Tương lai dưới lòng đất

Đạt Quốc 28/12/2018 08:28

Với diện tích đất đai hạn hẹp so với nhiều quốc gia khác, Singapore chọn cách xây dựng các công trình trong lòng đất để đáp ứng yêu cầu phát triển. Mới đây Chính quyền quốc đảo sư tử đã công bố Kế hoạch tổng thể cho tương lai dưới lòng đất 2019 với những dự án khá tham vọng.

Giải phóng mặt đất

Với khoảng 5,6 triệu người trong một khu vực bằng 3/5 kích thước của thành phố New York - và với dân số ước tính sẽ tăng lên 6,9 triệu vào năm 2030 - quốc đảo sư tử có nguy cơ nhanh chóng cạn kiệt không gian. Các phương pháp thông thường như xây dựng công trình cao tầng và cải tạo đất ven biển dường như chưa đủ để giải quyết bài toán phát triển.

Singapore và dự án thành phố khoa học dưới lòng đất
Singapore và dự án thành phố khoa học dưới lòng đất

Chính vì vậy, từ một vài năm trước, Singapore đã đặt trọng tâm giải phóng mặt đất bằng cách phát triển xuống lòng đất. Trên thực tế, quốc gia này đã sử dụng tốt không gian ngầm với các trung tâm mua sắm, đường tàu điện ngầm và đường cao tốc. Chẳng hạn, du khách và người dân địa phương có thể tận hưởng sự thoải mái và an toàn khi mua sắm và dạo chơi dưới lòng đất từ con đường Orchard nổi tiếng đến tòa thị chính, Tanjong Pagar và vịnh Marina. Bên cạnh đó, khoảng 12km đường cao tốc và gần 80km đường tàu điện đã được xây dựng ngầm.

Ngoài ra, hai dự án ngầm nổi tiếng khác của Singapore là Jurong Rock Caverns (Những hang đá trên đảo Jurong) và Kho đạn ngầm (UAF) là những ví dụ hoàn hảo về nỗ lực vượt qua thách thức đất chật để mở rộng không gian dưới lòng đất. Dự án Jurong Rock Caverns hoàn thành năm 2014, là công trình gồm 5 kho ngầm dưới đáy biển Banyan Basin dùng để dự trữ dầu. Hang Jurong Rock Caverns sâu 150m, cao hơn một tòa chung cư 30 tầng. Công trình này xây dựng trong vòng 8 năm, giải phóng 60ha đất (tương đương 70 sân bóng). Mỗi hang cao tương đương tòa nhà 9 tầng, chỗ chứa bên trong cao 27m, rộng 20m và dài tới 340m. Trong mỗi hang có thể chứa tới 64 bể bơi tiêu chuẩn Olympic, 1.300 xe buýt 2 tầng.

Tương tự, dự án UAF đã giúp Singapore tiết kiệm đến 300ha diện tích trên mặt đất. Hơn nữa, do cơ sở này dưới lòng đất nên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chi phí bảo dưỡng và điện năng cũng ít hơn so với việc nằm trên mặt đất 50%.

Thành phố khoa học ngầm

Tuy nhiên Singapore còn muốn đi xa hơn. “Với diện tích đất hạn chế, chúng tôi cần tận dụng tốt hơn diện tích đất bề mặt của mình và xem xét một cách có hệ thống cách khai thác không gian ngầm cho nhu cầu trong tương lai”, Ler Seng Ann, quan chức thuộc Cơ quan Tái phát triển đô thị Singapore cho biết.

Cụ thể, Kế hoạch Tổng thể dưới lòng đất 2019 của Singapore sẽ có các khu vực thí điểm, với các ý tưởng bao gồm trung tâm dữ liệu, nhà máy tiện ích, kho xe buýt, hệ thống nước thải đường hầm sâu, kho bãi và hồ chứa nước. Bên cạnh đó, Kế hoạch sẽ tạo ra các trung tâm giao thông ngầm, những làn đường dành cho khách bộ hành, người đi xe đạp, nhà máy điện, khu phức hợp công nghiệp, trung tâm nghiên cứu và lưu trữ, các khu vực mua sắm và những không gian ngầm công cộng khác tại Singapore.

Mặt khác, Công ty Phát triển hạ tầng công nghiệp thuộc nhà nước Jurong Town Corporation (JTC) đang bắt tay vào một nghiên cứu với quy mô chưa từng thấy bên dưới Công viên khoa học Singapore ở phía Tây đất nước. Dự án này nhắm đến xây dựng một thành phố khoa học 30 tầng dưới lòng đất có thể chứa các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, các văn phòng và trung tâm dữ liệu.

Thư ký giám đốc JTC David Tan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các công trình khoa học ngầm bên cạnh những khu phức hợp khoa học hiện tại. “Bằng cách đặt một thành phố khoa học dưới lòng đất giữa công viên khoa học 1 và 2, chúng ta có hai vùng đất để phát triển - một ở dưới và một ở trên. Thách thức thật sự là làm thế nào để sử dụng một mảnh đất hai lần” - ông Tan chia sẻ.

Báo Straits Times khẳng định một ngày không xa người dân Singapore có thể “sống, làm việc và giải trí trong lòng đất”. Cục Xây dựng công trình Singapore chịu trách nhiệm giám sát các dự án không gian ngầm cho biết điều này sẽ trở thành hiện thực vào năm 2050.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, hơn 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Ở các nước đang phát triển, nơi diễn ra phần lớn sự chuyển dịch này, áp lực cơ sở hạ tầng và tài nguyên sẽ rất lớn và gây ra xung đột trên vùng đất khan hiếm. Wout Broere, Trợ lý giáo sư tại Đại học Công nghệ Delft của Hà Lan cho biết: “Với dân số đô thị ngày càng tăng và nhu cầu về chất lượng cuộc sống tốt hơn, phải tích hợp cảnh quan thành phố ngầm để giữ cho các thành phố của chúng ta có thể sống được”. Chính vì vậy, việc Singapore công bố Kế hoạch tổng thể cho tương lai dưới lòng đất chính là đi đúng xu hướng. “Không gian là một tài sản và chúng ta nên tận dụng nó. Một kế hoạch chi tiết và nghiêm ngặt là rất quan trọng”, Stones nói.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tương lai dưới lòng đất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO