Từ trang sách nhỏ đến màn ảnh lớn

Hồng Nhung 12/12/2016 08:09

Từ lâu những người làm nghệ thuật thứ bảy đã chú ý khai phá “cánh đồng văn học bát ngát” cho điện ảnh. Ngay trong kho tàng văn học Việt Nam, nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành công, như Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc của Nam Cao (phim Làng Vũ Đại ngày ấy), Nhật ký Đặng Thùy Trâm (phim Đừng đốt)…

Văn học và điện ảnh có mối quan hệ mật thiết khi đều quan tâm phản ánh hiện thực đời sống, vì văn là đời và phim cũng là đời. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cho rằng: “Việc phối hợp, liên kết với trang sách nhỏ của màn ảnh lớn là điều rất quan trọng, bởi nếu không ta sẽ bỏ phí đi một kho tàng rất lớn lao”.

Trong văn học thế giới, nhiều câu chuyện đã được khai thác một cách triệt để. Tiêu biểu như tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo được điện ảnh nhiều nước như Pháp, Mỹ... chuyển thể. Hay có đến 400 bộ phim về 39 vở kịch của William Shakespeare, nổi tiếng là Hamlet, Othello… Văn học Việt Nam dù phát triển sau cũng đã có nhiều tác phẩm chuyển thể tạo được tiếng vang như các vở kịch Đổi gió, Tiếng gọi... hay phim Bến không chồng, Đời cát, Đêm hội Long Trì, Mùi cỏ cháy...

Phim Đừng đốt được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể từ tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Phim Đừng đốt được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể từ tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm 

Dù vậy, điện ảnh và văn học, mỗi loại hình có ngôn ngữ đặc trưng riêng. Với văn học, người đọc có thể hình dung ra nhân vật, bối cảnh... được tả trong tác phẩm; còn điện ảnh cho người xem thấy nhân vật, bối cảnh và gọi được, tiếp nhận được thông điệp mà những người làm phim muốn gửi gắm. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cho rằng: “Điện ảnh chú ý vào hành động, chi tiết. Khi hiểu được ngôn ngữ của điện ảnh sẽ khai phá được cánh đồng văn học bát ngát xanh tươi đầy trái ngọt”.

Xã hội ngày nay không thiếu sản phẩm giải trí công nghệ hiện đại hấp dẫn, nhưng không có gì thay thế được trang sách. Văn hóa đọc luôn mang giá trị vĩnh cửu. Vì vậy, không tìm được cầu nối văn học và điện ảnh sẽ là thiếu sót lớn. Và cây cầu hữu dụng nhất chính là các nhà biên kịch, đạo diễn. Có rất nhiều cách tiếp cận, khai thác để đưa tác phẩm văn học thành kịch bản điện ảnh, nhưng quan trọng người biên kịch phải hiểu và tìm được đúng chìa khóa để khai thác hiệu quả cao nhất tác phẩm đó. Một nhà biên kịch không nhất thiết phải có vốn sống, phải thực sự trải qua thời điểm, hoàn cảnh của tác phẩm văn học mới có thể chuyển thể thành công. Điều quan trọng của việc chuyển thể là nhà văn và nhà biên kịch phải gặp nhau từ ý tưởng và tinh thần của tác phẩm, có sự đồng cảm về những điều tác phẩm muốn truyền tải.

Bên cạnh nhà biên kịch, thành công của tác phẩm điện ảnh cần có đạo diễn tâm huyết. Đạo diễn sẽ là người chuyển tải bằng hình ảnh những nội dung trong kịch bản với việc kết hợp âm nhạc, diễn xuất, đạo cụ... Theo đạo diễn Nguyễn Huy Hoàng: “Chất lượng của tác phẩm điện ảnh hay hoặc dở hoàn toàn do đạo diễn”.

Khi đọc một tác phẩm văn học hay, những người làm điện ảnh đều mong ước được chuyển thể lên màn ảnh. Với nhu cầu của thị trường, sự yêu thích của bạn đọc, có vô vàn người muốn biết hình ảnh sống động của nhân vật trong câu chuyện được xây dựng ra sao, đặc biệt với tác phẩm văn học đã có tiếng vang. Đạo diễn Nguyễn Huy Hoàng nhận định: “Ngày nay các bạn trẻ rất chịu khó đọc. Tôi tin những trang sách mà các em nâng niu, cùng với tình yêu điện ảnh, các em sẽ đưa hình dung của mình lên màn ảnh để nhiều người thấy các áng văn, nhân vật hay, những điều lương thiện, thông điệp lớn lao trong tác phẩm văn học”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Từ trang sách nhỏ đến màn ảnh lớn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO