Tủ sách cổ điển: Êdip làm vua

15/12/2006 00:00

Êdip làm vua là bằng chứng sinh động nhất, chói lọi nhất về bước tiến vượt bậc, kỳ diệu của sân khấu bi kịch Hy Lạp cổ đại. Không vở bi kịch cổ đại nào lại đạt được sự thống nhất giữa nội dung tư tưởng sâu sắc với hình thức nghệ thuật hoàn thiện như Êdip làm vua. Không vở bi kịch cổ đại nào lại đặt vấn đề Số mệnh và Con người sâu sắc, gây chấn động dữ dội trong lòng người như Êdip làm vua.

       Êdip, vua thành Teb, đau xót trước nạn dịch đang gây ra tai họa thảm thương đối với đời sống nhân dân, đã cử Crêông tới đền Đenphơ để xin một lời chỉ dẫn. Thần Apônlông phán truyền: phải trừng trị kẻ đã giết vua Laiôx hiện đang sống trong đô thành. Với trách nhiệm của một nhà cầm quyền lo lắng, quan tâm đến số phận của nhân dân, Êdip quyết tâm tìm ra thủ phạm để cứu đô thị thoát khỏi diệt vong. Nhưng trớ trêu thay, mỗi bước Êdip lần tìm sự thật là mỗi bước Êdip bị đặt trước một thử thách...
      Vua Laiôx và hoàng hậu Dôcaxt xưa kia bị đe dọa bởi một lời phán truyền khủng khiếp của thần Apônlông, đứa con do họ sinh ra lớn lên sẽ phạm tội giết bố lấy mẹ, nên đã sai một tên nô lệ đem đứa bé giết đi. Nhưng người nô lệ không dám làm việc đó. Anh ta trao đứa bé cho người chăn cừu của nhà vua Pôlip ở thành bang Côranh. Và đứa bé đó, Êdip, lớn lên không hề mảy may biết gì về gốc tích của mình. Nhưng một hôm Êdip bị xúc phạm, một gã say rượu bảo Êdip thật ra chỉ là con nuôi của nhà vua Pôlip. Bứt rứt vì nỗi hồ nghi trong lòng, Êdip đến đền thờ Đenphơ để cầu xin thần Apônlông giải đáp. Nhưng thần Apônlông không những không đáp ứng cầu mong của Êdip mà con phán truyền cho Êdip biết một điều hết sức khủng khiếp: Êdip sẽ phạm tội giết bố để lấy mẹ!
      Sợ hãi vì lời sấm truyền, Êdip bỏ nhà ra đi để tránh khỏi phạm tội. Dọc đường, chàng gặp một chiếc xe ngựa. Do thái độ hống hách của những người trên xe nên đã xảy ra xung đột. Trong cơn tức giận Êdip giết gần hết số người ngồi trên xe, trong đó có một cụ già. Đó chính là Laiôx.
      Êdip đến thành Teb. Đô thành này đang bị một con quái vật tên là Xphanh gây tai họa. Xphanh đặt ra một câu đố bí hiểm “... Con gì trong thế gian này sáng đi bốn chân, trưa đi hai chân, chiều đi ba chân?” Dân thành Teb không giải đáp được, vì thế mỗi ngày quái vật Xphanh bắt một người ăn thịt. Êdip giải đáp câu đó: đó là Con người. Quái vật đâm đầu xuống vực thẳm chết. Nhân dân thành Teb suy tôn Êdip lên làm vua và vị vua này lấy hoàng hậu Dôcaxt làm vợ... 
      Êdip đã khám phá ra sự thật. Chàng là nguyên nhân gây nên bệnh dịch khủng khiếp tàn phá đô thành. Người anh hùng có công diệt trừ quái vật xưa kia giờ đây trở thành kẻ phạm tội, kẻ gây ra tai họa. Nhưng lợi ích của nhân dân, số phận của thành bang là cao hơn hết. Trung thành với lý tưởng đó, Êdip tự trừng phạt mình, chọc mù mắt và rời bỏ ngai vàng, đi khỏi thành Teb. Êdip làm vua là như thế.
