Nghị viện thế giới

Từ “tấm lưới” pháp lý đến “thanh gươm” công lý: Lập lại kỷ cương thương mại

Quốc Đạt 30/06/2025 07:23

Để trấn áp nạn hàng giả, trong những năm qua Trung Quốc đã ban hành nhiều đạo luật tạo nên một tấm lưới pháp lý dày đặc, với phạm vi điều chỉnh từ sản xuất - phân phối - quảng bá - tiêu dùng; đồng thời phát động những chiến dịch trấn áp quy mô lớn và quyết liệt.

Luật An toàn thực phẩm

Luật An toàn thực phẩm được ban hành năm 2009, một năm sau vụ bê bối sữa bột nhiễm melamine gây rúng động và sửa đổi, cập nhật sau đó.

Điểm quan trọng nhất của luật là quy định nguyên tắc "người sản xuất hoàn toàn chịu trách nhiệm" về sản phẩm. Đây là điểm mấu chốt làm nên tính nghiêm khắc của luật: không chấp nhận đổ lỗi trách nhiệm.

Luật cũng yêu cầu thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn diện, từ nguyên liệu thô đến thành phẩm; cấm tuyệt đối các chất phụ gia ngoài danh mục… Đặc biệt, luật đưa ra chế tài cực nặng với hành vi gian lận với mức phạt tài chính gấp 10 - 30 giá trị lô hàng vi phạm; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực thực phẩm, thậm chí khởi tố hình sự. Kết quả là trong một số vụ án điển hình, có doanh nghiệp từng bị phạt tới 200 triệu NDT và giám đốc bị kết án tù giam.

Luật Thương mại điện tử

Luật Thương mại điện tử năm 2019 trở thành “lưới chắn” pháp lý quan trọng trong bối cảnh thương mại điện tử đang trở thành “thiên đường” của hàng nhái, hàng giả.

Một trong những điểm nổi bật là lần đầu tiên, các nền tảng số như Taobao, TikTok shop… bị buộc chịu trách nhiệm liên đới nếu nền tảng xuất hiện hàng giả. Quy định này đã buộc các sàn thương mại phải kiểm tra uy tín người bán trên sàn, xóa bỏ thái độ quan liêu và vô can với các hoạt động lừa đảo. Cùng với đó, luật yêu cầu tất cả người bán trên nền tảng phải khai báo thông tin pháp lý đầy đủ. Điều này giúp các cơ quan chức năng có thể truy nguồn nhanh chóng nếu phát hiện hành vi gian dối.

f8bc126d97c41851bd5919.jpg
Một cảnh sát thực thi pháp luật đi qua đống thuốc giả chuẩn bị tiêu hủy tại một nhà máy ở Bắc Kinh. Nguồn: IC

Luật Nhãn hiệu, Luật Sở hữu trí tuệ

Vào năm 2016, một thợ thủ công da lành nghề Trung Quốc đã đăng ký nhãn hiệu "iPhone" cho một loại hàng da thuộc và đã giành chiến thắng trong vụ kiện chống lại hãng điện tử khổng lồ của Apple. Những hành vi đầu cơ thương hiệu như vậy đã vào tầm ngắm sau khi Luật Nhãn hiệu sửa đổi (2023) đưa ra quy định quan trọng: cho phép từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu nếu phát hiện mục đích bất chính. Luật cũng tăng hình phạt dân sự và hình sự đối với doanh nghiệp làm nhái nhãn hiệu lên tới 5 triệu NDT hoặc gấp 5 lần giá trị thiệt hại cho thương hiệu gốc. Kết quả là trong năm 2024, Trung Quốc đã từ chối hơn 100.000 đơn đăng ký bị nghi đầu cơ nhãn hiệu, một con số chưa từng có; xử lý hơn 60.000 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ.

Luật Quảng cáo

“Nổ tung trời” là chiêu trò của những kẻ bán hàng giả hàng kém chất lượng. Hiểu được điều đó, Luật Quảng cáo sửa đổi năm 2015 lần đầu tiên quy trách nhiệm của người nổi tiếng tham gia quảng cáo, đặc biệt qua livestream hoặc mạng xã hội. Nếu quảng cáo sai sự thật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, bị cấm hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Luật cũng yêu cầu người nổi tiếng phải công khai việc nhận tiền quảng cáo, thay vì lập lờ theo kiểu giới thiệu sản phẩm qua trải nghiệm cá nhân…

Luật cũng cấm tuyệt đối việc quảng cáo sản phẩm chưa được cơ quan chức năng kiểm định, đặc biệt là đối với thực phẩm chức năng.

Đặc biệt, sau nhiều vụ việc livestream bán hàng giả gây rúng động, luật bổ sung năm 2023 yêu cầu nền tảng phải lưu trữ dữ liệu quảng cáo trong ít nhất 3 năm và mở sổ theo dõi trách nhiệm của từng người nổi tiếng quảng cáo.

Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh

Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh cấm hành vi làm giả tên thương hiệu, bao bì hoặc dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn với các thương hiệu nổi tiếng khác. Các doanh nghiệp cố tình dùng tên “na ná” như “Addidas”, “Sonyy”, “Appla” để đánh lừa người tiêu dùng có thể bị phạt nặng đến 5 triệu NDT.

Luật chống lại “chiêu trò giá rẻ bất chính” khi quy định các doanh nghiệp không được hạ giá dưới mức chi phí hợp lý để hạ bệ đối thủ hoặc làm loạn thị trường.

Luật nghiêm cấm hành vi hối lộ nhà bán lẻ hoặc hệ thống vận chuyển để tuồn hàng giả, đặc biệt trong môi trường đấu thầu hoặc ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi năm 2013, cập nhật năm 2020) là “tuyến phòng thủ cuối cùng” giúp người dân có công cụ pháp lý để tự bảo vệ. Điểm nổi bật là luật cho phép nguyên tắc “7 ngày hoàn trả vô điều kiện”: dù mua hàng online hay offline, người tiêu dùng có quyền trả lại sản phẩm trong 7 ngày mà không cần lý do, giúp triệt tiêu chiêu trò “hàng giá rẻ, không đổi trả”.

Luật đưa ra chế tài mạnh, buộc doanh nghiệp bán hàng giả hoặc không đạt chất lượng phải bồi thường gấp 3 - 10 lần giá trị sản phẩm, và nếu gây tổn hại sức khỏe thì có thể chịu trách nhiệm hình sự.

Các chiến dịch truy quét mạnh mẽ

Nếu hệ thống quy định là tấm lưới pháp lý thì các chiến dịch trấn áp là thanh gươm công lý. Thời gian qua, Trung Quốc đã phát động hàng loạt chiến dịch truy quét quy mô lớn, với sự vào cuộc của cơ quan liên ngành.

Chiến dịch “SwordNet” (Lưới gươm): được khởi động từ năm 2010, chiến dịch diễn ra thường niên do Cục Bản quyền quốc gia phối hợp với Bộ Công an, Tổng cục Quản lý thị trường thúc đẩy, nhằm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong không gian mạng; truy quét các website, nền tảng, tài khoản mạng xã hội bán hàng giả, hàng xâm phạm bản quyền.

Trong phiên bản SwordNet 2023, hơn 200.000 tác phẩm vi phạm bị gỡ bỏ, gần 3.000 trang web đóng cửa, 1.500 vụ bắt giữ liên quan đến hàng giả kỹ thuật số (như phần mềm, video, sách điện tử…).

Chiến dịch “BlueNet” (Lưới xanh): bắt đầu từ năm 2016, chiến dịch của Bộ Công an đã giúp trấn áp các hoạt động sản xuất, phân phối thuốc giả, thực phẩm bẩn và mỹ phẩm kém chất lượng; triệt phá các đường dây sản xuất có tổ chức, quy mô lớn, thường hoạt động xuyên tỉnh/thành phố.

Từ năm 2021 - 2023, BlueNet đã phá hơn 800 vụ án lớn liên quan đến mỹ phẩm giả chứa thủy ngân, thuốc và thực phẩm chức năng giả; tịch thu hàng hóa trị giá hơn 3 tỷ NDT, bắt giữ hàng ngàn đối tượng, nhiều vụ có liên quan đến mạng lưới quốc tế.

Chiến dịch “Dragon Action” (Long hành): là chiến dịch phối hợp của hải quan Trung Quốc và hải quan quốc tế, cảnh sát quốc tế nhằm truy quét, ngăn chặn hàng giả Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài; tập trung vào hàng tiêu dùng cao cấp như túi xách, đồng hồ, linh kiện điện tử, thuốc men, hàng xa xỉ.

Riêng trong chiến dịch năm 2022, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 18 triệu sản phẩm hàng giả xuất khẩu, trong đó có hàng chục ngàn container bị kiểm tra và xử lý.

Chiến dịch “Iron Fist” (Thiết quyền): được khởi động từ năm 2021, chiến dịch là “cú đấm” vào thị trường hàng giả trong thương mại điện tử; xử lý mạnh tay với “hàng nhái siêu cấp” các thương hiệu nổi tiếng, tập trung vào việc khắc phục các vấn đề nổi cộm như mạo danh chuyên gia và bác sĩ nổi tiếng để quảng cáo sai sự thật về hiệu quả của thuốc, phóng đại hiệu quả của thực phẩm chức năng.

Trong năm 2023, chiến dịch xử lý hơn 40.000 vụ vi phạm trên nền tảng số, gỡ bỏ hơn 150.000 link sản phẩm vi phạm, phạt hành chính lên đến 700 triệu NDT. Một số livestreamer nổi tiếng bị cấm hoạt động do bán hàng giả.

Từ một quốc gia từng bị cả thế giới chỉ trích vì dung túng hàng giả, Trung Quốc đang từng bước biến mình thành chiến trường chống hàng giả khốc liệt nhất toàn cầu, từng bước thiết lập lại “kỷ cương thương mại”. Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, từ năm 2020 đến năm 2024: Số vụ vi phạm sở hữu trí tuệ được xử lý tăng 65%; Số lượng hàng giả trên nền tảng TMĐT giảm hơn 50%; Mức độ hài lòng của người tiêu dùng trong nước tăng đáng kể, với hơn 72% tin rằng hàng giả đã giảm nhiều.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Từ “tấm lưới” pháp lý đến “thanh gươm” công lý: Lập lại kỷ cương thương mại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO