Tự ý "xé rào"

- Thứ Tư, 09/12/2020, 08:17 - Chia sẻ
Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2006 - 2017. Kết quả thanh tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn này đã xảy ra vi phạm quy định trong công tác quản lý, sử dụng đất của một số dự án.

Cụ thể, từ năm 2002 - 2007 có 43 doanh nghiệp được chấp thuận và cấp phép đầu tư vào Khu công nghiệp Đình Trám, tổng diện tích đất cho thuê hơn 662.068m2, theo đơn giá thời điểm cho thuê là hơn 7 tỷ đồng nhưng UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản cho phép không thu tiền, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 107, Luật Đất đai năm 2003: Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Như vậy, dù đã có quy định của Luật, nhưng UBND tỉnh đã tự ý “xé rào”, không thu tiền thuê đất đối với 43 doanh nghiệp là trái với quy định của Luật. “Trách nhiệm này thuộc UBND tỉnh và các sở, ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh” - Kết luận thanh tra nêu rõ.

Câu hỏi đặt ra, vì sao pháp luật quy định người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà UBND tỉnh Bắc Giang lại cho phép không thu tiền thuê đất của doanh nghiệp? Có hay không việc “bắt tay” của chính quyền với doanh nghiệp? Có lợi ích nhóm không? Bởi chính sách ưu ái đặc biệt này vô hình trung tạo sự mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư. Để xảy ra tình trạng này, cơ quan, cá nhân vi phạm phải bị xử lý như thế nào?

Không chỉ dừng lại ở đó, theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013: Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 hécta đất trồng lúa trở lên; từ 20 hécta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên. Thế nhưng, UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa tại các dự án: Khu đô thị phía Tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang; Khu đô thị An Huy, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Những vi phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra không còn là câu chuyện riêng xảy ra ở Bắc Giang, ở nhiều tỉnh thành khác cũng đã từng xảy ra tình trạng tương tự. Trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017 cũng chỉ rõ, UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp được ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn chưa đúng quy định của pháp luật. Cục Thuế của tỉnh đã giảm 50% tiền sử dụng đất đối với các một số dự án đầu tư trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc chưa phù hợp với quy định của pháp luật, cần phải thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền gần 257 tỷ đồng… Đây chỉ là một trong những trường hợp mà các địa phương đã “xé rào” để tạo cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, bất chấp các quy định pháp luật.

Việc thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Người đứng đầu, địa phương nên quan tâm đến việc xóa bỏ các rào cản thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì tạo ra những ưu đãi trái pháp luật.

Để không còn tình trạng quy định một đằng, làm một nẻo, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với quản lý đất đai. Cùng với đó, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai. Đây cũng cách tạo sân chơi, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Chỉ khi trách nhiệm cá nhân, tập thể bị xử lý nghiêm mới tránh tạo sự ưu ái cho doanh nghiệp chỉ vì lợi ích thiếu minh bạch.

Lê Hùng