Có hai bản Thủy hử, bản
|
71 hồi do Kim Thánh Thán đời Thanh chỉnh lý và bản 120 hồi do Quách Huân đời Minh biên tập. Tác phẩm được Thi Nại Am xây dựng dựa vào sử sách, truyền thuyết, truyện kể dân gian, miêu tả cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thời Bắc Tống (thế kỷ XII) do Tống Giang lãnh đạo. Họ tụ tập ở đầm Lương Sơn (Lương Sơn Bạc) trong vùng rừng núi tỉnh Sơn Đông, tất cả có 108 hảo hán, chỉ huy hàng vạn lâu la, đánh Đông dẹp Bắc, làm náo động nửa nước Trung Quốc. Các anh hùng hảo hán bốn phương Vương Tiến, Lâm Xung, Tiều Cái... do bị quan lại, địa chủ bức bách, bị triều đình thối nát truy nã đều dần dần về Lương Sơn Bạc tụ nghĩa. Họ tôn Tiều Cái làm đầu lĩnh, phân chia ngôi thứ, dựng cờ “thay trời hành đạo” đối lập với triều đình. Nghĩa quân chiêu binh mãi mã, tập hợp nhân tài. Họ nhiều lần tìm cách mời Tống Giang, một người có học vấn, đức độ và uy tín tham gia nghĩa quân. Tống Giang nặng tư tưởng trung hiếu, một mực không theo. Nhưng triều đình phong kiến và cuộc đời bất công đã giày vò ông, cuối cùng kết ông vào tội chém. Lương Sơn Bạc cử nghĩa binh đến cứu thoát. Bấy giờ, ông mới “không thể không gửi thân về Lương Sơn Bạc”. Rồi Võ Tòng, Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm... cũng hâm mộ tài đức của ông mà lên đây tụ nghĩa. Anh hùng đã đủ mặt. Tiều Cái nhường ngôi chủ trại cho Tống Giang. Họ lập “Trung nghĩa đường”, ban bố pháp lệnh, phân ngôi chủ thứ, hùng cứ một phương. Họ ra quân đánh Lý gia trang, Hổ gia trang, ba lần đánh Chúc gia trang, rồi phủ Cao Đường, phủ Đại danh và chợ Tăng đầu. Thanh thế ngày một lớn, triều đình mấy lần sai quan quân đi dẹp nhưng đều bị nghĩa quân đánh cho thất điên bát đảo. Hồi 71 là cao điểm huy hoàng của cuộc khởi nghĩa. Tống Giang lập đàn siêu sinh tịnh độ cho sinh linh, làm lễ chích máu ăn thề, nguyện cùng nhau “thay trời hành đạo”, “giữ đất yên dân”.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng được một cơ đồ vững mạnh, Tống Giang không biết làm gì nữa, ngồi chờ “quốc gia tín dụng” để ra “phù trợ giang sơn”. Do đó, khi Hoàng đế ra hạ chỉ chiêu an, ông bó tay ra hàng. Triều đình phân tán lực lượng của họ, một nửa sai đi đánh dẹp khởi nghĩa nông dân ở Chiết Giang do Phương Lạp lãnh đạo, một nửa sai đi đánh dẹp khởi nghĩa nông dân ở Hồ Nam do Chung Tương cầm đầu. Chiến thắng trở về, 108 anh hùng chỉ còn lại 27. Nhà vua ban thưởng cho Tống Giang rượu ngự có pha thuốc độc, Lư Tuấn Nghĩa cơm ngự có trộn thủy ngân. Các anh hùng khác đều được phong chức này tước nọ, nhưng trên đường đến nhiệm sở đều lần lượt bị thủ tiêu. Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn bị tiêu diệt.
Thủy hử chứng tỏ một sự thật lịch sử, là trong xã hội phong kiến, khởi nghĩa nông dân chỉ có thể hoặc bị thế lực thống trị đàn áp, tiêu diệt, hoặc trở thành công cụ thay triều đổi ngôi của chế độ phong kiến. Khi chưa có một giai cấp đại biểu cho một sức sản xuất mới, tiên tiến hơn lãnh đạo, cách mạng nông dân tự nó không thể thắng lợi được. Xem Thủy hử, người ta có cảm tưởng như được đọc hàng trăm truyện ngắn ly kỳ. Các truyện này có thể đứng độc lập, nhưng lại liên hệ với nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh. Kết cấu đó mang đặc sắc của những tác phẩm phát triển từ chuyện kể. Sợi dây quán xuyến toàn bộ tác phẩm là sự áp bức của chế độ phong kiến và sự phản kháng của các anh hùng. Con đường của họ chỉ là một, nhưng tính cách của họ lại khác nhau. Nếu Tống Giang coi việc làm phản là tội “đáng diệt 9 họ” thì Lý Quỳ lại xem đó là việc đương nhiên. Con đường lên Lương Sơn Bạc của Tống Giang quanh co, phức tạp bao nhiêu thì của Lý Quỳ đơn giản bấy nhiêu. Cách suy nghĩ và hành động của mọi người không ai giống ai. Ngay trong một nhân vật, khi hoàn cảnh sống và địa vị xã hội thay đổi thì tính cách cũng thay đổi. Lâm Xung chẳng hạn, vốn là người hiền lành, nhẫn nhục, nhưng khi ở miếu Thổ thần, hiểu thấu lòng dạ bọn thống trị thì trở nên ngỗ ngược, ngang tàng… Thủy hử đã vượt được cái khuôn sáo “tính cách có sẵn” của một số tác phẩm cổ điển. Các nhân vật ở đây đều sinh động, có sức thuyết phục.
Lương Duy Thứ