Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết

- Thứ Sáu, 12/07/2024, 09:46 - Chia sẻ

Dịch bệnh sốt xuất huyết hiện đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tại nhiều địa phương trong cả nước có xu hướng tăng. Bên cạnh chủ động phòng bệnh, việc phát hiện điều trị sớm và chăm sóc dinh dưỡng là rất cần thiết cho người bệnh.

Theo ThS. BS Phí Thị Lệ Tân (Khoa Nội - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai), bệnh sốt xuất huyết hiện chỉ điều trị triệu chứng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bị sốt cao kèm theo đau đầu, đau khớp… nên rất mệt mỏi, chán ăn. Tình trạng sốt cao làm tăng nguy cơ mất nước nên cần bù nước đầy đủ (2-3l/ngày).

Người bệnh sốt xuất huyết nên uống các loại nước lọc, nước canh, nước dừa tươi, nước ép trái cây (như cam, bưởi, chanh)… chứa nhiều khoáng chất tốt giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp mất nước do sốt cao; chứa nhiều vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết -0
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn thực phẩm dạng lỏng

ThS. BS Phí Thị Lệ Tân cho biết, cơ thể bệnh nhân sốt xuất huyết rất cần lượng protein cao để phục hồi nhanh chóng. Vì vậy, trong chế độ ăn của người bệnh cần tăng cường thực phẩm giàu protein như: trứng, thịt, cá, sữa… cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Tuy nhiên, khi bị ốm sốt, người bệnh mệt mỏi nên ăn uống không cảm thấy ngon. Do đó, các món ăn nên nấu dưới dạng lỏng và mềm như cháo, súp để dễ hấp thu. Mỗi bữa cũng nên ăn ít một, chia làm nhiều bữa trong ngày. Các bữa phụ có thể uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng.

Người bệnh tuyệt đối tránh các thức ăn, đồ uống có màu đỏ sẫm như tiết, củ dền… bởi những thực phẩm này dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.

Một trong những biến chứng hay gặp là số lượng tiểu cầu giảm do các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi vi rút gây tổn thương. Để giúp cơ thể sản sinh lượng tiểu cầu nhiều hơn, người bệnh sốt xuất huyết nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi; kiwi, dâu tây, súp lơ xanh, rau bina), vitamin A (trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, tôm…

Các loại rau có màu xanh sẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau bí; các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài…), vitamin K (rau bina, măng tây, bông cải xanh, cải xoăn; các loại đậu, đậu nành…); folate (có nhiều trong trứng, măng tây, ngũ cốc, cam, rau bina và cải xoăn), sắt (có nhiều trong các thực phẩm như: thịt, tim, gan, cá, lòng đỏ trứng, các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô, trái cây khô...).

“Khi bệnh nhân được xuất viện là bệnh nhân đã qua thời kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, ở giai đoạn hồi phục này, bệnh nhân vẫn còn triệu chứng mệt mỏi, do đó khi được về nhà người bệnh cần tiếp tục theo dõi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhất là thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất; tập thể dục, ngủ nghỉ điều độ để nâng cao sức khỏe, sớm hồi phục.”, BS Phí Thị Lệ Tân chia sẻ. 

Song Lê
#