Từ quốc gia dẫn đầu giáo dục đến tiên phong AI: Estonia đang làm gì?
Quốc gia nhỏ bé nhưng đứng đầu bảng xếp hạng về giáo dục đang đặt mục tiêu trang bị cho học sinh và giáo viên của mình “kỹ năng về trí tuệ nhân tạo đẳng cấp thế giới”.
Theo The Guardian, trong những năm gần đây, Estonia, quốc gia nhỏ bé vùng Baltic - với dân số chỉ khoảng 1,4 triệu người - đã âm thầm trở thành quốc gia có thành tích về giáo dục cao nhất châu Âu.
Kết quả chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chuyên đo lường khả năng toán, đọc và khoa học của học sinh 15 tuổi gần đây nhất cho thấy, vượt qua quốc gia láng giềng Phần Lan, Estonia đã vươn lên đứng đầu châu Âu về toán, khoa học và tư duy sáng tạo. Từng là một phần của Liên Xô cũ, giờ đây, nền giáo dục của Estonia đã vượt trội hơn so với các quốc gia có dân số và sự đầu tư lớn hơn nhiều.

Tận dụng lợi ích từ công nghệ
Có nhiều lý do để lý giải cho sự thành công của Estonia, nhưng việc nước này áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào giáo dục đã tạo nên sự khác biệt.
Trong khi nhiều quốc gia châu Âu và thế giới xem xét cấm hoặc hạn chế sử dụng điện thoại ở trường vì lo ngại ảnh hưởng đến khả năng tập trung và sức khỏe tinh thần của học sinh, thì giáo viên ở Estonia lại tích cực khuyến khích học sinh sử dụng điện thoại – tận dụng công nghệ như một công cụ hỗ trợ việc học tập.

“Hầu hết các quốc gia châu Âu đều hoài nghi và thận trọng khi nói về việc sử dụng thiết bị thông minh, điện thoại di động và công nghệ. Với Estonia, chúng tôi cởi mở hơn đối với các công cụ và dịch vụ kỹ thuật số. Các trường học của chúng tôi không cấm điện thoại di động, ngược lại, đây được coi là một phần không thể thiếu trong chính sách giáo dục kỹ thuật số vô cùng thành công của Estonia. Chúng tôi sử dụng điện thoại di động cho mục đích học tập”, bà Kristina Kallas, Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Estonia cho biết.

“Chúng tôi đưa ra hướng dẫn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ – dưới 12 và 13 tuổi – về cách sử dụng điện thoại di động. Các trường quy định rằng học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ giải lao, và chỉ được sử dụng trong giờ học - khi giáo viên yêu cầu vì có bài tập cần phải làm bằng điện thoại”.
Chiến lược đưa AI vào giáo dục
Hiện nay, Estonia đang triển khai sáng kiến quốc gia mang tên “AI Leap” (Bước nhảy của trí tuệ nhân tạo), sáng kiến được kỳ vọng sẽ trang bị cho học sinh và giáo viên “các công cụ và kỹ năng về trí tuệ nhân tạo đẳng cấp thế giới”. Nước này đang hợp tác với OpenAI để trở thành quốc gia đầu tiên thử nghiệm AI trong trường học. Mục tiêu là cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các công cụ học tập AI hàng đầu cho 58.000 học sinh và 5.000 giáo viên vào năm 2027.
Bắt đầu từ tháng 9 tới, những học sinh từ 16 đến 17 tuổi sẽ được cấp tài khoản trí tuệ nhân tạo (AI) riêng. Trong khi đó, giáo viên sẽ được đào tạo về công nghệ, tập trung vào học tập tự định hướng và đạo đức số, ưu tiên bình đẳng giáo dục và hiểu biết về AI. Chính phủ nhấn mạnh, điều này sẽ biến Estonia thành “một trong những quốc gia sử dụng AI thông minh nhất”.

Thay vì e ngại công nghệ mới, Estonia đã đón nhận nó. Bước vào thời đại kỹ thuật số, từ năm 1997, quốc gia này đã đưa ra sáng kiến mang tên Tiigrihüpe (Bước nhảy của hổ), nhằm nâng cấp nguồn máy tính và khả năng truy cập internet cho các trường học. Bây giờ, điện thoại thông minh và AI được coi là bước đi tiếp theo.

Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Estonia Kristina Kallas nhấn mạnh, một cuộc cách mạng về AI sẽ thay đổi hoàn toàn giáo dục: nó sẽ dẫn đến sự kết thúc của các bài luận bài tập về nhà, tạm biệt mô hình học thuộc lòng đã kéo dài trong hàng trăm năm... Thách thức ở đây là cần phải có sự hướng dẫn, phát triển các kỹ năng nhận thức cao hơn ở những người trẻ tuổi, vì AI có thể làm mọi thứ tốt hơn và nhanh hơn.
“Đây là vấn đề cấp bách”, bà Kristina Kallas khẳng định. “Chúng ta đang phải đối mặt với thách thức phát triển công nghệ này ngay bây giờ. Chúng ta - hoặc là nắm bắt lấy để có tư duy nhanh hơn, ở cấp độ cao hơn - hoặc sẽ bị công nghệ làm chủ. Lựa chọn là ở chúng ta”.