Phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Từ tiêu chí đến áp dụng trong thực tiễn

- Thứ Ba, 12/01/2021, 06:25 - Chia sẻ
Từ năm 1993 đến nay, nước ta đã có 5 lần ban hành tiêu chí phân định liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có 1 lần phân định miền núi, vùng cao; 4 lần phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện trong hơn 20 năm qua cho thấy, có những vấn đề bất cập cần phải quan tâm cả về tên tiêu chí, nội dung tiêu chí, thẩm quyền ban hành cũng như việc vận dụng, áp dụng trong thực tiễn.

Vừa đơn giản, vừa thiếu ổn định

Theo Tờ trình số 196-MNDT ngày 18.12.1990 của Văn phòng Miền núi và Dân tộc (nay là Ủy ban Dân tộc) gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận các tiêu chí phân định miền núi, vùng cao thì xã miền núi là xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao từ 200m trở lên so với mặt biển; huyện miền núi là huyện có 2/3 số xã là miền núi, tỉnh miền núi là tỉnh có 2/3 số huyện là miền núi; bản vùng cao là bản có diện tích đất đai tự nhiên ở độ cao 600m trở lên so với mặt biển, xã vùng cao là xã có 2/3 đất đai và số thôn, bản trở lên được xác định là vùng cao, huyện vùng cao là huyện có 2/3 đất đai và số xã được xác định là vùng cao.

Còn nhiều thôn, bản khó khăn Nguồn: ITN
Còn nhiều thôn, bản khó khăn
Nguồn: ITN

Theo TS. Phan Văn Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ tiêu chí này có ưu điểm là đo lường được, dễ xác định, tuy nhiên, hạn chế của nó là chỉ căn cứ duy nhất vào tiêu chí độ cao mà không xem xét đến các yếu tố khác như độ dốc của đất đai, trình độ phát triển kinh tế - xã hội đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Còn Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương lý giải, do trình độ kỹ thuật, công nghệ và nguồn lực tại thời điểm đó còn hạn chế, nên tiêu chí phân định miền núi, vùng cao khá đơn giản, chưa đề cập đến các yếu tố mang tính tự nhiên đặc thù của vùng miền núi (khoảng cách địa lý, địa hình, thiên tai), do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của việc xây dựng chính sách.

Thưc tế, từ năm 1996 đến nay, hầu hết các chính sách ban hành phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ít được căn cứ vào tiêu chí phân định miền núi, vùng cao mà căn cứ vào tiêu chí phân định theo trình độ phát triển.

Về phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thành 3 khu vực theo trình độ phát triển, đến nay đã có 4 lần phân định tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn và bộ tiêu chí cũng thay đổi tương ứng. Cụ thể: Giai đoạn 1996 - 2005 là tiêu chí từng khu vực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giai đoạn 2006 - 2010 là tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; giai đoạn 2011 - 2015 là tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc và miền núi; giai đoạn 2016 - 2020 là tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Nguyễn Cao Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Dân tộc cho rằng, việc thay đổi là cần thiết để phù hợp với quản lý điều hành cũng như quá trình nhận thức và hành động, tuy nhiên ở một góc độ nào đó sự thay đổi này cho thấy sự lúng túng, thiếu chắc chắn trong luận cứ khoa học đối với vấn đề này. Bên cạnh đó, thẩm quyền ban hành tiêu chí qua mỗi lần phân định cũng có sự khác nhau: 2 lần đầu (từ 1996 - 2010) do Ủy ban Dân tộc ban hành theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ (1 lần ban hành thông tư); 2 lần sau do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đặc biệt, mỗi giai đoạn bộ tiêu chí lại thay đổi nên rất khó có thể xác định được số lượng xã đặc biệt khó khăn của giai đoạn này còn bao gồm bao nhiêu xã đặc biệt khó khăn của giai đoạn trước.

Tiếp tục phân định theo trình độ phát triển

Theo Dự thảo về Đề án tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, sẽ phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành ba khu vực và thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) để thực hiện các chính sách nhiệm vụ theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030. 

Cụ thể, Dự thảo quy định tiêu chí xã ĐBKK (xã khu vực III): Các phường, thị trấn không thuộc đối tượng phân định xã đặc biệt khó khăn. Địa bàn ĐBKK (xã khu vực III, thôn ĐBKK): là các xã (thôn) tập trung đông đồng bào DTTS, có tỷ lệ hộ nghèo cao; kinh tế, xã hội chậm phát triển; chất lượng nguồn nhân lực thấp; hạ tầng cơ sở yếu kém, nhất là về giao thông, điều kiện khám chữa bệnh, điều kiện học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn… Các xã (thôn) nêu trên sẽ được Nhà nước ưu tiên, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ cơ bản, để từng bước thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển.

Địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II): Là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, còn thiếu hụt một hoặc một số điều kiện về cơ sở hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với các xã khu vực II, Nhà nước ưu tiên thực hiện các chính sách đối với con người, hỗ trợ tạo sinh kế, đầu tư bổ sung hạ tầng còn thiếu hụt.

Địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I): Bao gồm các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Đối với những xã này, cơ bản để thực hiện chính sách đối với con người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Qua theo dõi 4 giai đoạn phân định, ông Nguyễn Cao Thịnh nhận định, số xã được phân định tăng theo từng giai đoạn, nguyên nhân chủ yếu là do chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, mục đích phân định chưa rõ ràng nên sử dụng kết quả phân định để xây dựng, áp dụng các chính sách trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thiếu thống nhất. Theo ông Thịnh, cần xác định rõ việc áp dụng tiêu chí và kết quả phân định chỉ được sử dụng trong các trường hợp nào để hạn chế tình trạng vận dụng, sử dụng chưa đúng trong thời gian qua. 

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng, cùng với việc tập trung chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, khả thi trong áp dụng, cần tổng kết việc thực hiện tiêu chí phân định miền núi, vùng cao để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Hoàng Tuấn