Từ sức mạnh con người đến sức mạnh quốc gia

Lê Thư thực hiện 29/04/2023 08:29

Theo GS.TS.NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong đời sống tinh thần của con người có hai thứ quan trọng: trí tuệ và tâm hồn. Trí tuệ giúp mở mang tầm nhìn, tâm hồn là thứ gắn kết con người với nhau, đây là yếu tố đầu tiên làm nên sức mạnh quốc gia, dân tộc.

Vấn đề mang tính thời đại và vĩnh viễn

- Để tiến về phía trước, một dân tộc phải không ngừng suy xét nội lực, về những giá trị đổi thay và bất biến, trong đó không thể không nói đến vấn đề phát triển con người. Ông nghĩ sao về điều này?

- Vấn đề con người luôn mang tính thời đại và vĩnh viễn. Phát triển con người có tính chất chiến lược trong sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Hơn 30 năm Đổi mới là minh chứng hùng hồn cho vấn đề này. Từ con người lao động lầm lũi, chúng ta trở thành con người lao động sáng tạo, kiên định, có quan điểm, tri thức. Nông dân trước đây chân lấm tay bùn, con trâu đi trước cái cày đi sau, lầm lụi nắng mưa, bây giờ cũng nông dân đó nhưng điều khiển máy móc cơ giới, giống má cũng thay đổi. Trước đây ta nói “chị hai 5 tấn”, bây giờ không phải 5 mà là 9 - 10 tấn. Các thành tựu về kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật… cũng ngày càng rõ.

GS.TS. NGND Trần Văn Bính - Ảnh: Duy Thông
Ảnh: Duy Thông

Từ Đổi mới, chúng ta cũng nhận thấy vấn đề phát triển con người đặc biệt quan trọng nhưng phải gắn với chiến lược giáo dục, chiến lược văn hóa. Chính những điều này đã kết tụ, tạo nên con người của thế kỷ XXI.

- Nếu phác họa chân dung con người Việt Nam bằng những nét cơ bản nhất, theo ông, nó sẽ như thế nào?

- Một mặt, thành tựu phát triển con người như tôi vừa nói là sự phát triển thuộc về trí tuệ. Cùng với đó, chúng ta thấy tâm hồn con người ngày càng rộng mở. Người Việt Nam không chỉ yêu người thân, bè bạn, mà rộng hơn, yêu các vùng miền, yêu từng địa phận của đất nước, thậm chí yêu cả thế giới này.

Mặt khác, thực tế cũng đặt ra hàng loạt vấn đề đáng suy ngẫm. Trước đây, chúng ta hy sinh tất cả để giành độc lập, tự chủ cho đất nước, hiện nay chiến tranh không còn nữa nhưng suy nghĩ nhỏ hẹp lại có điều kiện phát triển trong mỗi con người. Có cái rơi rớt của tàn dư quá khứ mà chúng ta chưa có dịp khắc phục, có cái mới nảy sinh mà chúng ta chưa kịp nắm bắt.

Trước đây, trong chiến tranh ác liệt, nhà thơ Tố Hữu đã tả: Ôi! đất anh hùng dễ mấy mươi/ Chìm trong khói lửa, vẫn xanh tươi/ Mưa bom, bão đạn, lòng thanh thản/ Nhạt muối, vơi cơm, miệng vẫn cười (Theo chân Bác). Bây giờ không mưa bom, bão đạn nữa nhưng lòng chúng ta có thanh thản không? Không nhạt muối, vơi cơm nữa nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng trao nhau những nụ cười thân ái không?

Đó là những điều cần đặt ra trong xây dựng, phát triển con người hiện nay.

Con người trở thành con người

- Điều ông vừa nói có lẽ cũng là niềm trăn trở của rất nhiều người. Phải thừa nhận rằng suốt những năm qua, đặc biệt là sau Đổi mới, đất nước ta đã phát triển mạnh mẽ, sức mạnh người Việt Nam một lần nữa được khẳng định, nhưng vẫn còn đó những mặt hạn chế, những mối nguy hại với tinh thần dân tộc…

- Hạn chế trong phát triển con người hiện nay, theo tôi, đáng lo ngại nhất chính là tính cộng đồng có phần suy yếu. Từ thời vua Hùng dựng nước, ông cha ta đã căn dặn con cháu muôn đời về giá trị của cộng đồng, dân tộc, thông qua những câu tục ngữ, ca dao như: Lá lành đùm lá rách, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn… Thế nhưng, bước vào kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, mặt trái của nó đang làm thui chột giá trị quý báu của người Việt Nam.

Trên nhiều diễn đàn, tôi đã lên tiếng là phải dè chừng đang có cuộc chiến tranh xâm lược ngầm về văn hóa trên toàn cầu, mà cuộc chiến tranh này nếu xảy ra ở Việt Nam thì sẽ vô cùng phức tạp. Cuộc chiến tranh đó không nhằm vào thế hệ đã trưởng thành, mà nhắm vào thế hệ con em chúng ta, thế hệ hiểu biết về lịch sử, văn hóa còn rất ít.

- Khi bàn về văn hóa Việt Nam ông từng nói rằng: Tách dân tộc ra khỏi văn hóa thì dân tộc chỉ là một bầy người mà thôi. Tách văn hóa ra khỏi dân tộc thì văn hóa không tồn tại. Ở đây, mối gắn kết giữa văn hóa với sự phát triển con người của một quốc gia nên được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Ở đây, tôi nhấn mạnh văn hóa là yếu tố căn bản xây dựng con người. Một em bé mới lọt lòng mẹ được nuôi dưỡng bởi các giá trị tinh thần thông qua tiếng ru, nụ cười, thông qua những hành động thân thương của mẹ và người thân, dần lớn lên, dần hiểu đạo lý làm người của dân tộc. Chính quá trình đó tạo nên con người, có câu nói không phải con người sinh ra con người mà con người trở thành con người chính là như vậy. Nhìn rộng ra văn hóa gắn với dân tộc cũng vậy. Dân tộc tạo dựng, phát triển văn hóa, văn hóa góp phần sáng tạo và phát triển dân tộc, các giá trị đó được truyền lại, lưu giữ và phát huy ở các thế hệ.

Quan tâm đến văn hóa là quan tâm xây dựng, phát triển con người - Nguồn: tuyengiao.vn
Quan tâm đến văn hóa là quan tâm xây dựng, phát triển con người. Nguồn: tuyengiao.vn

Trí tuệ và đời sống tâm hồn

- Dường như, suy cho cùng, mọi quan điểm về phát triển, dù là cá nhân hay quốc gia, dân tộc đều tụ lại ở một giá trị chung - giá trị tinh thần, đến từ văn hóa, từ ba yếu tố chân - thiện - mỹ?

- Tôi xin kể câu chuyện này: Năm 1972, Jane Fonda - ngôi sao màn bạc Hollywood đến thăm Việt Nam, một mình chị đi vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) - giữa lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, nơi hàng rào điện tử hiện đại của Mỹ được bố trí dọc khu phi quân sự vĩ tuyến 17. Sau mấy ngày nghiên cứu, trên đường trở về, chị có viết: Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam sẽ thất bại hoàn toàn, bởi vì người Việt Nam biết đặt giá trị con người, tâm hồn con người lên vị trí hàng đầu chứ không phải đặt lợi nhuận lên vị trí hàng đầu. Có lẽ, chị so sánh cuộc chiến của chúng ta với cuộc chiến của Mỹ. Mỹ gây chiến tranh vì lợi nhuận còn chúng ta chống lại cuộc chiến tranh đó vì giá trị con người, nhân văn dân tộc.

Lại nhớ, sau khi miền Nam giải phóng, tại Học viện Không quân Mỹ, một giáo sư người Mỹ đã nói: Những máy bay hiện đại của chúng ta đã rơi lả tả trên chiến trường Việt Nam và châu Á, bởi vì những máy bay đó đã vấp phải một cơn gió ngang cực mạnh, bị cơn gió ngang đó quật đổ xuống. Cơn gió ngang đó chính là giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của con người Việt Nam. Từ đó, ngẫm lại trong hai giá trị đời sống tinh thần của con người, trí tuệ là quan trọng vì nó mở mang tầm nhìn, nhưng đời sống tâm hồn còn quan trọng hơn bởi lẽ nó gắn kết con người với cộng đồng, gắn kết các thành viên trong cộng đồng đó với nhau. Sức mạnh Việt Nam toát lên rõ nhất ở đó.

- Chúng ta nhắc về lịch sử, nhắc lại những câu chuyện như thế để tự hào, song làm thế nào để truyền lửa cho các thế hệ người Việt trẻ, để thế hệ trẻ ý thức về văn hóa, về sức mạnh quốc gia, dân tộc?

- Trở lại ý nói ban đầu, tôi cho rằng xây dựng, phát triển con người Việt Nam luôn luôn phải gắn với chiến lược giáo dục, chiến lược văn hóa. Thậm chí, chiến lược văn hóa phải đi trước, bởi tác dụng của văn hóa là mở đường. Quan tâm đến văn hóa là quan tâm xây dựng, phát triển con người. Đây là việc phải làm thường xuyên, liên tục, để những giá trị của văn hóa giống như không khí chúng ta thở hàng ngày. Thiếu không khí con người sẽ chết, thiếu văn hóa con người sẽ không thành người.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Từ sức mạnh con người đến sức mạnh quốc gia
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO