Từ tiếng nói người dân trở thành tiếng nói HĐND

Thanh Hà thực hiện 12/05/2018 08:37

“Ý kiến của người dân thông qua những trải nghiệm của họ khi đi làm dịch vụ công ở văn phòng một cửa là rất thực, không bị tổ chức, cá nhân nào chi phối. HĐND tỉnh đã sử dụng những ý kiến đó để thực hiện chức năng giám sát của mình tại các kỳ họp của HĐND…” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị NGUYỄN ĐỨC DŨNG chia sẻ.

Từ tiếng nói người dân trở thành tiếng nói HĐND ảnh 1Phát huy thực chất quyền dân chủ trực tiếp

- Phát huy dân chủ trực tiếp thông qua việc người dân chấm điểm cán bộ được coi là bước đột phá, là xu hướng tất yếu nâng cao năng lực bộ máy hành chính, góp phần phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội. Xin ông cho biết, xuất phát từ đâu Quảng Trị có sáng kiến này?

- Dự án dân chấm điểm cơ chế một cửa ở Quảng Trị xuất phát từ gợi ý của GS. Trần Ngọc Anh, rằng công nghệ thông tin phát triển, có cách nào tạo điều kiện cho người dân phản hồi ý kiến và đánh giá hoạt động dịch vụ công được không. Và từ ý tưởng đó, Thường trực HĐND tỉnh đã nghiên cứu, đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập ý kiến phản hồi trực tiếp của người dân thông qua điện thoại di động. Mục đích là phát huy thực chất quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong quá trình thực hiện các dịch vụ công tại cơ quan công quyền và thông qua trải nghiệm của người dân đánh giá tinh thần, thái độ, trách nhiệm và việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ công chức; từ đó giúp lãnh đạo địa phương có cách nhìn đúng đắn, khách quan để có biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân thông qua cơ chế một cửa.

- Theo ông, sáng kiến Dân chấm điểm đã giúp thúc đẩy cơ chế một cửa liên thông, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước như thế nào?

- Trước hết, những đánh giá của người dân thực sự quý giá, giúp Quảng Trị, cũng như các huyện, thị, thành phố trong tỉnh nâng cao nhận thức trong lãnh đạo, cán bộ và nhân dân. Từ đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính. Thứ hai là cải cách hành chính công, nâng cao cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Văn phòng một cửa. Thứ ba là cải cách cơ chế vận hành văn phòng một cửa cấp huyện; qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ, trách nhiệm của nhân viên tại các văn phòng một cửa cấp huyện, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn cấp huyện được nâng lên.

Có thể thấy, chỉ số hài lòng của người dân tăng dần sau 3 năm, từ 7,1 - 7,2 điểm lên 8,3 - 8,5 điểm. Nhiều huyện đạt được độ tiệm cận với số tuyệt đối. Như vậy, số đông nhân dân đánh giá việc phục vụ người dân thông qua cơ chế một cửa cấp huyện đã có những tiến bộ đáng kể, sự hài lòng của người dân đối với chính quyền và đội cán bộ, công chức được nâng lên. Chính từ kết quả này góp phần thúc đẩy, duy trì và cải thiện các chỉ số như PAPI (Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), đặc biệt là chỉ số PAR (cải cách hành chính) mà Quảng Trị có nhiều tiến bộ. Đây là điều đáng ghi nhận trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hướng tới chính quyền phục vụ nhân dân.

Người dân đang chấm điểm sau khi làm thủ tục hành chính ở Văn phòng một cửa huyện Đắkrông
Người dân đang chấm điểm sau khi làm thủ tục hành chính ở Văn phòng một cửa huyện Đắkrông

Từ ý kiến người dân để giám sát

- Dân chấm điểm đã tạo cơ hội để người dân thực hiện giám sát bộ máy nhà nước. Ở một khía cạnh nào đó, việc này cũng hỗ trợ tích cực cho việc giám sát của HĐND tỉnh, giúp cơ quan dân cử ở địa phương hoạt động hiệu quả và thực chất hơn. Xin ông cho biết ý kiến về những tác động này?

Chỉ số thành phần của Dân chấm điểm gồm các nội dung như: Thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ở văn phòng một cửa; hướng dẫn thủ tục cho người dân; tính kịp thời của việc thực hiện các dịch vụ; đánh giá tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn; khảo sát quá trình thực hiện dịch vụ công, người dân có bị nhũng nhiễu, tiêu cực không, từ đó đánh giá phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ địa phương.

- Ý kiến của người dân thông qua những trải nghiệm của họ khi làm dịch vụ công ở văn phòng một cửa là rất thực, không bị tổ chức, cá nhân nào chi phối. HĐND tỉnh đã sử dụng những ý kiến đó để thực hiện chức năng giám sát của mình tại các kỳ họp của HĐND, kiến nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, xác minh, trả lời những ý kiến mà người dân phản ánh trực tiếp liên quan đến việc nhũng nhiễu, tiêu cực, hay những việc để chậm trễ mà không có lý do, thu tiền không chính thức… Từ tiếng nói của người dân trở thành tiếng nói của HĐND đã tạo áp lực tích cực đến cơ quan chính quyền, nhất là những người đứng đầu để yêu cầu có thay đổi trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

- Thưa ông, để dự án Dân chấm điểm tiếp tục phát huy hiệu quả tại Quảng Trị, HĐND tỉnh có những kiến nghị gì?

- Với tinh thần duy trì bền vững hướng tới vận động trở thành một chính sách quốc gia, sau 2 năm thực hiện dự án này, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ để nâng cao hoạt động của văn phòng một cửa cấp huyện và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường chế độ chính sách cho những người làm việc trực tiếp tại các văn phòng một cửa và một cửa liên thông. Sau 3 năm, chúng tôi đã tiến hành tổng kết và mở rộng cơ chế chấm điểm vào trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực y tế. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có thể mở rộng sang lĩnh vực giáo dục. Đây là hai lĩnh vực nhạy cảm và được người dân hết sức quan tâm.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Từ tiếng nói người dân trở thành tiếng nói HĐND
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO