc biết đến như một tác giả, muốn viết gì thì viết, nhưng không bao giờ viết ra ngoài Hà Nội, nơi ông sinh ra, lớn lên, vật vã lẫn yêu thương cùng nó.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Đỗ Phấn, Rụng xuống ngày hư ảo (NXB Trẻ, 2015), cũng là một cái viết như vậy, cho dẫu tác giả không một lần nhắc tên Hà Nội, và các địa danh thì cũng bị ông cố ý gọi chệch đi như một sự đánh lừa cảm giác của người đọc. Một chênh vênh trong thỏa thuận giữa người viết và người đọc thì đúng hơn: là Hà Nội đấy, song cũng có thể là bất cứ nơi đâu trong cái làn sóng đô thị hóa đang ào lên như thác này.

Người ta nhận thấy gì ở cuốn tiểu thuyết này? Không hề là một cái gì đó cổ kính, trang nhã, đèm đẹp, mơ mộng, nên thơ… tất cả những phẩm tính vốn đã ăn sâu bám rễ trong ý niệm của “người ta” về thành phố ngoài nghìn năm tuổi (điều mà chính Đỗ Phấn ít nhiều đã thực hiện trong cuốn Dằng dặc triền sông mưa viết cách đây vài năm, khi ông nhớ đến một Hà Nội của-tuổi thơ-mình). Trái lại, trong Rụng xuống ngày hư ảo, Đỗ Phấn đã phác lên diện mạo một thành phố của tội ác, của mánh mung, của bất chính, của cả cô đơn và trống vắng trong hồn người. Có thể nói, Rụng xuống ngày hư ảo là cuốn tiểu thuyết, trước hết, hút vào nó tất cả những gì là “thời sự” nhất của đời sống, tất cả những gì đang khiến cho mặt báo phải sôi sục đăng lên để tăng được tiara: tình, tiền, tù, tội, cướp, giết, hiếp. Rất nhiều cái chết ở trong này – chết do đòn tù, chết vì án tử hình, chết vì bị cướp của, chết vì oan tình – đến mức, nếu nói rằng Rụng xuống ngày hư ảo là một cuốn tiểu thuyết hình sự, hẳn cũng không sai. Cảm nhận ấy còn hằn đậm thêm một nấc nữa khi hệ thống nhân vật ở đây, hoàn toàn không vô ý, là những gương mặt đang trở nên tâm điểm của thiên hạ hiếu sự: đại gia buôn thuốc phiện, chân dài kiêm gái gọi, nhà báo chuyên nghề tống tiền, công tử con quan ăn chơi bốc giời v.v… Những đàn ông và đàn bà ấy, họ đến với nhau và rời xa nhau, trao gửi cho nhau và tước đoạt của nhau, lợi dụng lẫn nhau và chà đạp lên nhau, yêu nhau đấy rồi cắt cổ nhau ngay đấy, thay đổi chỉ trong một khoảnh khắc.

Nhưng rốt cuộc, tính chất hình sự chỉ là cái vỏ của cuốn tiểu thuyết hơn ba trăm trang này (và là một cái vỏ mỏng, bởi ở đây không có nhân vật thám tử, không có những cuộc điều tra đi qua muôn vàn manh mối, không có cái bất ngờ của sự căng thẳng trí não… vốn là những yếu tố không thể thiếu để làm nên một tiểu thuyết hình sự đích thực). Lõi của nó, chính là cái nhìn về đô thị của tác giả - chủ đề mà Đỗ Phấn thường trở đi trở lại - là những trải nghiệm đau đớn, những suy ngẫm day dứt triền miên của một thị dân lõi đời về sức mạnh tha hóa khủng khiếp mà đô thị đang đè lên những cuộc đời người sống trong nó, bám dính vào nó. Đô thị - nhất là đất thánh nghìn năm văn hiến có lẻ - là một nguồn sáng cực mạnh và đầy cám dỗ với những con thiêu-thân-người-tứ-xứ. Họ đến với nó, gồng mình lên mọi cách để trở thành thị dân, thị dân mới. Có thể được có thể không, nhưng điều dễ thấy nhất là từ đó, họ cũng góp phần biến đô thị thành một thứ gì đó phản thẩm mỹ, thậm chí không thể hiểu nổi (trong tác phẩm, xuất hiện khá nhiều đoạn viết về đô thị theo mẫu câu định nghĩa: “Thành phố là…”, tựa như một nỗ lực tìm hiểu cái không còn có thể hiểu được. Và khi đã không hiểu, tác giả đành áp cái nhìn chủ quan lên nó, “giống cái hóa” nó một cách quái dị: “Những building chọc trời thẳng tắp như vài cặp chân dài bất ngờ sải bước nghễu nghện đầy thách thức. Cánh tay là những con đường mảnh dẻ quấn quýt bám theo sau. Những vòng xuyến khổng lồ ở chỗ giao cắt những con đường như cặp mông vồng lên choán chỗ làm con mắt chẳng thể bao quát. Đành phải ngắm theo những cặp mông trước mặt mình mà đi”. Mặt khác, những thị dân mới ấy còn góp phần biến đô thị thành một thứ Sodom hiện đại, và phải nhận lĩnh những hệ/hậu quả không phải bao giờ cũng đẹp như trong mơ. Cả những thị dân cũ trong Rụng xuống ngày hư ảo cũng vậy (đại diện là nhân vật Đức. Tiểu thuyết của Đỗ Phấn luôn dành chỗ cho những nhân vật thị dân cũ kiểu này: họ trầm mặc, nhàu nhàu, sống như thu mình lại, không ham hố đua tranh; họ âm thầm chịu đựng sự tha hóa và biết rất rõ là mình cũng đang tha hóa một cách âm thầm, như không thể cưỡng lại được). Âm hưởng chủ đạo của cuốn tiểu thuyết, vì thế, vang lên như một tiếng nói bi trầm. Đúng hơn, là nhiều tiếng nói bi trầm. Bởi các nhân vật, ngoài sự hiện diện từ giọng của người kể chuyện ngôi thứ ba số ít, đều tự nói về mình, tự bóc mình ra với tất cả những suy nghĩ sâu kín nhất, thậm chí, cả những suy nghĩ mờ ám vô luân nhất. Cách kể chuyện, mổ xẻ nhân vật theo kiểu “hết kiệt” này có thể đã không còn là điều mới mẻ, nhưng ở một cuốn tiểu thuyết mà chủ ý của người viết là phơi ra toàn bộ sự phi nhân tính trong con người, thì nó là kỹ thuật khá đắc dụng.

Một nhân vật đặc biệt, không thể không nói tới trong Rụng xuống ngày hư ảo, là “thằng loắt choắt cánh dơi”, chuyên xuất hiện trong những giấc mơ hoặc cơn hoang tưởng của Đức. “Thằng loắt choắt cánh dơi” ấy cho phép ta nghĩ tới một Lucifer, một Mephistopheles, một điềm báo bất tường, một kẻ dẫn dắt những linh hồn đọa lạc. Mỗi lần “thằng loắt choắt cánh dơi” xuất hiện là một cái chết ập xuống ngay sau đó, trong đời thực. Dường như “thằng loắt choắt cánh dơi” chỉ chịu nương tay với Đức, nhân vật không chết, nhưng rốt cuộc phải sống trong nhà thương điên với cái phờ phạc thị dân cũ của mình. “Thằng loắt choắt cánh dơi”, nhân vật quái gở mang chức năng xâu chuỗi các số phận nát bấy trong cuốn tiểu thuyết này, có lẽ cũng còn là vật chuyển tải một thông điệp bi thảm của tác giả: cuối cùng, tất cả những vùng vẫy tồn tại của con người - ở đây là con người đô thị - trong những năm tháng này, chỉ là để chờ tới lúc rụng xuống ngày hư ảo mà thôi. Hư ảo nắng, hư ảo gió, hư ảo người và hư ảo đời…

 Từ những tiểu thuyết đầu tiên (Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối) đến những tiểu thuyết sau này (Gần như là sống, Con mắt rỗng, Ruồi là ruồi), và giờ đây là Rụng xuống ngày hư ảo – không tính các tập truyện ngắn và tản văn – Đỗ Phấn đã cho thấy sự hiện diện của một cây bút văn xuôi có cường độ lao động lớn. Và đặc biệt, một cây bút văn xuôi vừa động vừa tĩnh. Động, ở sự nắm bắt rất nhạy những chuyển biến trong đời sống đô thị và nhanh chóng biến nó thành chất liệu văn chương. Tĩnh, như đã nói ở phần đầu bài viết này, Đỗ Phấn chỉ viết về Hà Nội “của mình” mà thôi. Tĩnh, còn là ở chỗ vẫn xuyên suốt một giọng văn ấy: điềm đạm, nắn nót. Có buông thả hài hước cũng là buông thả hài hước trong sự nắn nót. Viết bi thảm đến như Rụng xuống ngày hư ảo vẫn là bi thảm trong nắn nót. Hình như, đó là ánh xạ thấp thoáng từ quan niệm của một thị dân cũ Hà Nội: “Vẻ đẹp ở Hà Nội từng có và từng mất, nhưng người cầm bút phải nhắc lại và làm sống dậy những giá trị, phẩm chất ấy”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tưởng như là hình sự
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO