Tung hỏa mù?
“Tại sao lại chỉ là Libya mà không phải là nạn nhân nào khác?” Câu hỏi đó không phải tới giờ mới được đặt ra, nhưng đến lúc này nó đã thực sự trở thành điều cần lý giải. Chiến dịch “Bình minh Odyssey” đang được coi là đòn “tung hỏa mù” của Mỹ và phương Tây, với mục tiêu không gì khác là phục vụ lợi ích quốc gia của chính mình.
![]() Những người biểu tình tuần hành phản đối Chính phủ Yemen hôm 1.4 |
Nguồn: Reuters |
Sở dĩ Libya phải hứng chịu chiến dịch quân sự mang một cái tên hết sức mỹ miều “Bình mình Odyssey” là do từ trước tới nay nước này luôn bị coi là “cái gai” trong con mắt của Mỹ và phương Tây. Đây cũng là nơi có nhiều giếng dầu chất lượng cao khiến phương Tây thèm khát. Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng mục đích phương Tây can thiệp quân sự vào Libya là nhằm ổn định và củng cố lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh của họ ở nước này, trong đó, lợi ích kinh tế chiếm vị trí quan trọng. Nhận định này hoàn toàn có sơ sở bởi Libya là nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất châu Phi. Hơn nữa, “vàng đen” ở đất nước Bắc Phi này có chất lượng tốt, giá lại rẻ, vốn là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc xung đột vũ trang để giành giật lợi ích dầu khí ở nơi đây. Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh còn hy vọng thông qua chiến dịch lần này để tiến hành phổ biến các giá trị dân chủ phương Tây ở Bắc Phi, đồng thời tạo dựng các chính quyền phù hợp với lợi ích, nhu cầu phát triển của họ.
Tuy nhiên, việc phương Tây có kế hoạch “nuốt chửng” Libya và biến Bắc Phi thành khu vực đặc quyền đặc lợi của họ trong bối cảnh hiện nay lại bị coi là động thái khó hiểu. Thực tế, Mỹ đang sa lầy trong hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq, nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau khủng hoảng. Còn châu Âu đang oằn mình “thắt lưng buộc bụng”, trong đó có cả việc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, để đối phó khủng hoảng nợ công. Trong bối cảnh đó, chẳng lẽ, Mỹ và đồng minh lại muốn đẩy mình vào một cuộc chiến mới? Theo giới phân tích, đằng sau chiến dịch quân sự này là âm mưu che mắt dư luận quốc tế, trong đó có dư luận phương Tây trước một vấn đề hóc búa khác. Trong thực tiễn đời sống chính trị quốc tế, chiến thuật “tung hỏa mù” đã không ít lần được sử dụng nhằm đánh lạc hướng dư luận để ngấm ngầm giải quyết những vấn đề đáng lẽ là trung tâm sự chú ý của dư luận. Sergei Filatov, cây bình luận của tạp chí “Đời sống quốc tế” của Nga thẳng thắn nhận định rằng chiến dịch tấn công quân sự chống Libya là nhằm thu hút dư luận quốc tế để chính quyền Barain và Yemen, hai đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ và phương Tây trong khu vực, có thời gian lập lại trật tự trong nước.
Tại Yemen, Mỹ không thể sử dụng vũ lực để ủng hộ lực lượng nổi dậy bởi vì Washington lo ngại rằng sự ra đi của Tổng thống Ali Abdullah Saleh cũng đồng nghĩa với sự hồi sinh của lực lượng al-Qaeda ở Yemen. Các quan chức chống khủng bố của Mỹ nhấn mạnh rằng vấn đề cấp thiết nhất đối với Washington lúc này là nguy cơ chế độ ở Yemen sụp đổ. Điều có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực ngăn chặn al-Qaeda sử dụng Yemen như một căn cứ an toàn. Nếu ông Saleh không chống nổi sức ép đòi ông từ chức hay bị lật đổ, Mỹ có thể có ít ảnh hưởng đối với người kế nhiệm. Hơn nữa, Yemen lại là nước có biên giới với nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới là Ảrập Xêút, vì vậy sự bất ổn ở Sanaa là tin dữ đối với những ai cần đến nguồn dầu nhập khẩu.
Trong khi đó, Barain được coi là có vị trí địa chiến lược không thể thay thế đối với Mỹ ở vùng Vịnh. Không phải ngẫu nhiên mà Hạm đội 5 của Mỹ lại đồn trú ở đây, bởi vì nơi đây được coi là “lô cốt đầu cầu” để án ngự mọi hoạt động của nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông, trong đó có cả Iran. Đặc biệt, mỗi năm có tới hơn 20% lượng dầu mỏ cung cấp cho thị trường thế giới phải vận chuyển qua vùng Vịnh. Do ý thức được rằng bất cứ một biến động nào tại Barain cũng sẽ ảnh hưởng đến cục diện địa chiến lược không chỉ ở vùng Vịnh mà còn ở cả khu vực Trung Đông rộng lớn nên phương Tây phản ứng rất yếu ớt trước sự kiện một số quốc gia láng giềng của Barain rầm rộ đưa quân vào giúp chính phủ quốc đảo này trấn áp lực lượng nổi dậy. Quả thực, sẽ là cơn ác mộng đối với phương Tây nếu Vương triều Al Khalifa, đại diện cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni chiếm thiểu số (được Mỹ ủng hộ) sụp đổ và Cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Shiite chiếm đa số (được Iran ủng hộ) lên nắm quyền ở Barain. Bởi vì khi đó chính sách một “Trung Đông mới”, nơi không có chỗ dành cho phương Tây, mà Tehran đang theo đuổi sẽ bắt đầu phát huy quả. Tuy vậy, Washington cũng hiểu rằng nếu cứ nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng bạo lực ngày càng leo thang ở Yemen và Barain thì sẽ bị dư luận trong nước cũng như quốc tế chỉ trích mạnh mẽ, và họ đã chọn giải pháp tấn công Libya để đánh lạc hướng dư luận.
Theo bà Marina Ottaway, Giám đốc Chương trình Trung Đông của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, phương Tây luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ không thể sống theo, và cuối cùng thì đối với họ lợi ích luôn là trên hết.