Tủ sách cổ điển: Đồi gió hú
Đồi gió hú của nữ nhà văn Anh Emily Bronte là câu chuyện tình bi thảm giữa một cô gái con chủ nhà và người anh nuôi. Cuốn tiểu thuyết duy nhất của Elmily được xuất bản vào 1847, ngày nay được phần đông giới phê bình văn học đánh giá là lớn nhất trong các tác phẩm của ba chị em Bronte.
|
Ông Heathcliff, chủ nhân lâu đài Thrushcross Grange dưới chân Đồi gió hú, xưa kia là một đứa trẻ cầu bơ cầu bất, được ông chủ Eearnshaw đưa về nuôi. Ông yêu thương đứa bé lạ thường và gọi nó bằng tên của cậu con trai ông đã chết từ nhỏ. Nhưng ngay từ những ngày đầu, Heathcliff đã là nguyên nhân của mối bất hòa trong gia đình. Nhất là cậu Hindley vì không chịu nổi kẻ "thoán vị và cướp mất tình thương yêu và quyền lợi của cha dành cho mình", nên đã luôn luôn tìm cách nhục mạ Heathcliff. Duy chỉ có bé Catherine là thương yêu người anh nuôi. Sau khi ông Eearnshaw qua đời, vợ chồng Hindley gần như bỏ rơi hai đứa em, mặc chúng sống như cỏ dại. Và mối thù hận người anh cứ sâu đậm dần trong lòng Heathcliff. Khi đến tuổi lớn khôn, Catherine yêu Heathcliff tha thiết nhưng lại nhận lời cầu hôn của Linton, con trai nhà Itga ở lâu đài Thrushcross, chỉ vì Heathcliff bị mọi người coi là kẻ thấp hèn và cô sợ lấy chàng thì cũng bị hạ phẩm giá. Còn Heathcliff sau khi biết tin này liền bỏ nhà đi mất tích.
Mấy năm sau, Heathcliff bỗng trở về Đồi gió hú tìm cố nhân và để thanh toán món nợ cũ với Hindley. Hindley từ khi vợ chết thì trở nên nát rượu, quyền hành trong gia đình dần dần rơi vào tay Heathcliff. Heathcliff vừa quan hệ vụng trộm với Catherine vừa tìm cách quyến rũ luôn Isabella, em chồng Catherine để rồi bỏ rơi cô gái ngay trong những ngày đầu tiên của tuần trăng mật, khiến nàng phải bỏ đi biệt xứ. 6 tháng sau, nàng sinh con trai, lấy họ ngoại là Linton Isabella. Về phần Catherine, những giày vò về tinh thần, giằng xé về tình cảm làm cho sức khỏe của nàng ngày càng suy sụp. Nàng chết ngay khi sinh con gái đầu lòng. Cái chết của Catherine cũng giết luôn phần tốt đẹp còn lại trong tâm hồn Heathcliff. Y bắt đầu tiến hành hàng loạt những thủ đoạn xảo quyệt nhằm chiếm đoạt gia sản của Hareton, con trai Haily, thậm chí còn nung nấu ý đồ thoán đoạt cả gia sản của nhà chồng Catherine. Khi con trai của Isabella và con gái của Catherine đến tuổi trưởng thành, Heathcliff đã xếp đặt cho hai người yêu nhau rồi lập mưu cho chúng lấy nhau với hy vọng rằng chàng Linton Isabella ốm yếu sẽ chết sớm, toàn bộ sản nghiệp của họ Itga sẽ rơi vào tay mình. Kết cục quả đúng như mưu đồ của y. Nhưng rồi chính Heathcliff lại gục ngã vì tinh thần suy kiệt. Cái chết của y đã giải thoát cho Hareton và con gái Catherine.
Đồi gió hú đã cho người đọc chứng kiến một thực tế cực kỳ tàn khốc diễn ra trong hai dòng họ giàu sang mà ở đó tất cả các nhân vật già, trẻ, trai, gái... đều không có hạnh phúc. Đến nỗi cô tiểu thư Catherine chỉ còn thấy bốn bức tường của lâu đài là "một nhà tù đổ nát" và khắp trái đất này toàn những "hồn ma bóng quỷ". Còn Heathcliff đã phải hét lên khi bị mất người yêu: "Đừng bỏ anh một mình ở cái vực thẳm này!". Sự tuyệt vọng, mối hận thù đã biến nhân vật chính của Đồi gió hú thành con người tàn bạo, man rợ, mất hết lương tri, bản ngã, khiến người đọc không thể không đi đến kết luận là xã hội trong tiểu thuyết đang cố tình biến con người thành con thú. Mặc dù tư tưởng Thiên chúa giáo và lòng tin ở Chúa bộc lộ khá rõ, song tiếng nói phủ nhận thực tại và ước mơ về một thế giới mới vẫn in đậm trong tác phẩm và làm nên giá trị của nó. Diễn tiến của cuốn tiểu thuyết với sự thăng trầm trong dinh cơ của một tiểu quý tộc Anh khiến người ta còn liên tưởng tới những sự kiện lịch sử có thực của xã hội tư sản, quý tộc nước Anh nửa đầu thế kỷ XIX.
Viết Đồi gió hú, E.Bronte đã vận dụng chất liệu hiện thực cộng với các môtíp tưởng tượng và phóng đại trong việc miêu tả sự kiện, tình tiết cũng như trong quá trình thể hiện tâm lý nhân vật, khiến câu chuyện vừa giữ nguyên cái vẻ dữ dội của hiện thực khốc liệt, vừa mang vẻ ly kỳ hấp dẫn đối với người đọc.
Đặng Thị Hảo