Tự tin trong thực hiện quyền và trách nhiệm của đại biểu

- Thứ Năm, 03/06/2021, 06:10 - Chia sẻ
Với các đại biểu lần đầu trúng cử, việc được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng hoạt động là rất quan trọng và cần thiết, giúp họ vượt qua bỡ ngỡ, tự tin trong thực hiện quyền và trách nhiệm của đại biểu. Từ thực tế hoạt động, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho rằng, đại biểu tái cử cũng cần có các lớp tập huấn, bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới, chuyên sâu.
Ảnh: Quang Khánh

“Vừa thực hiện công tác chuyên môn (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ tháng 1.2016 - 1.2021 - PV), vừa thực hiện nhiệm vụ đại biểu, tôi thấy khó khăn nhất là cân đối thời gian để cùng lúc làm tròn cả 3 vai: lãnh đạo quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của cơ quan; đại biểu dân cử và người phụ nữ trong gia đình. Nếu nói rằng “vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ” thì nghe to tát quá! Tuy vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ và xứng đáng với tín nhiệm của cử tri, tôi luôn lập kế hoạch công việc để thực hiện cho chủ động, vì thế tôi đã cân đối quỹ thời gian tương đối tốt”.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến

Rất quan trọng và cần thiết

Thông thường, đầu nhiệm kỳ, các đại biểu lần đầu trúng cử sẽ được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động. Bà có được tham gia các lớp này không? Bà nhận xét thế nào về các lớp tập huấn, bồi dưỡng đó?

- Có chứ! Khi lần đầu tiên trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên, tôi tham gia lớp tập huấn do Bộ Nội vụ tổ chức, còn khi trúng cử ĐBQH Khóa XIV, tôi được tham gia lớp tập huấn cho Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Những lớp tập huấn này rất quan trọng đối với đại biểu, vì chúng tôi được trang bị nội dung các quy định của pháp luật (như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân…); những kiến thức cơ bản và kỹ năng hoạt động của đại biểu một cách hệ thống và logic mà nếu để tự đại biểu trau dồi, rút kinh nghiệm qua trải nghiệm thực tế thì không có được ngay lượng kiến thức, kỹ năng như vậy. Vì thế, chúng tôi tự tin hơn trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của đại biểu.

- Những kiến thức, kỹ năng được trang bị trong các lớp tập huấn đó giúp ích thế nào cho bà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ? 

- Các cụ nói “có học có hơn”! Những kiến thức, kỹ năng được trang bị qua các lớp tập huấn giúp đại biểu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bước đầu không bị bỡ ngỡ. Nó giúp giải tỏa những băn khoăn, trăn trở trong mỗi đại biểu kiểu như: Đại biểu là như thế nào? Đại biểu được làm gì và làm như thế nào? Làm thế nào để làm tốt nhiệm vụ của đại biểu?... Các lớp tập huấn đã trang bị ngay những vấn đề cơ bản để đại biểu sử dụng trong hành trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đại biểu hoạt động trên địa bàn miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có đông cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số, có cần được trang bị các kỹ năng, kiến thức đặc thù nào không?

- Câu hỏi này rất thú vị! Theo tôi, chúng ta không có khung chuẩn nào đó về kiến thức, kỹ năng để có thể gọi là “đặc thù vùng miền” mà mỗi đại biểu khi đã có kiến thức, kỹ năng nền tảng (có thể được trang bị qua các lớp tập huấn, hoặc qua việc tự học tập, tự nghiên cứu, trải nghiệm thực tế mà có) thì luôn phải tự trau dồi bổ sung, tự rút kinh nghiệm để vận dụng linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh thực tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều này đòi hỏi đại biểu phải có kỹ năng tự hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đại biểu tái cử cũng cần bồi dưỡng 

Thực tiễn luôn phong phú, thậm chí phức tạp, những kiến thức, kỹ năng được trang bị đầu nhiệm kỳ liệu có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của đại biểu trong suốt 5 năm không? Theo bà, trong nhiệm kỳ có cần tổ chức thêm các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho đại biểu không?

- Việc tập huấn cho các đại biểu lần đầu trúng cử và tập huấn ngay từ đầu nhiệm kỳ là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu cung cấp một số kiến thức và kỹ năng cơ bản để đại biểu thực hiện ngay nhiệm vụ mà không bị bỡ ngỡ. Nếu đại biểu không tự nghiên cứu để dung nạp các quy định của pháp luật và kiến thức của các lĩnh vực đời sống xã hội, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Vì hệ thống pháp luật luôn được hoàn thiện, cuộc sống thì luôn vận động như một dòng chảy tự nhiên, nên đại biểu cũng phải tự nghiên cứu, tự học tập để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho chính mình.

- Các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động dân cử hiện nay chỉ dành cho đại biểu mới. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật luôn được hoàn thiện, cuộc sống thì luôn vận động như bà vừa nói, đại biểu tái cử có cần được tập huấn và bồi dưỡng không? 

- Thứ nhất, như đã nói ở trên, việc tập huấn cho đại biểu tham gia lần đầu là rất cần thiết. Thứ hai, đối với đại biểu tái cử (đặc biệt là các đại biểu không chuyên trách) cũng rất cần tập huấn những kiến thức mới, chuyên sâu các lĩnh vực trong xây dựng chính sách và pháp luật mà tiền lệ tại Việt Nam chưa có. Tuy nhiên việc cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng ở những lĩnh vực mới và chuyên sâu thì có thể căn cứ vào điều kiện thực tế và khả năng ngân sách để tổ chức phù hợp.

Ví dụ, nhiệm kỳ 2016 - 2021 chúng ta sửa đổi, bổ sung và thông qua Bộ luật Lao động trong đó có nội dung tăng tuổi nghỉ hưu. Khi mới đưa vấn đề này ra, dư luận, cử tri và cả đại biểu có rất nhiều ý kiến khác nhau. Đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ tại Việt Nam, do vậy đại biểu cũng cần được cung cấp những lập luận khoa học để hiểu rõ bản chất vấn đề, khi đại biểu hiểu thì mới có thể chuyển tải các thông tin đó, trao đổi với cử tri để tạo sự ủng hộ, đồng thuận và đại biểu thể hiện chính kiến khi bấm nút thông qua Bộ luật này.

- Xin cảm ơn bà!

Bình Nhi