
Giả Bảo Ngọc là cậu ấm hai, niềm hy vọng của gia đình họ Giả, một gia đình quý tộc đời đời tập tước công. Cái gia đình đồ sộ này, tính cả kẻ hầu người hạ là 448 người, sống trong hai dinh cơ lớn chiếm quá nửa thành phố Kim Lăng. Dinh cơ người anh Giả Đại Hóa (đã chết) là Ninh quốc phủ. Chủ trì gia đình này là Giả Trân (vợ họ Vưu) và con là Giả Dung (vợ họ Tần). Dinh cơ người em Giả Đại Thiện (đã chết) là Vinh quốc phủ. Vợ Thiện là Giả mẫu (họ Sử) trở thành người cầm cân nảy mực của gia đình. Giả mẫu có ba người con, con trưởng là Giả Xá (vợ là Hình phu nhân), con trai Xá là Giả Liễn (vợ là Vương Hy Phượng). Em Xá là Giả Chính (vợ là Vương phu nhân); Chính có 3 người con, một chết sớm, còn lại Nguyên Xuân (sau làm cung phi) và Giả Bảo Ngọc. Xá và Chính còn có người em gái lấy chồng xa là mẹ Lâm Đại Ngọc. Bố mẹ mất sớm, Lâm Đại Ngọc được Giả mẫu đem về nuôi. Trong Vinh quốc phủ còn có một gia đình ở nhờ: gia đình Tiết Bảo Thoa. Mẹ Bảo Thoa là em ruột mẹ Bảo Ngọc, vì có đứa con trai là Tiết Bàn phạm tội giết người đang bị truy nã nên đến đây trốn tránh.
Tác giả chủ yếu mô tả cuộc sống bên Vinh quốc phủ trong đó tập trung vào Đại quan viên, chốn lầu son xây dựng để đón Nguyên phi về thăm nhà và sau đó dành cho bọn con gái ở. Đó là nơi lui tới của 12 cô tiểu thư xinh đẹp, cho nên Hồng lâu mộng còn có tên là Thập nhị kim thoa (Mười hai chiếc trâm vàng). Giả Bảo Ngọc là cậu con trai duy nhất được lui tới Đại quan viên. Trong đám con gái ấy, anh tìm được một người ý hợp tâm đầu, đó là Lâm Đại Ngọc. Nhưng những kẻ rường cột của gia đình họ Giả lại không muốn anh kết hôn với cô Lâm. Mặc dù rất yêu mến người cháu ngoại côi cút, xinh đẹp và hay thơ này, nhưng họ phát hiện ra ở cô những tư tưởng phản nghịch có thể làm tan nát cơ đồ họ Giả như ghét công danh phú quý, không bao giờ khuyên Bảo Ngọc học hành, thi cử, làm quan. Họ muốn Bảo Ngọc lấy Bảo Thoa, một người thiết thực, đảm đang, luôn luôn cổ vũ Bảo Ngọc học hành, đỗ đạt. Đó là hình bóng của Phượng Thư và Giả mẫu trong tương lai. Đứng trước tình yêu của hai người con gái xinh đẹp, lúc đầu Bảo Ngọc còn lưỡng lự, “hễ gặp cô chị thì quên khuấy cô em”. Nhưng dần dần khi thấy Bảo Thoa chỉ mong ngóng mình “lập thân dương danh” thì Bảo Ngọc xa lánh, trái tim anh chỉ còn dành chỗ cho “em Lâm” mà thôi. Gia đình họ Giả nhanh chóng phát hiện ra điều đó và coi là một tai họa. Họ liền chấp nhận kế tráo hôn của Phượng Thư. Khi Bảo Ngọc lật tấm vải điều che mặt cô dâu thì thấy đó là Bảo Thoa chứ không phải “em Lâm” như chàng lầm tưởng. Theo dự kiến của Tào Tuyến Cần thì Bảo Ngọc thất vọng bỏ nhà đi tu. Nhưng Cao Ngạc lại để anh sống với người vợ không yêu một thời gian, sinh được đứa con trai nối dõi, lại chăm chỉ học hành thi đỗ cử nhân rồi mới xuất gia. Còn Lâm Đại Ngọc thì uất ức ho ra máu mà chết, ngay khi tiếng pháo đám cưới vẳng đến tai nàng.
Hồng lâu mộng là bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn. Cái vẻ ngoài tôn nghiêm nề nếp không che đậy được thực chất mọt ruỗng của Giả phủ. Cuộc sống xa hoa, dâm ô cố hữu của giai cấp bóc lột và những mối quan hệ tàn nhẫn giữa họ với nhau đã đưa Giả phủ vào con đường tàn tạ không cứu vãn được. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc đời Thanh. Cái cảm giác “cây đổ vượn tan”, “chim mỏi về rừng”, đã chi phối ngòi bút Tào Tuyết Cần và chứng tỏ ông là nhà văn hiện thực vĩ đại báo hiệu buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến.
Với nhãn quan của một người dân chủ, nhà văn còn nhìn thấy sự xuất hiện những con người mới mang tư tưởng phản truyền thống. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc chính là những đứa con “bất hiếu” của gia đình mình, tuy họ chỉ mới phản nghịch trên lĩnh vực lễ giáo và chế độ hôn nhân mà chưa động chạm gì đến những vấn đề cơ bản của phương thức sản xuất phong kiến. Họ chống quan niệm trọng nam khinh nữ truyền thống, chán ghét khoa cử công danh, theo đuổi một cuộc sống tự do, chống lại những khuôn phép ràng buộc. Họ yêu nhau vì phản nghịch và càng phản nghịch họ càng yêu nhau. Đó chính là hồi âm của cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ sơ khai và hệ tư tưởng phong kiến.
Về nghệ thuật, Hồng lâu mộng là một tác phẩm “hiện thực không tô vẽ” (Lỗ Tấn). Bỏ xa khuynh hướng kể chuyện thuần túy của Tam quốc, Thủy hử, chú trọng phân tích tâm lý, miêu tả ngoại hình trong việc xây dựng nhân vật, Hồng lâu mộng đánh dấu bước phát triển mới trong sự hình thành của phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa ở Trung Quốc.
Lương Duy Thứ