Tủ sách cổ điển: Những người khốn khổ

04/05/2007 00:00

Tiểu thuyết của nhà văn Pháp Victor Hugo là bức tranh rộng lớn về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ ở Pháp trong thế kỷ XIX. Qua hàng loạt nhân vật, nhà văn biểu lộ tấm lòng thương yêu vô hạn đối với những nạn nhân đau khổ của xã hội tư sản.

      Những người khốn khổ được thai nghén từ 1892 và hoàn thành năm 1862. Jean Valjean làm nghề xén cây, vì nghèo đói và phải giúp chị nuôi đàn cháu nhỏ nên đã ăn cắp một chiếc bánh mì. Anh bị bắt và bị kết án 5 năm tù khổ sai. Sau 4 lần vượt ngục không thoát, án tù tổng cộng lên đến 19 năm. Khi mãn hạn tù, Jean Valjean lại phải mang loại giấy thông hành màu vàng của tù khổ sai nên đi đến đâu cũng bị nghi ngờ, ruồng bỏ. Đang lúc cùng đường, đầu óc đầy rẫy những tư tưởng hắc ám, anh gặp giám mục Myriel- một người có lòng nhân từ, độ lượng, đối xử tử tế với anh và còn tha thứ cho anh tội ăn cắp một bộ đồ bạc. Anh phạm thêm tội ác ăn cướp đồng hào của bé Gervais, tiếng khóc nức nở của bé bỗng thức tỉnh lương tâm anh, gợi anh nhớ đến cuộc đời lao động nghèo khổ xưa kia của mình. Những sự kiện ấy đã tác động mạnh mẽ đến Jean Valjean: Anh như được lột xác và trở thành một người có đạo đức cao cả. Jean Valjean mai danh ẩn tích, lấy tên là Madeleine. Ông làm giàu, mở nhà máy sản xuất hạt huyền, làm cho cả vùng được phồn vinh. Nhờ có lòng nhân đức, ông trở thành Thị trưởng một thành phố nhỏ. Trong nhà máy, có chị thợ khâu Fantine vì đẻ con hoang nên bị mụ Giám thị ghét bỏ đuổi ra khỏi xưởng mà Madeleine không biết. Fantine mất việc làm, phải bán tóc, bán răng, cuối cùng làm gái điếm để lấy tiền nuôi con gái là Cosette gửi ở nhà hai vợ chồng gã chủ quán lưu manh Thénardiers. Lúc Fantine gần chết, Madeleine mới thấu nỗi oan của chị và hứa chăm sóc Cosette. Jean Valjean đã ra tòa tự thú để cứu Săngmachiơ bị bắt oan. Một lần nữa ông vào tù, liền sau đó vượt ngục thoát, quay về chuộc được Cosette khỏi tay Thénardiers và cùng cô bé sống lẩn trốn ở Paris trong 10 năm trời. Ông luôn luôn bị tên mật thám Javert rình mò, theo dõi. 
      Khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Thủ đô Paris năm 1832, Jean Valjean lên chiến lũy, đứng về phía các chiến sỹ cộng hòa. Cuộc chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng trên chiến lũy vô cùng hào hùng. Bên cạnh những thanh niên như Enjolras, Marius... có tấm gương dũng cảm tuyệt vời của cụ Mabơp và chú bé Gavroche nghèo khổ của Thủ đô Paris. Trên chiến lũy, Jean Valjean đã cứu sống Marius, người yêu của Cosette và tha chết cho tên Thanh tra mật thám Javert. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Jean Valjean còn gặp nhiều đau khổ, nhưng ông vẫn luôn luôn quên mình đi vì hạnh phúc của người khác. Ông vun đắp tình yêu của Marius và Cosette. Cuối cùng Jean Valjean chết trong cảnh cô đơn giữa lúc đôi thanh niên nam nữ ấy sống với nhau đầy hạnh phúc...
      Dưới ngòi bút của Victor Hugo, những con người bị xã hội vùi dập hiện ra với nhiều vẻ đẹp tâm hồn và hình thức. Nhà văn sử dụng phương pháp tương phản quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn để làm nổi bật những phẩm chất của họ. Có thể nói, Những người khốn khổ là bản anh hùng ca ca ngợi nhân dân, là bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội tư sản bất công, vô nhân đạo với cả một mạng lưới luật pháp, tòa án, nhà tù, quân lính, cảnh sát, những kẻ giàu sang, những tên lưu manh... Chính xã hội tư bản là nguyên nhân gây ra bao cảnh khổ trong nhân dân. Xã hội ấy hiện hình tập trung nhất trong bộ mặt gớm guốc và tâm hồn chai cứng của Javert. Tác phẩm nêu rõ tình thương yêu chân chính chỉ có ở những con người nghèo khổ. Victor Hugo băn khoăn tìm biện pháp để đem lại hạnh phúc cho những người khốn khổ. Tác phẩm cũng bộc lộ hạn chế của nhà văn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng, kêu gọi người giàu giúp đỡ người nghèo và chủ trương dùng tình thương yêu để cải tạo con người. Ông mở rộng tình thương yêu ra cả kẻ thù của nhân dân, không phân biệt ta, địch. Tuy nhiên, trong Những người khốn khổ, Victor Hugo cũng đã phần nào nhận thức được những tư tưởng sai lầm mang nặng tính chất ảo tưởng của mình. Ông cảm thấy rõ sự rạn nứt của tư tưởng nhân văn bất bạo động và đã nhìn thấy một hướng giải quyết khác là vùng lên làm cách mạng tiêu diệt trật tự xã hội cũ. Tuy sự chuyển biến trong tư tưởng Hugo chưa thật dứt khoát, hình ảnh Jean Valjean yêu thương “tuyệt đối” vẫn bao trùm từ đầu đến cuối tác phẩm, nhưng cuộc chiến đấu hào hùng trên chiến lũy của nhân dân lao động Paris đã được nhà văn xây dựng thành những trang đẹp nhất trong bộ tiểu thuyết, đem lại cho độc giả niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của cách mạng.

Phùng Văn Tửu

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tủ sách cổ điển: Những người khốn khổ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO