Từng bước tạo ra khuôn khổ pháp lý phát triển thị trường carbon
Phát biểu tại tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero” sáng 23.8, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng: "Việt Nam đã nhận thức từ sớm vấn đề này, thể hiện qua các cơ chế, chính sách phát triển thị trường carbon".
Nhận thức từ sớm
Tọa đàm với chủ đề Thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, gắn với việc chúng ta đang thúc đẩy mạnh mẽ các nội dung liên quan, đặc biệt là nhận thức của doanh nghiệp, công chúng liên quan đến thị trường carbon.

Thị trường carbon là giải pháp để Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển ứng dụng các công nghệ phát thải thấp. Phát triển thị trường carbon cũng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nâng cao thu nhập của người dân khi tham gia vào hoạt động của các dự án giảm phát thải.
Riêng về cơ chế, chính sách, Việt Nam đã có nhận thức rất sớm liên quan đến vấn đề này. Ngay từ năm 2013, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (ngày 3.6.2013), trong đó nêu lên vấn đề phát thải khí nhà kính.
Tiếp đó, ngày 23.8.2019, Bộ Chính trị đưa ra Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đến ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này một lần nữa khẳng định chúng ta quyết tâm thực hiện các chủ trương, chính sách mang tính định hướng giải pháp để phát triển thị trường carbon.
Khẳng định và quy định cụ thể
Về văn bản luật, phải kể đến Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2014, quy định về thị trường carbon trong nước chính thức được luật hóa tại điểm đ, khoản 1, Điều 41. Trong đó có nêu cần hình thành và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước và tham gia thị trường tín chỉ carbon thế giới. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn về phát triển thị trường carbon tại Điều 139.
Thời gian gần đây, đặc biệt sau khi Việt Nam tham gia thỏa thuận Paris năm 2015, triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Ngoài ra là một số quyết định về triển khai kết quả sau Hội nghị COOP 26, cũng như những quy định một số vấn đề liên quan đến việc kiểm kê hiệu ứng nhà kính…
Hệ thống chính sách, văn bản pháp luật đó đã bước đầu tạo ra những khuôn khổ pháp lý để chúng ta phát triển thị trường carbon.
Hiện nay, các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục tập trung xây dựng các quy định liên quan, đặc biệt là các quy định về quản lý quy trình carbon, về hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon. Ngoài ra là những vấn đề liên quan đến xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch liên quan đến tín chỉ carbon.
Đồng thời, Việt Nam cũng triển khai chuẩn bị các điều kiện để thí điểm cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon và tiếp tục thực hiện các hoạt động để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phát triển thị trường carbon.
Để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới, Chính phủ cũng đang xem xét để sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP để phát triển thị trường carbon. Tôi được biết hiện nay, đề án này đang gấp rút được thực hiện, dự kiến ban hành trong tháng 8 này.
Có thể thấy, với khuôn khổ pháp lý, lộ trình đặt ra, cùng các nhóm giải pháp đang được triển khai, chúng ta có thể hy vọng việc phát triển thị trường carbon thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nói chung, đặc biệt là hiệu quả đối với các nhóm doanh nghiệp trong tiến trình phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như của quốc gia.