      Vở kịch của Xôphốc miêu tả quá trình Êdip đi tìm sự thật, khám phá sự thật. Những biến cố và chiến công trong cuộc đời Êdip trước khi làm vua chỉ được kể lại trong quá trình diễn biến của hành động kịch. Xung đột bi kịch, không như ở Prômêtê bị xiềng hay Ăngtigôn, diễn ra giữa sự đối lập, đối kháng của những tính cách. Xung đột trong Êdip làm vua diễn ra giữa một bên là tính cách của Êdip nhưng còn một bên là Số mệnh, thần thánh. Số mệnh ở đây được thể hiện thành những chướng ngại cản trở Êdip đe dọa Êdip trên con đường đi tìm sự thật. Có thể nói đó là 4 đòn đánh kế tiếp, đòn sau ác hiểm hơn đòn trước.
      Số mệnh đã tiên định tai họa cho cuộc đời của Êdip mặc dù Êdip đã cố tránh tai họa đó. Cả Laiôx và Dôcaxt đã cố tránh tai họa đó. Nhưng kết cục, không một ai tránh khỏi bàn tay của Số mệnh. Lời tiên đoán của thần thánh, của nhà tiên tri, lời sấm truyền vẫn đúng! Nếu nhìn bề ngoài thì dường như vở bi kịch của Xôphốc nhằm chứng minh cho sức mạnh tuyệt đối, không gì chiến thắng nổi của Số mệnh. Con người chỉ là trò chơi, là con rối trong cái sân khấu mênh mông của cuộc đời mà Số mệnh là người điều khiển. Nhưng ý nghĩa sâu xa của vở bi kịch không nằm ở bề ngoài và không thể tiếp nhận được bằng một thế tư duy hời hợt.
      Bằng cuộc đấu tranh cho sự thật, đi tìm sự thật, Êdip đã khẳng định sức mạnh tinh thần bất khuất, ý chí tự do và hành động tự do của con người. Êdip đã chỉ ra nỗi bất hạnh do Số mệnh – Thần thánh gây ra, có nghĩa là do sự ngu dốt gây ra, là vô lý, là không thể chấp nhận được, là cần phải xóa bỏ. Chừng nào mà mỗi thành viên trong xã hội chưa chiến thắng được cái sức mạnh ma quỷ ấy trong bản thân mình thì chừng ấy Số mệnh vẫn là Số mệnh. Chừng nào mà cái sức mạnh ma quỷ ấy còn là một sức mạnh xã hội, còn chưa bị xã hội hành động, khám phá dũng cảm như Êdip, còn chưa bị xã hội tiến công xóa bỏ thì chừng ấy dù chúng ta có biết chắc chắn rằng, đó là sự ngu dốt, thì nó vẫn cứ là Số mệnh. Ý nghĩa thời sự nóng bỏng của Êdip làm vua đối với chúng ta là như thế.
      Cũng bằng cuộc đấu tranh đi tìm sự thật, Êdip đã khẳng định mình là một người anh hùng chân chính của nhân dân. Quyền lực có trong tay nhưng Êdip không dùng quyền lực để che giấu sự thật, che giấu lỗi lầm, duy trì ngôi báu. Gắn bó với số phận của nhân dân, đau nỗi đau của nhân dân, quyết tâm đi tìm sự thật vì lợi ích của nhân dân và tự trừng phạt mình rồi tự nguyện rời bỏ ngai vàng cũng vì lợi ích của nhân dân. Một vị vua lý tưởng cần phải thế – như Êdip. Chúng ta không còn vua nhưng chúng ta hãy làm người, làm người cách mạng như Êdip.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tủ sách cổ điển: Êdip làm vua
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO