Bác sĩ cảnh báo đột quỵ nguy hiểm từ cơn thiếu máu não thoáng qua

Cơn thiếu máu não thoáng qua có thể kéo dài vài giây đến vài phút. Đây là dấu hiệu báo trước đột quỵ, mọi người cần lưu ý để phòng tránh.

Bác sĩ Trần Xuân Thuỷ, Khoa Can thiệp mạch thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là tình trạng giảm hoặc mất cung cấp máu não cục bộ tạm thời, biểu hiện bằng các triệu chứng thần kinh khu trú diễn ra đột ngột và đặc biệt tự hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ.

Hầu hết cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) thường chỉ kéo dài dưới 5 phút và trung bình diễn ra khoảng một phút. Do triệu chứng thoáng qua nên mọi người dễ bỏ qua các cơn thiếu máu não.

Trong đó, các cơn này có thể tiến triển nặng lên trở thành đột quỵ thực sự, khoảng 15% bệnh nhân cơn thiếu máu não thoáng qua bị đột quỵ trong vòng 3 tháng kế tiếp. Đặc biệt, một nửa trong số đó (7%) bị đột quỵ sau 48 giờ.

Bác sĩ cảnh báo đột quỵ nguy hiểm từ cơn thiếu máu não thoáng qua -0
Tỷ lệ tái phát đột quỵ sau cơn thiếu máu não thoáng qua trong 90 ngày đầu. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Trần Xuân Thuỷ cho biết thêm, dấu hiệu nhận biết cơn thiếu máu não thoáng qua bao gồm: Đột ngột tê yếu tay, chân, mặt một bên cơ thể; đột ngột méo miệng, rối loạn lời nói hay hiểu lời; đột ngột mù một bên mắt; đau đầu đột ngột không rõ nguyên nhân.

Ngoài ra, các triệu chứng khởi phát đột ngột, thấy rõ với 4 dấu hiệu đặc trưng như sau:

- Dấu hiệu ở mặt: Khi hai bên mặt nhìn không đối xứng nhau, một bên mặt thường xệ hẳn xuống.

- Dấu hiệu ở giọng nói: Bệnh nhân gặp khó khăn khi mở miệng phát âm, nhiều trường hợp không thể nói rõ tiếng hoặc nói câu dài.

- Dấu hiệu ở tay: Bệnh nhân bị yếu hoặc tê bì tay, có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tay. Khi cố cử động, tay có thể tự rơi xuống không kiểm soát.

Thông qua biểu hiện bệnh, rất khó để phân biệt người bệnh bị cơn thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ não.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi ghi nhận bất cứ dấu hiệu nào như trên, cần gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Mặc dù, ít gây ra tổn thương thần kinh nặng nề nhưng nếu không can thiệp hoặc chậm trễ, người bệnh vẫn phải đối mặt với di chứng lâu dài.

Để phòng ngừa, bác sĩ lưu ý mọi người cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, xơ vữa động mạch, lối sống thiếu khoa học.

Đồng thời, nắm rõ các biểu hiện của bệnh, có cách dự phòng hiệu quả và phát hiện sớm, can thiệp kịp thời. Chủ động phòng ngừa bằng cách đến các cơ sở y tế chuyên khoa khám sàng lọc, tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Tư vấn