TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Nghìn lẻ một đêm

31/08/2007 00:00

Từ khi ra đời tới nay, Nghìn lẻ một đêm đã trở thành tài sản văn hóa chung của nhân loại, có ảnh hưởng rất lớn từ Đông sang Tây. Nhiều người đã dùng những câu chuyện trong tác phẩm để làm đề tài sáng tác cho nhiều hình thức nghệ thuật khác như phim, kịch, balê, ca vũ kịch...

            Tập truyên dân gian đồ sộ và nổi tiếng của nhân dân Arập, có nguồn gốc lâu đời trên đất nước của các Hoàng đế Arập thời cổ, và được bổ sung qua nhiều thế kỷ, bằng kho tàng truyện cổ dân gian của các nước trong hệ ngôn ngữ  Ën-  u, được lưu truyền rộng rãi ở Iran, Iraq, Ai Cập, Ethiopia... sau đó phổ biến khắp Trung cận Đông. Tập truyện định hình trong khoảng thế kỷ X- XIV, và trở thành một bộ truyện hoàn chỉnh trong những năm cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Lần đầu tiên được công bố ở châu  u trong những năm 1704- 1709, qua bản dịch tiếng Pháp, 12 tập, của nhà học giả Antoine Galland; Chính nhờ bản dịch rất thành công này mà bộ truyện lần lượt được dịch tiếp ra nhiều thứ tiếng và nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới.
      Kho tàng truyện cổ vô cùng đa dạng trong Nghìn lẻ một đêm được kết nối khéo léo xoay quanh một cái trục đơn giản: Xưa kia miền Đông Arập có một ông vua tên là Sariya, vì hoàng hậu ngoại tình nên đâm ra chán ghét hết thảy các loại đàn bà, tính nết trở nên hung bạo. Để thỏa cơn giận, cứ mỗi ngày nhà vua ra lệnh bắt một người con gái trong kinh thành đến ăn nằm với mình; Sau khi chơi bời thỏa thích, bèn sai lính đem đi giết. Nhiều cô gái trẻ chết rất oan uổng. Dân chúng trong Kinh thành hoang mang lo sợ, họ dắt díu con cái trốn tránh khắp mọi nơi, nhưng cũng không sao tránh khỏi bàn tay đẫm máu của nhà vua. Không bao lâu, đến lượt nàng Sêhêradat, con gái một vị quan đại thần trong triều phải nộp mình. Quan đại thần rất buồn rầu, ngày đêm không ăn không ngủ, lo lắng tìm cách cứu con gái và kể lại sự tình cho nàng nghe. Biết tai họa sắp giáng xuống số phận của cha con mình, ngày đêm nàng tập trung suy nghĩ tìm cách đối phó. Sêhêradat vốn là cô gái thông minh, tài trí, lại giàu nghị lực, nên sau khi nghĩ được mưu kế, nàng an ủi cha, khuyên cha yên tâm và dặn cha cứ dẫn nàng đến với tên vua tàn ác. Đi với nàng còn có em gái nàng, hai chị em bàn nhau sẽ thay phiên kể chuyện cho vua Sariya nghe. Mỗi đêm một truyện, đêm này qua đêm khác, truyện nào cũng hấp dẫn, truyện nọ liên quan đến truyện kia, khiến cho vua say sưa lắng nghe không sao dứt được. Cứ thế suốt trong một nghìn lẻ một đêm, với tài kể chuyện và tài cảm hóa, hai chị em nàng Sêhêradat đã lôi cuốn được nhà vua vào cái thế giới tưởng tượng đầy kỳ ảo, khiến hắn ta quên khuấy mất việc giết người. Cuối cùng nhà vua thay đổi tính tình, bãi bỏ lệnh bắt con gái và vui vẻ cưới nàng Sêhêradat làm vợ.
      Cũng như truyện dân gian của các nước khác, những câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm phản ánh nguyện vọng và ước mơ của quần chúng nhân dân trong xã hội bị áp bức, đè nén. Họ luôn luôn mong muốn được sống trong cảnh thái bình yên vui, được gặp nhiều may mắn, hạnh phúc ấm no như các truyện Cuộc hành trình trên mặt biển của Sindiba, Aladanh với cây đèn thần, Người câu cá với vị thần, Con ngựa thần kỳ... Nhiều truyện phản ánh bản chất tốt đẹp của nhân dân lao động cần cù, chăm chỉ, kiên cường dũng cảm, thông minh tài trí, giàu lòng thương người như truyện AliBaba và bốn mươi tên cướp. Truyện này ca ngợi tài trí thông minh và lòng dũng cảm của cô gái nô lệ tên là Morgan đã cứu sống gia đình bác tiều phu AliBaba thoát khỏi bàn tay độc ác của tên cướp Hatxanh. Ngoài ra, Nghìn lẻ một đêm cũng tập trung vạch trần bản chất tàn ác, nham hiểm của bọn bóc lột như vua chúa, quan lại, bọn phú thương, trộm cướp, bọn phù thủy, bọn đội lốt tôn giáo... Truyện nào cũng thể hiện chân lý thiện thắng ác, chính thắng tà, ở hiền gặp lành, mang ý nghĩa giáo dục con người rất sâu sắc.
      Nghìn lẻ một đêm đã phản ánh được cái thế giới muôn mặt trong đời sống hiện thực của xã hội Arập thời Trung cổ một cách rõ nét và sinh động, thông qua óc tưởng tượng cực kỳ phong phú, chủ đề vô cùng khác lạ, nhân vật đủ mọi loại vẻ và khung cảnh vừa rộng lớn vừa luôn thay đổi... của hàng trăm câu chuyện ly kỳ hấp dẫn trong bộ truyện. Về hình thức, Nghìn lẻ một đêm có ưu điểm là rất hoàn chỉnh về mặt kết cấu, rất đột xuất, bất ngờ trong dắt dẫn mạch truyện, rất phức tạp mà cũng rất chặt chẽ trong các tình tiết, và cũng rất điêu luyện về mặt ngôn ngữ; Nói như Gorki, đó là “những sợi tơ muôn màu lan khắp bốn phương, một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng phủ trên mặt đất”. Nhưng, cũng vì tác phẩm đã qua tay nhiều người, nhiều thế hệ ghi chép, nên có nhiều truyện không còn bản chất nguyên thủy của nó và pha tạp nhiều hình thức của truyện ngắn hiện đại.

Lưu Đức Trung

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Nghìn lẻ một đêm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO