TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Chiến tranh và Hòa bình

15/06/2007 00:00

Đại tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình là một thiên anh hùng ca, giống như Odyssey của Homer, với tính bách khoa, đề cập tới các điều kiện thiết yếu của đời sống. Qua tác phẩm, Lev Tolstoy đã cố gắng kêu gọi sự đoàn kết dân tộc Nga, nhận ra những gì được coi là cá tính, bản chất của dân tộc.

      Lớn lên trong một gia đình quý tộc trại ấp, con trai của Công tước Bôncônxki, một Đại tướng Tổng tư lệnh về hưu, Anđrây là một thanh niên có tâm hồn trong sáng, trí tuệ phong phú, có tinh thần yêu nước, trọng danh dự, mang nhiều khát vọng và ước mơ cao đẹp. Chàng ra trận tham dự cuộc chiến tranh 1805, giữa liên minh Nga – Aáo chống lại quân xâm lược Napoleon diễn ra trên đất Aáo, mang theo “giấc mộng Tulon” – mộng trở thành Napoleon và muốn tìm một thế giới lý tưởng lành mạnh trong sáng hơn xã hội quý tộc Kinh đô. Là sỹ quan phụ tá cho Nguyên soái Tổng tư lệnh quân đội Nga Cutudôp, chàng hăng hái tham gia các chiến dịch Sômgraben và Aoxteclich. Chiến tranh thất bại, ước mộng vỡ tan tành. Từ chiến trường Aoxteclich, bị thương nặng và nhìn rõ những mặt xấu xa trong hàng ngũ sỹ quan, chàng thất vọng, trở về trại ấp đúng lúc vợ chàng- nữ Công tước Lida- sinh được đứa con trai rồi chết. Càng chán đời, Anđrây càng hối hận và càng ốm đau, nhưng chàng vẫn chủ trương cải cách, giảm nhẹ ách áp bức cho nông dân trong trại ấp mình. Tình cờ gặp Natasa, một thiếu nữ duyên dáng, hấp dẫn và yêu đời, Anđrây như được tiếp thêm sức, mến yêu nàng và say mê cuộc sống mới. Tin tưởng vào nghị lực dồi dào của mình, chàng trở lại hoạt động chính trị mong có thể góp phần xây dựng quân đội. Song việc không thành, bởi hàng ngũ quan lại Nga hoàng chỉ là lớp người ích kỷ, tham quyền, cố vị, không màng đến sự nghiệp chung. Sau khi đính hôn với Natasa, chàng ra nước ngoài chữa bệnh; nào ngờ Natasa bị Anatôn quyến rũ. 
      Anđrây trở về vào đúng lúc quân đội Pháp do Napoleon cầm đầu tiến công xâm lược nước Nga. Chàng lại ra trận tham dự cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại 1812. Trên chiến trường Bôrôđinô, chàng gặp lại Pie - vốn là bạn tâm tình của Anđrây, bị rơi vào cạm bẫy của thế giới quý tộc Kinh đô. Cuộc chiến tranh ái quốc bùng nổ đã giải quyết cơn khủng hoảng cho Pie và giúp chàng thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Giữa chiến trường, trong khi Anđrây nhận ra sức mạnh chiến thắng là ở tinh thần quân đội, thì Pie cũng tận mắt thấy hành động dũng cảm của quân đội và dân binh Nga, và hòa mình vào dòng thác mãnh liệt của nhân dân anh hùng. Lòng căm thù bốc cao, chàng xung phong vác đạn giữa trận tiền ngổn ngang xác giặc trong khói lửa mịt mù. Nơi đây Pie bắt đầu cảm thấy mến yêu và gần gũi những chiến sỹ kiên cường và những người nông dân mặc áo lính giản dị hồn nhiên, chân thật. Chàng thấy rõ “nhân dân thật là kỳ diệu, vô song”! Từ chiến trường trở về chàng mơ thấy phải “làm lính, làm lính và làm lính”. Chàng Bá tước trẻ tuổi giàu có này sau khi đã hiến một ngàn dân binh với mọi thứ hậu cần để góp phần chiến thắng, đã tự động ở lại Moscow để tìm cách giết chết Napoleon. Nào ngờ chàng bị bắt làm tù binh. Những ngày sống ở trại tù, chính là chặng đường dằn vặt, lột xác tìm về chân lý nhân dân. Năm 20 chàng trở thành hội viên của một hội bí mật- tiền thân của phái cách mạng tháng Chạp. Chàng là một chiến sỹ cách mạng tháng Chạp trong tương lai, lớp người sẽ nổi lên tìm cách lật đổ chế độ quân chủ bạo tàn. 
      Nếu như Pie từ chiến trường Bôrôđinô được trở về tiếp tục chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của mình thì Anđrây, người Trung đoàn trưởng dũng cảm bị trọng thương ở trận địa và ít lâu sau đã hy sinh ở hậu phương, trong vòng tay săn sóc tận tình của Natasa. Anđrây Bôncônxki cũng như Pie Bêdukhôp đã trở thành những người anh hùng chân chính của nhân dân Nga. Họ đại diện cho tầng lớp thanh niên quý tộc tiến bộ đi tìm lý tưởng về với nhân dân và họ chỉ có thể tìm được lý tưởng chân chính khi thực sự cùng chung một chiến hào với nhân dân chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và dân tộc Nga.
      Chiến tranh và Hòa bình được đánh giá là bộ sử thi vĩ đại nhất của Tolstoy, trước hết ở chỗ nó đã làm sống lại một thời đại lịch sử, khi mà toàn thể nhân dân và dân tộc gặp nhau trên chiến trường. Nhân dân là người anh hùng chân chính của bộ sử thi này. Trong số 559 nhân vật đã có 200 nhân vật xuất thân từ nhân dân. Người con vĩ đại nhất của dân tộc và nhân dân trong cuộc chiến tranh thần thánh này là Cutudôp. Nằm trong tuyến chính của cốt truyện, vị Nguyên soái Tổng tư lệnh quân đội được coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm, cùng với hai nhân vật trung tâm Pie và Anđrây. Hoàn toàn tương phản với Napoleon, Cutudôp vừa là Tổng tư lệnh tối cao vừa là một con người hết sức giản dị và bình thường, hiện thân của trí thông minh và lòng dũng cảm tuyệt vời của dân tộc Nga.
      Với Chiến tranh và Hòa bình, nhà văn nhằm miêu tả chủ yếu nhân dân Nga trong cuộc chiến tranh yêu nước chống xâm lăng, làm nổi bật tính chất nhân dân anh hùng quyết định vận mệnh lịch sử của đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Cốt truyện được xây dựng trên hai cuộc chiến tranh 1805 và 1812, đồng thời phản ánh cuộc sống hòa bình của nhân dân và của giai cấp quý tộc Nga từ 1805- 1812 và từ 1812- 1820. Các tình tiết và các tuyến cốt truyện được kết cấu tập trung xung quanh hai biến cố lịch sử chủ yếu: chủ đề nhân dân gắn bó khăng khít với chủ đề lịch sử; Đề tài chiến tranh được phát triển quán xuyến toàn bộ tác phẩm đan chéo với đề tài hòa bình. Bởi thế, truyện kể lịch sử cùng với chủ nghĩa anh hùng nhân dân là hai mặt cơ sở thống nhất tạo thành kết cấu hoàn chỉnh của sử thi, tạo nên mọi tình tiết trong tác phẩm và được hình tượng hóa theo quá trình xây dựng tác phẩm.
      Chiến tranh và Hòa bình cũng là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất trong số những tiểu thuyết của thời đại ấy. Chính nhà văn cũng tự coi đó là “một Iliat thứ hai”. Kết cấu chặt chẽ, cân đối, hoàn chỉnh là ưu điểm nổi bật nhất của tác phẩm. Không chỉ dừng lại ở các chuyện kể, các sự kiện, các biến cố lịch sử, các nhân vật như trong anh hùng ca cổ đại, Tolstoy đã đưa yếu tố tâm lý nhân vật vào sử thi. Gắn liền các biến cố lịch sử trên quy mô lớn với các tâm trạng tinh tế, sinh động ở quy mô nhỏ của từng nhân vật đang sống giữa các trào lưu lịch sử xã hội tạo nên các biến cố; Gắn liền quá khứ, hiện tại và tương lai như “đã có đang có và sẽ có”. Điều đó trở thành một quy luật thẩm mỹ, được nhà văn thể hiện sâu sắc trong Chiến tranh và Hòa bình. Đấy chính là điểm cách tân của Tolstoy đối với thể loại anh hùng ca, giúp ông sáng tạo nên một loại anh hùng ca hiện đại trong lịch sử văn học Nga và văn học thế giới.

Nguyễn Trường Lịch

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Chiến tranh và Hòa bình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO