Hà Nội:

Từng bước thay đổi phương thức sản xuất

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 05:49 - Chia sẻ
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.812 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động. Trong số đó, có 50 HTX được ghi nhận là cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dù quy mô còn nhỏ nhưng cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế và đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường.

50 HTX ứng dụng công nghệ cao

Với nỗ lực khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới… được các cơ quan chức năng ưu tiên thực hiện.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.812 HTX đang hoạt động. Trong số đó, có 50 HTX được ghi nhận là cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Thực tế cho thấy, việc áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, đặc biệt là từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân nông thôn. Hiện giá trị các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dù quy mô còn nhỏ nhưng cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế và đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường.

Trên diện tích 10ha, HTX rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) tiến hành áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, tem nhãn sản phẩm rau an toàn của HTX cũng được in tự động. Toàn bộ quy trình sản xuất đều được minh bạch hóa. Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khảm cho biết, kỹ thuật chăm sóc rau ăn lá tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng theo quy trình chuyển giao kỹ thuật của Nhật Bản. Ngoài ra, HTX cũng ứng dụng màng phủ không dệt để phòng trừ sâu bệnh và nâng cao chất lượng cho rau quả.

Tương tự, HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) đang triển khai mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người tiêu dùng. Đây là vùng sản xuất rau đã hình thành từ lâu, chủ yếu sản xuất rau ăn lá, rau gia vị với khoảng 6 - 8 lứa rau/năm, thu nhập bình quân từ 600 - 700 triệu đồng/ha/năm.

Tại huyện Đan Phượng, mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ Điệp của HTX Đan Hoài là “điểm sáng” trong ứng dụng công nghệ cao. Trên diện tích 661m2, HTX hiện đang áp dụng một loạt quy trình sản xuất tiên tiến như sử dụng hệ thống nhà màng, nhà kính. Công nghệ đo nhiệt được lắp đặt nhằm điều chỉnh liên tục môi trường phát triển bảo đảm phù hợp cho hoa.

Nhận thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn an toàn sinh học thuận lợi, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) từ năm 2014 đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học với 30 con lợn giống và đã thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm, dù chi phí chăn nuôi theo hướng này cao hơn 20 - 25% so với nuôi lợn thông thường. HTX Đồng Tâm đang thực hiện chăn nuôi lợn theo một chuỗi khép kín từ khâu con giống đến giết mổ, đóng gói, bảo quản sản phẩm; quy mô duy trì trong chuồng nuôi từ 130 đến 150 con lợn/hộ.

Nhà sơ chế HTX rau quả sạch Chúc Sơn phân loại rau và đóng gói, dán tem mác trước khi phân phối ra thị trường

Nguồn: vietnam.vnanet.vn 

Tăng cường tư vấn, hướng dẫn thành lập HTX mới

Bên cạnh những thuận lợi, các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gặp không ít những khó khăn như trình độ lao động trong các HTX chưa cao, đặc biệt là nguồn lực đầu tư cho kỹ nghệ sản xuất của các HTX nhìn chung còn có những hạn chế.

Theo định hướng phát triển kinh tế nông thôn của TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 xác định sẽ ưu tiên xây dựng những mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng, an toàn thực phẩm và đặc biệt là tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực. Để đạt được mục tiêu trên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất là đòi hỏi cấp thiết đặt ra đối với các HTX.

Trong thời gian tới, bên cạnh củng cố các HTX đang hoạt động hiệu quả, Liên minh HTX TP. Hà Nội sẽ tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn thành lập các HTX mới. Tiếp tục tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX dành cho các đơn vị có kế hoạch sản xuất tốt.

Để thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa sản xuất cho các HTX, Liên minh HTX thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp người dân về ý nghĩa, vai trò của kinh tế tập thể. Thường xuyên quan tâm, hỗ trợ các HTX đầu tư nguồn lực để từng bước nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong các công đoạn sản xuất.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất.

Thảo Anh