TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Ly tao

09/05/2008 00:00

Tác phẩm tiêu biểu của Khuất Nguyên, nhà thơ Trung Quốc thời chiến quốc, gồm 373 câu, viết theo thể “tao”- thể thơ do chính nhà thơ sáng tạo trên cơ sở dân ca nước Sở. Với Ly tao nói riêng và thơ Khuất Nguyên nói chung, thơ ca Trung Quốc đã có một sự nhảy vọt về nhiều mặt.

      Có 3 cách giải thích nghĩa của tên bài thơ: “Lo buồn trong chia ly” (Tư Mã Thiên), “Gặp phải điều lo âu” (Ban Cố), “Buồn bực” (Du Quốc Ân). Do đó, có thể xác định Ly tao được sáng tác lúc nhà thơ đã bị triều đình Sở ruồng bỏ. Tác phẩm có thể chia làm hai phần (gồm 7 đoạn) và một lời vãn. Phần thứ nhất nặng về tả thực, gồm ba đoạn. Đoạn 1 trình bày gia thế của nhà thơ và hoài bão to lớn của nhà thơ lúc còn trẻ là tu dưỡng đức tài để mở đường cho Vua Sở:
      Ngựa hay cưỡi lấy đi nhanh,
      Lại đây ta chỉ cho mình đường quang
      Đoạn 2 kể lại những vấp váp của nhà thơ trên con đường chính trị do sự mù quáng của nhà vua và sự xúc xiểm của bọn nịnh thần. Đoạn 3, tuy có hé lộ mâu thuẫn trong tâm trạng nhà thơ, song chủ yếu nêu bật tinh thần đấu tranh đến cùng cho lý tưởng sau khi bị ruồng bỏ:
      Lòng ta đã thích, đã ưa,
      Dẫu rằng chín chết có chừa được đâu
      Phần thứ hai vừa tiếp nối phần trên, vừa triển khai những sự việc, những tình ý đã trình bày với một mức độ mới, dưới một hình thức mới. Phần này đậm đà màu sắc lãng mạn, gồm bốn đoạn. Đoạn 1 trình bày cụ thể lý tưởng chính trị trước đền Vua Thuấn trong truyền thuyết để gián tiếp bác bỏ lời trách mắng của người bạn gái. Đây là một bản tổng kết kinh nghiệm lịch sử trên một quan điểm có những nét tiến bộ so với đương thời. Đoạn 2 miêu tả cuộc “du hành về tinh thần” của nhà thơ vào hai thế giới hư ảo để tìm người bạn lý tưởng. Đợt một, lên trời, với sự cổ vũ, chào đón của mọi thế lực trong vũ trụ, với tất cả nỗi lòng hối hả, thiết tha:
      Hy Hòa hỡi nể tình ta với;
      Lối non đoài chớ vội xông pha.
      Quản bao nước thẳm non xa,
      Để ta tìm kiếm cho ra bạn lòng!
      Song thất bại, vì tên lính gác cửa nhà trời không cho nhà thơ vào. Đợt hai, đi bốn lần vào thế giới thần thoại, vẫn thất bại. Đoạn ba, dùng lời khuyên của hai thầy bói để diễn đạt một cách sinh động mâu thuẫn trong tâm trạng nhà thơ: Linh Phân khuyên Khuất Nguyên bỏ nước Sở mà đi, song Vu Hàn lại khuyên nán lại chờ đợi. Nhìn vào thực tế ngày càng tồi tệ của nước Sở, Khuất Nguyên định theo lời Linh Phân. Đoạn 4, tả chuyến “du hành về tinh thần” cuối cùng. Thoạt đầu, tưởng như nhà thơ bỏ nước Sở mà đi; Thực tế, tâm tư vẫn xót xa, dằn vặt. Bởi vậy, trên “khoảng trời mây rộng rãi”. Khi “ngoảnh đầu trông lại quê hương” thì nhà thơ lập tức dừng bước. Và Ly tao cũng lập tức kết thúc tại đấy, đúng lúc nỗi đau khổ của nhà thơ đã đến độ tột cùng, mâu thuẫn dường như dẫn đến chỗ bế tắc, song thực chất đã được giải quyết một cách viên mãn trên cơ sở lòng yêu nước nồng nàn của nhà thơ. Lời vãn tổng kết ý toàn bài và nêu lên dự cảm về kết thúc bi đát của cuộc đời nhà thơ.
      Điểm quán xuyến toàn bộ Ly tao là lòng yêu nước thiết tha, mãnh liệt. Điều đó tập trung biểu hiện ở lý tưởng muốn xây dựng “một nền chính trị tốt đẹp” và tinh thần đấu tranh ngoan cường cho lý tưởng ấy. Trong điều kiện nền chính trị Sở ngày càng hủ bại, bọn gian thần đang rắp tâm bán rẻ đất nước cho quân Tần xâm lược, lý tưởng chính trị ấy có tính chất tích cực và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Sở. Ly tao có thành phần tự sự, song chủ yếu là trữ tình, có nhiều chi tiết vạch tội ác của bọn triều thần song chủ yếu là biểu hiện trực tiếp lý tưởng. Đặc điểm đó làm cho bài thơ có màu sắc lãng mạn nồng đượm. Thần thoại, truyền thuyết, nhân vật lịch sử, thầy bói, mây gió, núi sông, hoa cỏ, thú vật... tất cả đã kết lại, thông qua hàng loạt biện pháp tu từ như khoa trương, nhân cách hóa và đặc biệt là ẩn dụ, tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, tráng lệ. Đọc Ly tao như bước vào một rừng hình ảnh. Hình ảnh chồng chất mà lại không rườm nhờ hệ thống liên hợp tỷ dụ nhất quán chạy suốt toàn bài. Kết cấu của Ly tao hoàn mỹ, vừa chặt chẽ, vừa biến hóa, như một nhà phê bình đã nhận xét, “từ trước đến sau, từ cạn đến sâu, có hư có thực, trong thực có hư, trong hư có thực”.

Nguyễn Khắc Phi

    Nổi bật
        Mới nhất
        TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Ly tao
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO