Tưởng đâu viên mãn (Phần cuối)
Truyện ngắn của Đỗ Trí Dũng

04/12/2007 00:00

      Trong số ba người vợ Dương Lễ, người vợ hai tên gọi Châu Long, thường trong nhà vẫn gọi là nàng Hai Long. Châu Long quê ở Thanh Hóa, chân to mồm rộng vô cùng duyên dáng, vòng một vòng ba khổng lồ, tính tình hiền dịu. Vì Dương Lễ là người điều độ, nên chàng chỉ xếp lịch giao hợp cho Châu Long vào các ngày hai, tư, sáu; thỉnh thoảng nhân dịp lễ tết thì chàng mới phá lệ ban thêm. Châu Long thường vẫn lấy làm bất mãn. 
      Sau khi nghe Dương Lễ nói, ba nàng đưa mắt nhìn nhau im lặng. Cuối cùng, Châu Long bẽn lẽn giơ tay xin phát biểu ý kiến, nàng nói: “Phận gái xuất giá tòng phu, nay thiếp xin vì phu quân lãnh trách nhiệm này”. Lễ gật gù: “Khá lắm, ta cũng nghĩ rằng nàng hợp với nhiệm vụ này. Vì gu thẩm mỹ Lưu Bình ta biết. Vậy nàng khá vì ta mà làm cho tốt, khi trở về ta sẽ xem xét, đặng sắp xếp tăng thời lượng mây mưa cho nàng”. Châu Long e lệ ngoác miệng cười hềnh hệch.
      Lại nói về Lưu Bình, sau khi rời khỏi nhà Dương Lễ, chàng không biết đi đâu, vì sợ thằng chủ xích lô tóm được, nên chàng không dám xuất hiện những nơi trước kia vẫn thường vật vờ kiếm ăn như hông Quốc Tử Giám hay vỉa hè ga Hàng Cỏ... Chàng bèn tá túc trên một chiếc ghế đá dưới chân núi Nùng trong vườn Bách Thảo, kiếm ăn bằng cách lang thang ở mấy tửu điếm, quán bia hơi cơm bình dân gần đó chờ sai vặt để đổi cơm. 
      Hôm ấy, đã xế chiều mà không có ai sai bảo, bụng đói cồn cào, mắt đã hoa, chân tay chuẩn bị bắt chuồn chuồn thì ở trong một quán cơm có tiếng gọi đúng tên chàng. Tưởng có người sai việc, Lưu Bình mừng quýnh vắt chân lên cổ chạy vào. Vào trong quán, còn đang ngơ ngác thì Lưu Bình thấy một cô nương mặt hoa da phấn, mông to như mông Mỹ Tân, mặc áo tứ thân hở bốn phần ba ngực, quần jean cạp trễ quá rốn hai thốn (9) bước lại ân cần cầm tay chàng dẫn vào một bàn trong góc rồi gọi rất nhiều món ăn, đoạn nàng thỏ thẻ bảo: “Xin chàng cứ dùng tự nhiên, chàng đã đói lắm rồi”. Lưu Bình sĩ diện làm ra vẻ, nói: “Sao nàng dám bảo ta đói?”. Mỹ nhân đáp: “Mồm chàng thoang thoảng thế kia, giấu được ai. Thôi, ăn đi cho thiếp nhờ”. Chẳng đợi mời thêm, Lưu Bình cắm mặt vào ăn rất cần mẫn. Nửa giờ bảy khắc sau, cơm nước nhẵn nhụi, xỉa răng súc miệng xong xuôi, Lưu Bình ngả người gác chân lên ghế nói: “Chẳng hay nàng là ai? Sao bỗng dưng đãi cơm ta thế này?”. Đáp: “Thiếp họ Châu tên Long, trưởng nữ của Châu Quế, là viên quản gia của phủ nhà chàng trước đây. Sau khi cha thiếp về hưu mấy tháng thì nhà chàng gặp nạn; khi nghe được hung tin, cha thiếp đau đớn cười ngất ba ngày, từ đó buồn phiền sinh ốm, rồi chẳng mấy chốc qua đời. Trước khi chết, cha gọi thiếp lại căn dặn, rằng phải tìm bằng được truyền nhân của Lưu Bịch là Lưu Bình để báo đáp. Thiếp cũng xin nói luôn, rằng thiếp đã mướn được một căn hộ chung cư ba buồng xinh xắn ngoài đê sông Tô Lịch, nay xin mời chàng về tá túc, rồi ta cùng tính kế”. Lưu Bình bùi ngùi: “Ta cũng chẳng ngờ trong phủ nhà lại có người quản lý họ Châu tâm hồn quý hóa dường ấy”. Châu Long gọi thanh toán, rồi nắm tay Lưu Bình thoăn thoắt kéo đi, Lưu Bình lẽo đẽo theo sau. 
      Tối hôm đó, an tọa trong căn hộ xinh xắn, Lưu Bình nói với Châu Long: “Trời cho ta gặp nàng đúng lúc này, thật như hạn hán gặp mưa rào. Nay chốn ở đã không phải lo là yên tâm lắm, từ mai nàng ở nhà nội trợ, ta sẽ ra đứng chợ người Giảng Võ. Chẳng còn mong gì hơn”. Châu Long lấy ngón chân cái day vào trán Bình rồi mắng yêu: “Sao lại có loại đàn ông an phận thủ thường như chàng kia chứ. Thiếp nghe cha thiếp kể, rằng bạn chàng khi xưa là Dương Lễ, nay thành đạt làm quan. Lại nghe nói, gần đây chàng có đến nhờ vả nhưng bị đuổi khéo. Vậy mà chàng không nghĩ đến việc học hành để tiến thân cho Dương Lễ kia biết mặt, lại tính chuyện ra chợ người bán sức. Rõ thật là…”. Bình thở dài nói: “Nhưng học hành thời buổi này tốn kém, lo ăn đã mệt nói gì chuyện học hành”. Châu Long hớn hở: “Xin chàng yên tâm, thiếp có đủ để bao chàng ăn học. Thiếp chỉ cần chàng đỗ đạt mà thôi”. Lưu Bình cao giọng: “Học hành đỗ đạt xứ này bất quá cũng chỉ là phường giá áo túi cơm tiến sỹ giấy. Nói thật với nàng, bon chen chốn quan trường ta đây chẳng thiết. Toàn phù du vô nghĩa mà thôi”. Châu Long nói: “Vô nghĩa là thế nào, chàng không thấy Dương Lễ kia ư. Lên xe xuống ngựa kẻ hầu người hạ danh giá bội phần. Đấy chính là ý nghĩa cuộc sống, là mong ước của bao người”. Lưu Bình cười nhạt: “Nàng không nên lấy Dương Lễ để làm gương cho ta. Ta có cách sống của ta. Mai ta ra chợ người bán sức đặng rau cháo cùng nàng, thế há chẳng phải là tiên cảnh ru? Thôi, ý ta quyết như vậy, nàng không cần nói gì thêm nữa”. Nói xong, Lưu Bình âu yếm ôm lấy Châu Long gạ gẫm. Chợt ánh mắt Châu Long sáng lên, nàng gạt phắt tay Lưu Bình ra rồi nói: “Đời này kiếp này thiếp nguyện là của chàng, nhưng nếu chàng không chịu học hành đỗ đạt để thi thố với đời, thiếp quyết không động phòng”. Nói xong, Châu Long đánh mông tanh tách đi vào buồng trong đóng cửa.
      Ba ngày sau đó, mặc cho Lưu Bình gan lỳ gạ gẫm liên tục, Châu Long kiên quyết không chịu. Nàng lặp đi lặp lại mệnh đề: “Chàng chưa đỗ đạt, thiếp chưa động phòng”. 
      Từ hôm đó, Lưu Bình cắm đầu vào đèn sách, một ngày chỉ rời khỏi bàn computer vài tiếng. Vốn dĩ thông minh, có phần vượt cả Dương Lễ, lại thêm động cơ to lớn thúc đẩy, nên chỉ sau ba tháng là chàng trên thông StarCraft dưới rành Diablo (10), sau sáu tháng chàng đã làu làu bộ Harry Potter. Khoa thi năm ấy, chàng đỗ đầu, điểm vượt rất xa người đứng kế. Chàng được đích thân vua Đức Tông ký quyết định bổ nhiệm làm tri phủ Đống Đa, lại ban cho con Honda @ và nguyên bộ Calvin Kline để vinh quy bái tổ. Chàng nhận ấn tín, mũ áo vua ban rồi tức tốc trở về căn hộ chung cư ngoài đê sông Tô Lịch.
      Khỏi nói ra nỗi sướng vui của Lưu Bình lẫn Châu Long, vậy là công thành danh toại. Hơn thế, bấm đốt ngón tay, họ đều phải nhịn thèm bảy tháng. Tối hôm đó, trong căn phòng nhỏ, đôi uyên ương hú hí bên nhau, tình tứ nên thơ không giấy bút nào ghi ra được. Chỉ hiềm một nỗi, khi đến giai đoạn quyết định thì Lưu Bình cứ cù rũ thảm hại, mặc cho Châu Long hết lòng nhiệt tình. Lưu Bình không hiểu ra sao; chàng nhớ rằng, khi xưa, lúc còn phong lưu, chưa bao giờ tình trạng này xảy ra. Châu Long an ủi chàng, rằng có thể do xúc động quá, dư âm của kết quả cuộc thi khiến cho tâm hồn xao động. Mà tâm hồn xao động thì không được cũng là lẽ thường tình. Có lẽ mai tình hình sẽ khác. Chàng và nàng cùng tin như thế. Rồi hai người ôm nhau ngủ một giấc dài không mộng mị.
      Nhưng mọi việc không diễn ra như họ dự tính. Hôm sau, hôm sau nữa, rồi liên tiếp hai tuần sau đó. Lúc này, Lưu Bình mới ngờ ngợ ra rằng khi xưa trót phung phí quá nhiều nguyên khí.
      Vào một buổi chiều mưa ảm đạm, Lưu Bình tan sở trở về nhà, chàng không thấy bóng dáng Châu Long. Không khí lạnh lẽo bất bình thường ngự trị căn nhà. 
      Châu Long đã ra đi, nàng để lại một bức thư. Thư viết:
      Ngày Tân Tuất, tháng Kỷ Dần, năm Ất Thìn
      Lưu Bình thân yêu.
      Viết cho chàng những dòng này, lòng thiếp đau như cắt. 
      Thực ra, thiếp chẳng phải con của viên quản lý nào hết, mà thiếp là vợ của Dương Lễ. Vì muốn giúp đỡ chàng nên Dương Lễ biệt phái thiếp đi công tác, động viên, giúp đỡ chàng phấn đấu. Lẽ ra, công việc của thiếp đã kết thúc khi bảng vàng đề tên chàng, nhưng vì trong quá trình công tác bên chàng, nhận thấy chàng thật là chất nghệ, thiếp đã thực sự phải lòng. Thiếp tính không quay lại với Dương Lễ, nhưng than ôi, trời xanh kia thật khéo đùa, khiến thiếp đành phải phụ chàng, về với Dương Lễ vậy.
      Kính
      Đọc xong lá thư, Lưu Bình xây xẩm mặt mày. Chàng ấp lá thư vào ngực rồi than lên rằng: “Ta khó nhọc đèn sách là vì tình yêu với nàng. Ta ra làm quan là bởi nàng. Nay nàng bỏ ra đi, hỏi rằng có gì là ý nghĩa trên đời. Ôi sụp đổ tất tật. Ôi sấm ran chớp giật. Ôi hận thay quả cật...”. Than tới đây, Lưu Bình lăn ra ngất xỉu.
      Lại nói, khi thấy Châu Long hoàn thành nhiệm vụ trở về, Dương Lễ vui lắm, mặc dù hôm đó là thứ ba nhưng Lễ vẫn quyết định đặc cách mây mưa cùng nàng. Dương Lễ nghiêm mặt: “Gần tám tháng trời cạnh hắn, nàng vẫn giữ mình đấy chứ?”. Châu Long đáp: “Nếu thất tiết thì thiếp còn về đây làm gì”. Lễ lẩm bẩm như nói với chính mình: “Thật khó mà tin”. Nói xong đùng đùng bỏ ra ngồi bàn pha trà, rít thuốc, mặc cho Châu Long nằm đó bẽ bàng. Một giờ tám khắc sau, không chịu nổi, Châu Long đứng bật dậy thét lên: “Này, báo cho mà biết, Lưu Bình đã liệt rồi. Bằng không coi như chàng đã mất vợ, biết chưa? Đã sai vợ đi làm trò dị mọ còn bày vẽ ghen tuông. Rõ thật là…”. Nói rồi lại nằm vật ra mà thổn thức. 
      Hơn mười ngày sau, không khí vợ chồng Dương Lễ và Châu Long không cải thiện chút nào, ngược lại, càng thêm nặng nề u ám. Cứ vào cữ giờ Thân, sau khi cơm nước xong xuôi, là Dương Lễ lại lải nhải chì chiết vợ. 
      Một ngày nọ, Châu Long bỏ nhà đi mất. Sau này, có người nhìn thấy, nàng đã xuống tóc quy y tại chùa Đồ Lê ở phía nam sông Bình Giang (nay là Đức Giang).
      Cũng trong thời gian ấy, Lưu Bình buồn bã khôn nguôi, chàng chẳng thiết ăn uống, làm việc. Chừng nửa tháng sau, Lưu Bình mang ấn tín treo ở cổng công đường, từ quan, rồi thu xếp hành lý vào chiếc ba lô nhỏ, rảo bước ra đi. Chàng ghé qua phủ Dương Lễ. Lần này, đích thân Dương Lễ ra tiếp ngay ngoài cổng phủ, Lễ cung kính nói: “Quan bác ghé tệ xá, thật là vinh hạnh. Nay công thành danh toại, được cả trâu lẫn nghé, đệ xin có lời mừng”. Lưu Bình nhớn nhác nhìn vào phía trong phủ, đoạn nói: “Công danh ta nào coi trọng, nay ta từ quan lên núi vào hang ở ẩn. Ghé qua đây chỉ mong gặp cố nhân”. Dương Lễ hiểu ý, giả vờ sụt sịt một hồi rồi lấy tay quẹt nước mắt, xỉ nước mũi, nói: “Vì đệ quá yếu đuối, nên Châu Long bất mãn mà bỏ nhà đi rồi”. Lưu Bình bàng hoàng, hồi lâu chàng mới thốt nên lời: “Thật là hồng mông mà bạc mệnh vậy”. Đoạn, rút trong ba lô ra chiếc khăn tay thêu hình đôi bươm bướm của Châu Long tặng khi xưa, chàng ngắm nghía hít hà một hồi rồi ngâm một bài thơ theo lối chèo cổ, điệu “Tình thu hạ bị” (11). 
      Ngâm xong, bỏ đi mất. Không ai biết đi đâu.
      Về phần Dương Lễ, chàng vẫn giữ phong độ của một viên chức mẫn cán; một năm, tính cả tết Nguyên đán và các ngày lễ… vẫn mây mưa đều đều. Chức tước bổng lộc thăng tiến đều đều. Năm sáu mươi tuổi, chàng về hưu theo chế độ. Tưởng rằng viên mãn, nào ngờ chàng đốc chứng, đua đòi theo mốt viết hồi ký, kể tông tốc các mánh lới làm ăn, lại nói xấu lung tung các quan chức, cả cấp trên cấp dưới. Hậu quả nhà chàng bị cháy, chàng và ba bà vợ bị nướng vàng. Đương nhiên trong số ba bà vợ này không có Châu Long.

      ____________

      9 Thốn: đơn vị đo lường thời cổ. Hai thốn bằng khoảng 20 cm
      10 StarCraft, Diablo: tên các môn học của nền giáo dục thời đó. Ngày nay thường gọi là games
      11 Nguyên văn: tình thư hạ vị

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tưởng đâu viên mãn (Phần cuối)<BR> <i>Truyện ngắn của Đỗ Trí Dũng</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO