
Tây Môn Khánh vốn là chủ một hiệu thuốc. Hắn có một vợ chính và ba người thiếp, ngày đêm chơi bời phóng đãng, lại kết nghĩa với 10 đứa du côn làm bạn ăn chơi. Thấy Phan Kim Liên có nhan sắc, hắn liền lập mưu giết chết chồng nàng là Võ Đại rồi cưới nàng làm thiếp. Hắn lại cướp vợ bạn kết nghĩa là Lý Bình Nhi rồi gian dâm với người hầu gái của Phan Kim Liên là Bàng Xuân Mai (tên truyện Kim Bình Mai là ghép tên ba người con gái Kim Liên, Bình Nhi và Xuân Mai). Nhờ mánh khóe bóc lột nhân dân, thông đồng với quan lại, Tây Môn Khánh trở thành cường hào có thần thế. Tiến thêm một bước, hắn nhận Thái Kinh, một viên trọng thần trong triều làm cha nuôi, nên được bổ làm Đề hình thiên hộ, một chức quan coi việc xử án trong huyện. Hắn tha hồ đổi trắng thay đen để bóc lột dân lành. Có tiền, có thế, hắn lại càng ăn chơi phóng đãng, hoang dâm vô độ, cuối cùng chết trong tay Phan Kim Liên. Cuộc sống trong gia đình hắn cũng hết sức đen tối. Kim Kiên, Xuân Mai... đều là loại đàn bà hư hỏng, trác táng, cuối cùng chết đau khổ. Đến lúc quân Kim tràn vào, vợ cả Tây Môn Khánh là Nguyệt Nương dắt đứa con trai độc nhất của họ Tây Môn là Hiếu Ca chạy loạn, dọc đường gặp một hòa thượng cho biết Hiếu Ca chính là kiếp sau của Tây Môn Khánh, phải xuất gia đầu Phật mới khỏi nạn. Nàng bèn gửi con nương nhờ cửa Phật, sau trở thành Pháp sư Minh Ngộ.
Kim Bình Mai phơi bày một cách cụ thể, chi tiết cuộc sống xa hoa đồi trụy, những mánh khóe luồn lọt, xu nịnh cấp trên để chèn ép, bức hại dân lành của bọn cường hào ác bá trong xã hội cũ. Đó là một tác phẩm tả chân hiếm có trong lịch sử văn học cổ điển Trung Quốc. Tác giả dồn sức vào việc miêu tả tỉ mỉ các chi tiết trong đời sống hàng ngày. Nếu trong những tiểu thuyết bắt nguồn từ chuyện kể như Tam Quốc, Thủy hử, Tây du ký... khuynh hướng của người kể chuyện là “nói gọn lại”, thì ở đây, bức tranh cuộc sống lại được trải rộng ra. Đó là một cống hiến của Kim Bình Mai có ảnh hưởng đến các bộ tiểu thuyết ra đời sau nó như Hồng lâu mộng. Tuy vậy, Kim Bình Mai cũng có một số nhược điểm như: Tác giả đã quá thiên về mô tả những hành vi dâm ô, đồi bại mà không hề bày tỏ thái độ. Tác giả cũng rất ít tỏ lòng đồng tình với những người bị chà đạp, bức hại, nhất là phụ nữ; Họ chỉ là đối tượng để đùa giỡn.
Lương Duy Thứ