Tương lai Trái Đất ở Durban

Thu Minh 23/11/2011 07:29

Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu (COP17), sẽ diễn ra tại Durban (Nam Phi) vào cuối tháng này, được kỳ vọng có thể đưa đến một thỏa thuận pháp lý về cắt giảm khí nhà kính sau khi giai đoạn một của Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm tới. Tuy nhiên, xung đột lợi ích giữa các nước và nhóm nước khiến các nhà đàm phán khó tìm được tiếng nói chung và sự đồng thuận sẽ vẫn chỉ là mục tiêu khó tiếp cận.

Bất chấp tính cấp bách của sự biến đổi khí hậu, chủ đề thời sự này vẫn bị “chìm nghỉm” trong các chương trình nghị sự ngoại giao kể từ sau hội nghị COP16 ở Copenhague (Đan Mạch) hồi tháng 12.2009. Cuộc hẹn ở Copenhague, từng được giới thiệu như một “đại tiệc về khí hậu”, đã kết thúc trong mập mờ, với một văn kiện được bí mật soạn thảo bởi một nhóm các nguyên thủ quốc gia hàng đầu. Năm ngoái, các nhà đàm phán khí hậu của 190 quốc gia trở lại đường đua ở Cancun (Mexico) sau một thời gian bị tụt hậu và đang chuẩn bị bước vào cuộc gặp ở Nam Phi từ ngày 28.11 đến 9.12.2011 để khôi phục tiến trình chống biến đổi khí hậu do LHQ khởi xướng cách đây hai thập kỷ.

Thời gian qua, nhiều quốc gia đã lên tiếng bày tỏ không ít lo ngại về kết quả của vòng đàm phán về biến đổi khí hậu tới đây ở Durban. Tương lai của Nghị định thư Kyoto sẽ là một trong những chủ đề “nóng” tại vòng đàm phán này, và nó phụ thuộc chủ yếu vào lập trường quan điểm của các bên. Đa số các nước đang phát triển kêu gọi các bên nỗ lực nhằm loại bỏ những thách thức còn tồn tại, mà trước hết là những bất đồng giữa nhóm nước phát triển và đang phát triển xung quanh nghĩa vụ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Các cam kết hiện nay về cắt giảm khí nhà kính của các nước phát triển chưa đủ để đóng góp đáng kể cho mục tiêu toàn cầu là giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng dưới mức 20C vào cuối thế kỷ này. Mục tiêu của vòng đàm phán ở Durban là gia hạn Nghị định thư Kyoto - công cụ pháp lý duy nhất cho đến nay quy định nghĩa vụ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với các nước công nghiệp phát triển. Văn kiện này sẽ hết hiệu lực vào năm 2012 và thế giới cần có một văn kiện tương tự để thay thế và đây cũng là trọng tâm chính trong chương trình nghị sự ở Durban. Tuy nhiên, nhóm nước phát triển và nhóm nước đang phát triển vẫn chưa tìm được tiếng nói chung dù thời điểm khai mạc hội nghị COP17 đang cận kề.

Lường trước vòng đàm phán sắp tới chắc chắn sẽ rất khó khăn, Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi Jacob Zuma nhấn mạnh tất cả những gì diễn ra tại Durban cần phải bảo đảm tôn trọng nguyên tắc chính là toàn vẹn môi trường. Cho tới thời điểm hiện tại, thách thức lớn nhất ở Durban lần này vẫn sẽ là việc gia hạn Nghị định thư Kyoto. Và Nam Phi, quốc gia giàu nhất ở châu lục Đen, mong muốn các nước công nghiệp phát triển tiếp tục tham gia giai đoạn cam kết thứ hai.

Các nước đang phát triển đều nhất trí rằng, các nước phát triển - “thủ phạm” thải khí nhà kính lớn nhất - phải cắt giảm khí thải theo lộ trình để bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu theo Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, Mỹ - nước thải khí lớn thứ 2 thế giới - lại không tham gia hiệp ước này. Một số nước phát triển tham gia Nghị định thư Kyoto như Nhật Bản, Nga và Canada lại tuyên bố sẽ không tham gia giai đoạn cam kết thứ 2 trong khi Australia và New Zealand lại coi giai đoạn cam kết thứ 2 chỉ là giai đoạn chuyển tiếp hướng tới một hiệp ước toàn cầu. Trung Quốc, Ấn Độ - hai quốc gia đang phát triển nhưng thải lượng khí nhà kính lớn, lại tuyên bố họ chưa sẵn sàng để bắt đầu quá trình hướng tới một hiệp ước mới. Nỗ lực chống biến đổi khí hậu của toàn nhân loại có nguy cơ “trở về số 0” nếu các ông lớn thải khí nhà kính vẫn khăng khăng giữ quan điểm vì mục tiêu phát triển riêng của họ.

Ngoài vấn đề cắt giảm khí nhà kính, việc đẩy mạnh cam kết hỗ trợ tài chính, khoa học công nghệ,… cũng được đề cập như điều kiện tiên quyết để giúp các nước đang phát triển đối phó với thách thức biến đổi khí hậu. Hiện các nước phát triển mới cam kết hỗ trợ cho các nước đang phát triển khoảng 30 tỷ USD trong ba năm từ 2010 đến 2012 để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tính bình quân đầu người, mỗi người dân ở các nước nghèo chỉ nhận được 2 USD/năm, một con số quá ít so với yêu cầu. Vì thế, các nước phát triển phải hỗ trợ thích đáng về tài chính cũng như chuyển giao khoa học công nghệ thân thiện với môi trường cho các nước đang phát triển để hướng đến nền kinh tế cácbon thấp.

Tất cả các quốc gia cần nhận thức rằng việc bảo vệ khí hậu Trái Đất là nhiệm vụ chung và cấp bách đối với toàn nhân loại. Tương lai của sự sống trên Trái Đất đang nằm trong tay các chính phủ của 190 quốc gia trên thế giới, vì vậy các nước và nhóm nước cần thống nhất quan điểm phát triển bền vững, hài hòa những xung đột lợi ích, cùng thiện chí đối thoại để bảo vệ môi trường sống.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tương lai Trái Đất ở Durban
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO