Tủ sách cổ điển: Gulliver du ký

29/06/2007 00:00

Bác sỹ, thủy thủ Gulliver gặp bão, dạt vào xứ sở tí hon, đến đất nước khổng lồ, lang thang trên đảo bác học, chia sẻ cuộc sống với những người - ngựa... Mỗi trang viết trong Gulliver du ký của nhà văn Ireland Jonathan Swift đều đầy ắp sự kiện và yếu tố bất ngờ. Gulliver du ký đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng, được giới thiệu bằng sách, phim, đồ chơi...

      Gulliver du ký kể lại cuộc phiêu lưu của Gulliver, nguyên làm nghề giải phẫu, vì ham thích du lịch nên xin xuống làm việc tại một tàu buôn. Chàng gặp bão, đắm tàu, một mình thoát chết và bơi được vào bờ biển nước Lilliput, xứ sở của giống người tí hon. Gulliver bị bắt, giải vào nội địa, dần dần nhờ tính tình hiền hậu nên chinh phục được thiện cảm của vua và được ưu đãi. Trong nước Lilliput lúc đó đang xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa hai phái “Gót giày cao” và “Gót giày thấp” vì họ đi giày cao thấp khác nhau. Nhà vua ngả về phía “Gót giày thấp”, nhưng thái tử hình như lại có khuynh hướng thiên về phía “Gót giày cao”. Trong khi nội bộ đang có xâu xé thì lại xảy ra chiến tranh giữa Lilliput với Blefuscu, nguyên nhân chỉ vì cuộc tranh cãi giữa hai phái ăn trứng đập đầu to hay ăn trứng đập đầu nhỏ. Phái Đập- trứng- đầu- to bị trục xuất đã trốn sang Blefuscu và Blefuscu đang chuẩn bị kéo quân đánh Lilliput. Gulliver giúp nhà vua chiếm được toàn bộ hạm đội của địch. Blefuscu phải cho xứ giả sang cầu hòa. Nhưng chiến công của Gulliver làm lu mờ địa vị của nhiều quan chức tai to mặt lớn trong triều đình Lilliput nên có lắm kẻ ghen ghét. Nhân một dịp Gulliver phóng tiểu tiện để dập tắt đám cháy đang đe dọa thiêu hủy hoàn toàn cung điện, chàng bị kết án trọng tội, phải trốn sang Blefuscu. Cuối cùng có một chiếc xà lúp dạt vào bãi biển, Gulliver rời Blefuscu, gặp một chiếc tàu Anh và trở về quê hương.
      Gulliver ở nhà với vợ con chỉ được hai tháng rồi lại rời quê hương trên một chiếc tàu buôn. Chàng lạc vào xứ sở của những người khổng lồ, ai cũng cao lớn như gác chuông nhà thờ. Ở đây từ cầm thú đến cây cỏ, tất cả đều có kích thước đồ sộ vượt xa trí tưởng tượng của Gulliver. Một người thợ gặt bắt được chàng đang nấp dưới gốc khóm lúa, tưởng là con vật kỳ lạ liền đem nộp chủ trại. Chủ trại đem chàng ra chợ làm trò mua vui cho thiên hạ để kiếm tiền rồi đưa chàng lên Kinh đô tiếp tục ra mắt công chúng. Hoàng hậu vô cùng vui thích liền mua Gulliver của chủ trại với giá rất cao. Hoàng hậu sai thợ đóng một “cái hộp” với đầy đủ tiện nghi để làm phòng ở cho Gulliver. Chàng nhiều lần được hầu chuyện đức vua về đủ các vấn đề chính trị, luật pháp, về nước Anh, về châu Âu, về Brobdingnag. Chàng cũng có lắm dịp được cho đi tham quan Kinh đô và cả những vùng xung quanh. Cuối cùng, nhân một chuyến theo Vua và Hoàng hậu đi chơi vùng bờ biển, Gulliver bị một con chim ưng quắp cả “hộp” mang đi. Chim ưng thả hộp rơi giữa biển. May mắn có một chiếc tàu buôn đi qua cứu được Gulliver đưa về nước Anh.
      Gulliver lại phiêu lưu đến Laputa, nơi có các nhà sử học, các nhà triết học, các nhà bác học chẳng khác gì những kẻ khờ dại, mất trí. Có người 8 năm trời ròng rã tìm cách tạo ra tia sáng mặt trời từ những quả bí; Có người muốn dùng nước đá để điều chế thuốc súng... Tất cả đều chìm đắm trong suy tư nên xử sự như những kẻ ngu ngốc trong đời sống thực tế. Gulliver rời Laputa sang đảo Glubbdubdrib, nơi trú ngụ của các thầy bói và các pháp sư chiêu hồn. Chàng gọi hồn nhiều danh nhân thời cổ đại, qua đó biết được nhân loại đã bị lừa gạt bởi các nhà văn dối trá và hư hỏng: Họ gán các chiến công hiển hách cho những kẻ hèn nhát, gán cho thằng ngốc các quyết định khôn ngoan; Họ biến những kẻ gian giảo thành những người trung trực, những kẻ phản bội thành những người lương thiện... 
      Trong Gulliver du ký, Jonathan Swift phát huy đến mức cao nhất tính chất châm biếm hài hước giàu sức chiến đấu và những yếu tố kỳ dị, huyễn hoặc, sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú. Dưới ngòi bút của Swift, cái huyễn hoặc và cái hiện thực có mối liên quan chặt chẽ với nhau; Thế giới kỳ ảo trong chuyện luôn luôn kéo ta về với hoàn cảnh xã hội nước Anh trong thời đại của tác giả. Nhà văn phê phán xã hội đó qua hình ảnh triều đình Lilliput đầy rẫy những cái xấu xa, ích kỷ, nhỏ nhen, ti tiện như tầm vóc của họ cao không quá gang tay. Trong phần thứ hai, tính chất phê phán xã hội không mất đi mà chuyển từ hình thức gián tiếp sang hình thức trực tiếp. Đối chiếu với những con người khổng lồ cả về hình thức lẫn tâm hồn, dù muốn hay không, con người thực và cuộc sống thực càng lộ rõ những khía cạnh tầm thường nhỏ bé. Có khi sự phê phán chĩa vào những thứ khoa học giả hiệu trái với lý trí. Swift muốn ám chỉ không ít những biểu hiện của thứ khoa học không chân chính ấy ở nước Anh trong thời đại bấy giờ dưới sự chi phối của các thế lực quý tộc và tư sản. Nhà văn băn khoăn tìm lối thoát cho xã hội Anh bằng lý tưởng một nền quân chủ sáng suốt hoặc lý tưởng một nền cộng hòa cổ đại. Nhưng bao nhiêu lý tưởng ấy đều dần dần tan vỡ và thay thế vào đó là tư tưởng bi quan sâu sắc. Tư tưởng bi quan ấy bắt nguồn từ tình trạng suy đồi của xã hội quý tộc tư sản Anh. Ông hoàn toàn mất lòng tin vào xã hội ấy.

Phùng Văn Tửu

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tủ sách cổ điển: Gulliver du ký
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO