Túi nilon - hiểm họa ô nhiễm trắng
Năm 1935, nhà khoa học Mỹ Wallace Hume Carothers đã ghi dấu ấn thế kỷ khi phát minh ra một loại hợp chất dẻo, với những phân tử nặng, siêu dài mang tên nilon. Không thể phủ nhận chất liệu này đã làm thay đổi cả thế giới nhờ ưu điểm bền chắc, tiện dụng, chịu được các hiện tượng thời tiết… và giá thành thấp. Tuy nhiên, túi nilon - một sản phẩm được chế từ chính loại nguyên liệu thần thánh ấy đang trở thành hiểm họa (còn gọi là ô nhiễm trắng) mà mọi quốc gia đều đang muốn triệt tiêu.
Châu Âu: Phải trả thêm phí nếu dùng túi nilon
Tác hại của túi nilon đã được nhắc đến rất nhiều trong các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, với đặc tính tiện lợi sẵn có, việc sử dụng túi nilon trở thành thói quen khá đặc trưng ở nhiều quốc gia. Ủy Ban châu Âu cho biết, chỉ tính riêng năm 2008, lục địa này sản xuất 3,4 triệu tấn túi nilon, tương đương với khối lượng của 2 triệu xe hơi. Hàng năm, mỗi người dân trong châu lục sử dụng đến 500 túi nilon các loại. Còn tại Ireland, trước năm 2002, số lượng túi đựng chế biến từ chất liệu trên được các nhà bán lẻ phát cho khách hàng lên đến 1,2 tỷ.
Trước nguy cơ báo động về việc sử dụng túi nilon bừa bãi, các nước trong khu vực đã buộc phải sử dụng đến những biện pháp ngăn chặn, cắt giảm lượng tiêu thụ loại túi này. Bắt đầu từ năm 1993, Đan Mạch đã tiến hành áp dụng thuế sử dụng túi nilon. Cho đến nay, trung bình mỗi người Đan Mạch chỉ sử dụng khoảng 4 túi nilon/năm. Bên cạnh việc áp dụng hình thức đánh thuế hoặc trả phí khi sử dụng, nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, Pháp, Đức… đang thực hiện việc thay thế túi nilon bằng cách dùng túi chế tạo từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc thực vật, dễ phân hủy như bột khoai tây, cám ngô hay giấy…
Không chỉ dừng lại ở biên giới các quốc gia, toàn “lục địa già” đang quyết tâm thực hiện chống lại “ô nhiễm trắng”. Cuối năm 2014, EU đã nhất trí thông qua luật, yêu cầu các quốc gia thành viên phải từng bước thực hiện cắt giảm việc sử dụng túi nilon. Luật đưa ra con số cụ thể: Đến cuối năm 2019, số lượng túi nilon sẽ được hạn chế ở mức 90 túi/người/năm. Con số trên sẽ tiếp tục giảm xuống mức 40 túi/người/năm vào cuối năm 2025. Trước sự đồng thuận của toàn thể châu lục chống lại thảm họa này, bà Margarethe Auke, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Nghị viện châu Âu đã gọi đây là thời khắc lịch sử, ghi nhận tín hiệu tích cực cho môi trường. Tới đầu năm 2015, EU tiếp tục siết chặt hơn nữa quy định sử dụng túi nilon khi buộc người tiêu dùng phải dùng các loại túi có thể tái sử dụng hoặc phải trả thêm phí nếu dùng túi được chế từ nguyên liệu độc hại này.
![]() Một chiến dịch phản đối sử dụng túi nilon của thanh niên Canada |
Các hãng lớn vào cuộc
Chung tay trong cuộc chiến chống lại các nguy hại từ túi nilon, còn có sự góp mặt của các đại gia tên tuổi như Facebook, Microsoft, Apple… Ngoài việc đầu tư vào năng lượng sạch tại các trụ sở làm việc, những tên tuổi lớn này còn hỗ trợ kinh phí cho nhiều dự án phi lợi nhuận trên khắp thế giới nhằm nghiên cứu các giải pháp bảo vệ môi trường. Hồi tháng 4 mới đây, thương hiệu quả táo khuyết cho biết sẽ ngừng sử dụng túi nhựa tại các cửa hàng của công ty để bảo vệ môi trường.
Thay vào đó, hãng sẽ sử dụng túi giấy với 80% có nguồn gốc từ nguyên liệu tái chế. Apple còn hướng dẫn nhân viên cách tư vấn cụ thể về túi đựng cho khách hàng nhằm hướng khách tới mục tiêu, sử dụng các loại túi thân thiện, thay vì túi nhựa hoặc nilon khó phân hủy. Ngoài việc khẳng định vị thế trong làng công nghệ, Apple rất tự hào tuyên bố, 99% bao bì sản phẩm của hãng đều được sản xuất từ giấy tái chế hoặc lấy nguyên liệu từ những khu rừng bền vững.
Rwanda: Ý thức trước hiểm họa
Đặt chân đến Rwanda, đất nước nhỏ bé nằm ở miền Trung châu Phi, rất khó để bắt gặp hình ảnh một chiếc túi nilon phất phơ đâu đó trên góc phố. Dù là một quốc gia còn lạc hậu, song việc tạo dựng cho mọi công dân có quyền được hưởng một môi trường bảo đảm sức khỏe đã được Hiến pháp nước này ghi nhận.
Khác biệt với các nước châu Phi khác, Rwanda không có những núi rác khổng lồ mà có những đại lộ rộng thoáng, những quảng trường xanh mướt mắt. Chính phủ và người dân Rwanda luôn có ý thức gìn giữ môi trường, trong đó có việc nói không với túi nilon. Ở quốc gia Trung Phi này, dùng túi polythene không phân hủy bị coi là bất hợp pháp. Ngay tại Sân bay quốc tế Kigali, chính quyền cho đặt một biển báo nhắc nhở hành khách nếu sử dụng túi nilon sẽ bị tịch thu. Với những tấm nilon bọc hành lý, nhân viên cơ quan quản lý môi trường sẽ thu gom để xử lý riêng. Với những hộ kinh doanh, bắt buộc phải sử dụng túi giấy thay cho loại túi làm từ nguyên liệu độc hại này.
Ngoài việc áp dụng lệnh cấm triệt để túi nilon, chính phủ đang từng bước tìm cách cấm các loại chất dẻo gây hại khác. Dẫu là một nước trải qua nhiều đau thương chiến tranh và nạn diệt chủng, Rwanda đang nỗ lực hết mình để hồi sinh, với mong muốn đất nước vươn đến đỉnh cao của sạch sẽ. Đất nước nhỏ bé này còn dự định trở thành quốc gia không chất dẻo đầu tiên trên thế giới. Kinh nghiệm quản lý và sử dụng túi nilon của Rwanda không chỉ đáng để các quốc gia đang phát triển, mà cả những nước giàu cũng cần phải học hỏi.