Sức khỏe

Từ vụ "lòng se điếu" - vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi nào hết "nóng"?

Chi Nguyễn 14/05/2025 07:59

Những lời quảng cáo xoay quanh cỗ lòng se điếu dài 40m gây xôn xao dư luận thời gian qua không chỉ đơn thuần là chiêu trò tiếp thị vô hại mà còn là hành vi quảng cáo thổi phồng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trước đó, mạng xã hội xôn xao với một đoạn video ghi cảnh chủ quán ăn tại Hà Nội khoe bộ lòng se điếu dài 40m, nặng 5,8kg, được cho là lấy từ một con heo cái nặng hơn 100kg, cỗ lòng được tiêu thụ tại một số quán ăn ở Hà Nội và TP.HCM.

Dù sau đó chủ quán ăn này thừa nhận đã "nói hơi quá" về bộ lòng se điếu dài 40m, thực chất chỉ dài hơn 20 mét, cũng như đưa ra lời xin lỗi vì quảng cáo thông tin không chính xác.

48352261366444480943584646550147129814872n-17465168018971972168781-1746519870426-1746519870765555028871-08081372(1).jpg
Cỗ lòng se điếu được quảng cáo dài đến mức khó tin. Ảnh màn hình

Tuy nhiên không phải lúc nào một “lời xin lỗi” cũng có thể giải quyết cho mọi chuyện. Bởi lẽ nguồn gốc thực phẩm và hoạt động quảng cáo đều đã được quy định rất rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật, sự phổ biến của những đoạn clip “chiêu trò” như vậy không chỉ vi phạm quy định của Nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ thật sự cho sức khỏe cộng đồng.

Chế tài xử lí cho hành vi quảng cáo sai sự thật

Trả lời phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về câu chuyện này, TS.LS. Đặng Văn Cường cho rằng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua vẫn là vấn đề khá nhức nhối trong xã hội. Hiện tượng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng giá trị, chất lượng sản phẩm trong kinh doanh vẫn diễn biến phức tạp sau nhiều vụ việc như kẹo rau Kara, sữa giả …

“Những người nổi tiếng trên mạng xã hội vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, quảng cáo sai sự thật để lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính, không quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng là điều rất đáng lên án và cần phải bị xử lý bằng những chế tài của pháp luật”, Luật sư Cường nhấn mạnh.

2515_luat_su_dang_van_cuong_dong1.jpg
TS.LS Đặng Văn Cường bức xúc trước những hành vi quảng cáo thổi phồng

Theo luật sư Cường, quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ trên các nền tảng số và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là hai hành vi sẽ bị xem xét, điều tra để kết luận là có sai phạm hay không.

“Nếu có hành vi vi phạm về quảng cáo, quảng cáo sai sự thật thì người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo với mức có thể tới 60.000.000 đồng”, luật sư Cường thông tin.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa tại quán ăn này và làm rõ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Nếu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như có hóa chất độc hại, chất cấm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ tiến hành xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh có thể phạt tới 200.000.000 đồng.

Ngoài ra nếu hành vi kinh doanh sản phẩm chứa hóa chất, độc hại, sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng thì phải bồi thường thiệt hại và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, luật sư Cường chia sẻ.

Nhiều hành vi lừa dối người tiêu dùng trong lĩnh vực thực phẩm

Trước đó cơ quan chức năng cũng đã từng phát hiện bắt giữ những lô hàng nội tạng đang trong tình trạng phân hủy, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những thực phẩm ngâm hóa chất độc hại, thực phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài mà không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, không có nguồn gốc xuất xứ.

Đáng chú ý không chỉ ngâm tẩm hóa chất, thổi phồng công dụng, rất nhiều người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thông qua những video của mình cũng đã góp phần quảng cáo các sản phẩm này. Hệ quả là nhiều người đã tin tưởng vào các quảng cáo sai sự thật và góp phần tiêu thụ với số lượng lớn.

kera-vietnam-cham-dut-noi-am-anh-ken-rau-120250220174242.jpg
Kẹo rau củ Kera là sản phẩm được nhiều người nổi tiếng quảng cáo "lố", đánh lừa niềm tin của người tiêu dùng

Đánh giá về những hành vi này TS.LS. Đặng Văn Cường nhận định có dấu hiệu lừa dối, thu lợi bất chính với số tiền lớn, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và đặc biệt đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng.

“Những sản phẩm này được mua với giá rẻ, nhập khẩu theo tiêu chuẩn là nhập rác thải nhưng sau khi phù phép, quảng cáo sai sự thật thì đã trở thành của hiếm, đặc sản để bán với giá cắt cổ, thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn trong xã hội, bất bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh và trục lợi từ sự nhẹ dạ cả tin của người tiêu dùng”, Luật sư Cường nhấn mạnh.

Những sản phẩm như cỗ lòng se điếu trong câu chuyện này có thể không gây chết người khi sử dụng nhưng qua thời gian sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa khi nào hết "nóng". Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện ra các cơ sở kinh doanh không chân chính, thiếu đạo đức, vi phạm về an toàn thực phẩm để xem xét xử lý bằng chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự qua đó đảm bảo công bằng trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được đưa ra thảo luận trên nghị trường Quốc hội và nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Đông đảo cử tri cả nước đều kỳ vọng, Dự thảo Luật sẽ có thêm các chính sách siết chặt quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo, qua đó bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Từ vụ "lòng se điếu" - vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi nào hết "nóng"?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO