Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Từ thị trường trong nước

- Chủ Nhật, 22/09/2019, 08:19 - Chia sẻ
Xuất khẩu gạo 8 tháng năm nay dù tăng 0,3% về sản lượng nhưng giảm 14,9% về giá trị so với cùng kỳ. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA cho rằng, nếu nước ta vẫn giữ nguyên hình thức canh tác và chất lượng gạo thấp như hiện nay thì sẽ rất khó cạnh tranh trong những năm tới. Bởi vậy, phải sớm xây dựng thương hiệu gạo bằng việc tạo ra gạo chất lượng cao, trước hết là cho thị trường trong nước.

Khó tìm thị trường mới

- Kết quả xuất khẩu gạo 8 tháng năm nay cho thấy điều gì, thưa ông?

- Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 8.2019 ước đạt 591 nghìn tấn, kim ngạch đạt 265 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4,54 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 2 tỷ USD, tăng 0,3% về lượng nhưng giảm 14,9% về kim ngạch so với cùng kỳ. Nguyên nhân được chỉ ra là: Trung Quốc và Mỹ đang có căng thẳng về thương mại, cộng với việc Trung Quốc ban hành chính sách áp đặt những rào cản kỹ thuật mới khiến xuất khẩu gạo sang quốc gia này giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho sự giảm mạnh lượng gạo xuất sang Trung Quốc.

Hơn nữa, Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh của một số nước đã bắt đầu chú trọng phát triển nông nghiệp và một số nước đang nổi lên như Campuchia, Myanmar. Trong bối cảnh các quốc gia nhập khẩu truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia cũng đang chú trọng nhiều tới gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu thì các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ đều hạ giá gạo. Bên cạnh đó, tỷ trọng gạo trong khẩu phần ăn của các hộ gia đình tại châu Á đang giảm dần.

Sức cạnh tranh cho xuất khẩu gạo hiện nay vô cùng lớn. Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên hình thức, kỹ thuật canh tác và chất lượng gạo thấp như hiện nay thì chắc chắn sẽ rất khó cạnh tranh không chỉ trong năm nay mà cả những năm tới. Với tình hình thế giới như hiện nay, chúng ta phải xây dựng thương hiệu và nên bắt đầu bằng thị trường nội địa, theo đó hãy sản xuất những loại gạo chất lượng cao cho người dân trong nước.

- Vì sao nên bắt đầu từ thị trường nội địa, thưa ông?

- Mặc dù xuất khẩu gạo được coi là động lực quan trọng cho sự phát triển ngành lúa gạo nhưng cũng có một lượng khá lớn được tiêu thụ trong nước với 94 triệu dân. Thị trường nội địa chiếm khoảng 80% sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 30 - 40% sản lượng lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, thị trường nội địa cần phải được coi là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ gạo của Việt Nam. Sự thành công của việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cho người Việt mới là nền tảng vững chắc để giúp gạo Việt có thể vươn xa ra thị trường thế giới.

- Liệu năng lực cung ứng của doanh nghiệp có đáp ứng được nhu cầu gạo chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước không, thưa ông?

- Thị trường gạo có hai phân khúc là gạo cao cấp và gạo giá rẻ. Gạo cao cấp được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Gạo giá rẻ xuất khẩu sang châu Phi, Philippines. Cần nói rõ rằng, chúng ta từng có những giống gạo đạt vị trí cao trên trường quốc tế như giống gạo ST24 xếp thứ hai trong ba loại gạo ngon nhất thế giới. Trước đó, năm 2015, loại gạo AGPPS 103 của Tập đoàn Lộc Trời lọt top 3 loại gạo ngon nhất thế giới.

Phải liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ

- Theo ông, để làm ra được loại gạo chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?

- Trước tiên phải nói đến giống lúa, sau nữa là quy trình kỹ thuật canh tác, bao tiêu và quy hoạch cánh đồng để nông dân làm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là hạt nhân, mắt xích quan trọng để xây dựng được liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, tức là doanh nghiệp phải chủ động xây dựng được liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tất cả phải được doanh nghiệp tư vấn từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Có như vậy mới bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm tồn dư trong gạo để không vấp phải rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Ngoài ra, công nghệ quyết định rất lớn đến chất lượng gạo. Do vậy, doanh nghiệp cần phải đầu tư công nghệ dây chuyền khép kín từ ở cánh đồng về đến nhà máy, tồn trữ, xay xát, đóng gói hiện đại. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn lắm. Khó khăn do thiên tai dịch bệnh và khó khăn do “nhân tai”.

- Khó khăn mà ông nói đến cụ thể là gì?

- Khó khăn lớn nhất cần nói đến là, tích tụ ruộng đất để trở thành cánh đồng lớn. Thời gian qua, dù nhiều địa phương đã mở đường cho tích tụ ruộng đất bằng các hình thức dồn điền, đổi thửa, tạo ô thửa lớn song vẫn manh mún, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư cùng nông dân. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách vận động nông dân cùng tham gia với doanh nghiệp qua các hình thức như: Nông dân góp vốn bằng diện tích ruộng đất, doanh nghiệp kinh doanh và chính nông dân là công nhân lao động; hoặc, doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân, nông dân vẫn là chủ thể trong quá trình sản xuất nhưng có sự giám sát của doanh nghiệp, lợi ích đồng thuận trên hợp đồng thông qua chính quyền địa phương kiểm chứng hay tích tụ ruộng đất qua hoạt động hợp tác xã kiểu mới. Mặt khác hệ thống ngân hàng nhà nước và chính quyền các cấp ở địa phương cũng phải đồng hành, không tạo các rào cản và nảy sinh các tiêu cực khiến doanh nghiệp nhụt chí.

Tiếp đến là khâu chọn giống lúa có gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nếu không có giống lúa tốt thì chắc chắn không thể có gạo ngon, đặc trưng cho Việt Nam để làm thương hiệu xuất khẩu. Thời gian qua, ngành lúa gạo Việt Nam thường xảy ra hiện tượng “được mùa thì mất giá; được giá thì mất mùa”. Nông dân canh tác không theo một chuẩn nào, mạnh ai nấy làm. Không theo một cơ cấu giống để hợp với nhu cầu của thị trường dẫn tới tình trạng giống lúa nào xuất khẩu tốt thì đổ xô trồng, làm cho lượng cung cao hơn lượng cầu vào năm sau khiến dư thừa, nên giá giảm. Do vậy, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xác định cơ cấu giống lúa hợp với nhu cầu của thị trường. Người nông dân nên làm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá phù hợp để giúp cho việc chế biến ổn định, nông dân cũng có thu nhập tốt, còn doanh nghiệp thì ổn định nguồn lúa gạo. Khi đó, sẽ không còn hiện tượng làm tràn lan như hiện nay khiến cung vượt cầu dẫn đến giá xuất khẩu bị giảm xuống, kéo theo thu nhập người nông dân cũng giảm theo.

Tiềm năng, dư địa của nông nghiệp Việt Nam rất lớn, đặc biệt là ngành lúa gạo. Việt Nam sẽ trở thành cường quốc xuất khẩu nông nghiệp. Do đó, phải có giải pháp, chính sách khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp liên kết chuỗi giá trị, tránh tình trạng hô hào khẩu hiệu, chạy theo thành tích thì sẽ không bao giờ đạt được.

- Xin cảm ơn ông!

An Thiện thực hiện