Tủ sách cổ điển: Lôi vũ

Lương Duy Thứ 06/06/2008 00:00

Tác phẩm nổi tiếng của nhà viết kịch nói Trung Quốc Tào Ngu, gồm 4 màn và 2 màn “tự mạc”, “vĩ thanh”. Tác giả đã dựng lại cuộc sống hủ bại và đầy tội ác của một gia đình phong kiến tư sản hóa – hình ảnh tượng trưng của xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc địa Trung Quốc, lên án chế độ xã hội kỳ quái và chỉ rõ con đường hủy diệt không tránh khỏi của nó.

      Câu chuyện xảy ra trong gia đình Chu Phác Viên. Ba mươi năm về trước, là cậu ấm một gia đình quyền thế, y dan díu với người ở gái xinh đẹp Thị Bình, đẻ ra Chu Bình. Khi Thị Bình sắp sinh đứa con thứ hai, gia đình Phác Viên đuổi cô ta để cưới cho y người vợ “môn đăng hộ đối” hơn. Đó là nàng Phồn Y trẻ đẹp, tuổi suýt soát cậu cả Chu Bình. Sống với người chồng lớn tuổi, quen thói chuyên quyền, Phồn Y ngày một héo hon tàn tạ. Trong hoàn cảnh đó, nàng đã có quan hệ bất chính với Chu Bình. Còn Thị Bình, sau khi bị đuổi khỏi nhà Phác Viên đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng rồi được cứu. Bà lên mỏ đi làm, nuôi con (sau này là Lỗ Đại Hải) và lấy người chồng mới là Lỗ Quý đẻ ra Lỗ Thị Phượng. Vì sinh kế, Lỗ Quý và Thị Phượng vào làm đầy tớ cho gia đình Phác Viên mà không hay biết gì về quan hệ trước kia. Ở đây Thị Phượng yêu cậu cả Chu Bình, còn Chu Bình thì định lấy cô ta để cắt đứt mối quan hệ khó xử với Phồn Y. Chu Xung, em Chu Bình, con của Phác Viên với Phồn Y cũng tha thiết yêu Thị Phượng. Lỗ Đại Hải về sau trở thành người lãnh đạo công nhân đấu tranh với chủ mỏ Phác Viên mà không hề biết đó chính là bố mình. Vì ghen, Phồn Y nhắn Thị Bình về đem Thị Phượng đi. Đến nơi, Thị Bình mới phát hiện con gái mình đang đi lại quãng đường bi thảm của mình ba mươi năm về trước. Bà buộc con gái phải thề “Không đi lại với người nhà họ Chu nữa”. Nhưng đã muộn. Bà phải chứng kiến sự việc ngoài sức tưởng tượng: Hai đứa con bà yêu nhau mà không biết là anh em! Sự việc vỡ lở, Thị Phượng nhảy vào dây điện tự tử. Chu Xung cứu Phượng cũng chết nốt. Chu Bình rút súng tự sát. Trong không khí chết chóc của gia đình Chu Phác Viên chỉ có một người duy nhất còn sức sống là Lỗ Đại Hải đang gắn mình với cuộc đấu tranh của công nhân m?.
      Câu chuyện ba mươi năm của một gia đình được trình bày trong bốn màn kịch diễn biến khoảng một ngày đêm. Kết cấu chặt chẽ, tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, vở kịch được công chúng rất hoan nghênh. Câu chuyện kịch xảy ra vào khoảng trước sau Ngũ tạp vận động (1925). Trong thời kỳ này, giai cấp tư sản mại bản và thế lực phong kiến đã kết hợp chặt chẽ với nhau để bôi bác vai trò lịch sử của chúng, để thỏa hợp, đầu hàng với tư bản ngoại quốc và để bóc lột giai cấp vô sản trong nước. Trong lúc đó, giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày càng lớn mạnh và bắt đầu đấu tranh kịch liệt để giải phóng cho dân tộc. Kịch Lôi vũ cố nhiên chưa phải là một tác phẩm phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp của thời đại. Mục đích của vở kịch phản ánh một khía cạnh trong thực tế xã hội bấy giờ: Tấn bi kịch trong đời sống đầy tội ác của một gia đình đại biểu cho thế lực phong kiến liên kết với thế lực tư sản mại bản.

Lương Duy Thứ

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tủ sách cổ điển: Lôi vũ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO