TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Robinson Crusoe

10/08/2007 00:00

Tiểu thuyết của nhà văn Anh Daniel Defoe được xuất bản lần đầu tiên năm 1719 và đôi lúc được coi là tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Anh. Tên đầy đủ của tác phẩm là “Cuộc đời và những chuyện phiêu lưu kỳ lạ của Robinson Crusoe”.

      Tiểu thuyết viết dưới hình thức tự truyện của nhân vật chính. Robinson là người ưa hoạt động và ham thích phiêu lưu, say sưa đi đến những miền đất lạ, bất chấp sóng to gió lớn và bao nỗi gian hiểm khác. Chàng xuống tàu ở Hull, theo bạn đi London bằng đường biển. Cuộc hành trình không trót lọt, tàu bị đắm ở Yacmao. Tai họa ấy không làm chàng nhụt chí. Cha mẹ khóc lóc, bạn bè can ngăn không lay chuyển được quyết tâm của chàng. Chàng làm quen với một viên Thuyền trưởng tàu buôn lần này rời bến đi Guinea. Chuyến đầu tiên thuận buồm xuôi gió; Chuyến thứ hai gặp cướp biển, Robinson bị bắt làm nô lệ ở Sale, 2 năm sau trốn thoát sang Brazil lập trại trồng trọt. Chàng vẫn không hề nao núng, 4 năm sau lại nghe mấy người bạn chủ trại rủ rê, xuống tàu đi Guinea định thực hiện một chuyến buôn bán, đổi chác lớn. Tàu gặp bão, mất phương hướng rồi bị đắm. Các thủy thủ trên tàu chết hết, chỉ còn một mình Robinson sống sót giạt vào một đảo hoang. Trơ trọi một mình giữa chốn hoang vu không có dấu chân người, chàng không nản lòng, thất vọng. Sau khi vớt vát trong chiếc tàu đắm lập lờ mặt nước tất cả những thứ gì còn có thể dùng được, từ bao lúa mì đến ít thực phẩm sót lại, từ mấy khẩu súng, bao đạn ghém đến hòm đồ nghề thợ mộc dùng để sửa chữa trên tàu, chàng lên đảo dựng lều dưới chân đồi che nắng che mưa, rào giậu chỗ ở chống thú dữ. Chàng săn bắn kiếm ăn, rồi tiến tới chăn nuôi, trồng trọt, một tay làm đủ các nghề nên chỉ sau một thời gian, cuộc sống của chàng không những ổn định mà ngày càng đầy đủ hơn. Tuy quanh quẩn chỉ có con chó và con vẹt làm bạn nhưng có lúc Robinson cảm thấy sung sướng khi nhìn thấy tất cả cơ ngơi do bàn tay của chàng làm nên.
      Đến năm thứ 25 sống xa cách xã hội loài người, một hôm do sự tình cờ, Robinson phát hiện thấy nhiều thổ dân ghé thuyền lên đảo chuẩn bị hành hình tù binh. Chàng chiến đấu cứu được một nạn nhân thoát khỏi tay bọn ăn thịt người. Robinson đặt tên cho người da đen vừa thoát nạn là Thứ Sáu. Từ đó 2 người chung sống với nhau, Robinson cũng cảm thấy đỡ cô độc. Ít lâu sau, lại có những thổ dân khác xuất hiện cùng với hai tù binh, trong số đó có một người Tây Ban Nha, còn người kia chính là... cha của Thứ Sáu. Cả hai đều được cứu thoát. Cuộc sống trên đảo thêm đông vui. Cuối cùng xuất hiện một chiếc tàu ghé đến đậu ở cái vịnh nhỏ gần nơi Robinson ở. Bọn thủy thủ nổi loạn chiếm tàu, trói Thuyền trưởng, Thuyền phó giải lên bờ định bỏ cho chết trên đảo. Robinson giúp viên Thuyền trưởng thu hồi được tàu. Chàng trở về Tổ quốc, có cả Thứ Sáu cùng đi, sau 28 năm 2 tháng 19 ngày sống trên đảo hoang, nơi chàng đã gửi lại bao kỷ niệm gian truân, đau khổ nhưng cũng rất sung sướng.
      Robinson trên đảo hoang là hình ảnh một con người có nghị lực lớn lao, có tinh thần dũng cảm, có sức mạnh và khả năng lao động chiến thắng thiên nhiên. Để viết tiểu thuyết này, Defoe đã dựa vào một sự kiện có thật. Năm 1705, thủy thủ Selkirk bị lạc vào đảo hoang Juan Fernandez ở ngoài khơi biển Chile, một hòn đảo xưa nay chưa có dấu chân người. Đến năm 1709, may mắn có Thuyền trưởng Roger, một nhà hàng hải dũng cảm từng đi vòng quanh thế giới giải thoát được cho Selkirk, trong lúc người thủy thủ bất hạnh đó hầu như đã trở về với trạng thái hoang dã. Nhưng nếu như trong câu chuyện thật, Selkirk bị thiên nhiên khuất phục, thì trong tiểu thuyết của Defoe, Robinson đã khuất phục được thiên nhiên. Không thể cho rằng hình ảnh Robinson vật lộn với thiên nhiên trên đảo hoang chỉ là hình ảnh tự thuật của chính Defoe sống cô đơn, luôn bị kẻ thù rình rập trong xã hội tư sản quý tộc Anh. Cũng không thể cho rằng tác giả muốn xây dựng Robinson thành một nhân vật đáp ứng yêu cầu của giai cấp tư sản thời đại ông đòi hỏi phải phát huy mọi nghị lực và khả năng của cá nhân để làm giàu. Robinson là một mẫu người lý tưởng có ý nghĩa bao quát hơn: Sức lực và trí tuệ con người có khả năng làm thay đổi bộ mặt của tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ cho cuộc sống của mình. Robinson có những khía cạnh đứng cao hơn giai cấp tư sản, ngay cả trong thời kỳ giai cấp tư sản đi lên có nhiều nét tiến bộ; Chàng có tinh thần nhân đạo, sẵn sàng hy sinh cứu giúp người khác; Chàng có thế giới quan tiến bộ ảnh hưởng của triết học duy vật. 
      Robinson Crusoe là một cuốn tiểu thuyết có tác dụng giáo dục tốt, đặc biệt đối với lứa tuổi thiếu niên. Tình tiết câu chuyện và lối văn trong sáng, giản dị phù hợp với tuổi trẻ.

Phùng Văn Tửu

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Robinson Crusoe
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO