Từ những khu nhà cũ

Hải Đường 23/04/2019 08:41

Bên cạnh sự phát triển của chung cư cao tầng hiện đại, sự tồn tại của những khu tập thể cũ chỉ như một mảng miếng mờ nhạt trong diện mạo Thủ đô. Thế nhưng với nhiều người, khu tập thể cũ không chỉ là “nhân chứng lịch sử”, ghi dấu ấn kiến trúc một thời, mà còn là miền ký ức đẹp đẽ.

Kim Liên một thuở

“Trong cuộc đời, mỗi con người đều gắn bó với một hay nhiều vùng đất, vùng quê mà mình đã sống, cùng biết bao kỷ niệm về những người xung quanh... Một lúc nào đó, có dịp trở lại nơi xưa chốn cũ, ta thường giật mình khi nhìn lại quãng thời gian cách xa, thấy nó trôi sao nhanh thế. Xa lâu đến nỗi ở vùng đất năm xưa đó, người xưa không còn mà cảnh cũ cũng nhiều đổi thay. Khu tập thể Kim Liên là một vùng đất như thế trong tôi”.

Nhà văn Vũ Công Chiến đã sống ở đây từ hơn nửa thế kỷ trước, từ khi khu tập thể mới được xây dựng xong vào mùa hè năm 1962 và bắt đầu đón những cư dân đầu tiên. Chiến tranh chống Mỹ, khoác áo lính, rời xa Kim Liên hơn 6 năm trời, rời quân ngũ, ông lại về nơi này và sống đến tận hôm nay. Chứng kiến nhiều đổi thay của con người và cuộc sống khu Kim Liên qua nửa già thế kỷ, rồi một ngày, sau nhiều đêm trăn trở tự mình ôn kỷ niệm, “Kim Liên một thuở - Ký ức Hà Nội từ những khu nhà cũ” ra đời. Tâm sự của tác giả Vũ Công Chiến, đó là để ôn chút kỷ niệm đọng trong tâm trí, trước là để dành tặng cho cư dân mọi thời kỳ của khu Kim Liên, nếu còn có lúc hoài niệm về quá khứ; sau nữa là thông qua câu chuyện của mình và của khu tập thể Kim Liên để kể chuyện cho mọi người, những ai mong muốn tìm hiểu thêm về một góc Hà Nội, muốn biết được thế hệ trước đã sống như thế nào, và những người quan tâm đến lịch sử dưới góc độ trải nghiệm cá nhân.

Những khu tập thể như Kim Liên là nhân chứng, ghi dấu ấn kiến trúc một thời của Hà Nội
Những khu tập thể như Kim Liên là nhân chứng, ghi dấu ấn kiến trúc một thời của Hà Nội

Với thế hệ 5x, 6x, 7x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, khu tập thể cũ là biểu tượng về văn hóa, lối sống, tình làng nghĩa xóm giữa người với người. Hình ảnh khu tập thể Kim Liên xưa qua mắt nhìn của Vũ Công Chiến hiện ra quyến rũ lạ thường. Ở đó, không có tiếng xe cộ ồn ào, không có khói bụi mà chỉ còn tiếng cười giòn tan của những lũ trẻ chơi bắt rắn dọa nhau hay chơi trận giả, trốn tìm. Nếp sống văn hóa khác nhiều với các gia đình ngoài phố, nhà nào biết nhà đó. Ở khu tập thể này, các gia đình trong cùng cầu thang gặp mặt nhau hằng ngày và biết rõ hoàn cảnh của nhau. Sự giúp đỡ nhiều khi chỉ đơn giản là cùng lên cầu thang, thấy người kia xách nặng thì người này đưa tay xách giúp. Cư dân dùng chung từng cái bếp, cho nhau từng quả chanh rồi chung nhau cả nhà vệ sinh. Thiếu thốn là vậy, nhưng chẳng hề xảy ra cãi cọ hay tranh giành.

60 năm là quãng thời gian tác giả và gia đình gắn bó, sinh sống tại khu tập thể, chứng kiến Kim Liên chuyển mình. Từ một Kim Liên lưa thưa bóng người còn nghèo khó của những năm miền Bắc bắt đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, đến Kim Liên của những năm sơ tán với đầy hầm trú ẩn, Kim Liên của những năm bao cấp với cảnh hàng dài người xếp hàng để mua được ít gạo, chút mắm, chút muối, và theo năm tháng, trở thành khu tập thể đông đúc như ngày nay.

Lần theo nỗi nhớ

Hòa với cuộc sống hiện đại, ai biết rồi có một ngày chẳng thể nhìn thấy hình dáng xưa cũ của Kim Liên nữa. Nhưng như con chim bay xa bao giờ cũng hướng về tổ, những người hàng xóm Kim Liên ngày xưa, nhiều người đã rời xa, chuyển tới sống mọi phương trời, thi thoảng vẫn về thăm lại. Có người nặng lòng với góc nhỏ Hà Nội nhiều lúc vẫn một mình lang thang khắp khu tập thể, ngắm nhìn nét quen còn sót lại của một bờ tường, gốc cây hay đoạn đường…

Những gì quen thuộc mấy chục năm qua gọi ký ức ùa về, bắt đầu từ ngày đầu chuyển về Kim Liên - khu tập thể cao cấp đầu tiên tại Hà Nội. Tác giả Vũ Công Chiến nhớ lại, bấy giờ mới 9 tuổi nhưng vẫn cảm nhận được nét mặt của bố khi khoe với mấy mẹ con: Nhà mình được phân về khu tập thể mới đấy nhé! Thời đó, nhà tập thể rất giá trị, chỉ dành cho số ít cán bộ nhà nước. “Nhà cũ tôi ở Tràng Thi, biết được phân nhà không dám kể với người khác, đến ngày chuyển nhà cứ lặng lẽ khuân vác đồ đạc. Vào nhà mới, bố đi quanh 4 bức tường quét vôi, mở ban công ra, nhìn mẹ đầy hãnh diện, ý như muốn nói với mẹ rằng, anh đi kháng chiến, phục vụ cách mạng, giờ được phân nhà như thế. Đó là cảm giác vừa hãnh diện, vừa tự hào, sung sướng, tràn ngập niềm biết ơn Đảng, ơn Nhà nước”.

Mới đấy mà đã gần sáu chục năm. Khu Kim Liên, từ một vùng đất được coi là ngoại thành giữa thế kỷ trước, bước sang ngày đầu thế kỷ XXI đã trở thành mảnh đất vàng. Chính quyền thành phố Hà Nội nói nhiều về chuyện sửa chữa và xây dựng lại các khu nhà tập thể “có tuổi”. Các khu Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Giảng Võ, Kim Liên, Nam Đồng... được đưa vào dự án. Đúng là đến giờ, chúng cho thấy sự bất tiện bởi điều kiện sinh hoạt chật chội, một số nhà cơi nới trông rất lem nhem. Đem đến diện mạo mới cho khu tập thể cũ là điều chắc chắn phải làm, nhưng làm như thế nào? Đặt câu hỏi ấy, tác giả của “Kim Liên một thuở” đầy suy tư: “Kim Liên và nhiều khu tập thể cũ đã làm nên một phần Hà Nội, giờ thuộc về những chủ nhân mới. Họ cần cuộc sống mới, điều kiện sinh hoạt mới chứ không cần hoài niệm quá khứ và gặm nhấm nó như cha ông. Đó là điều dễ hiểu. Họ dễ dàng tiếp nhận một khu tập thể được cải tạo và xây mới, đẹp và hiện đại. Tất cả đang ở phía trước. Mong sao cho bức tranh tương lai tươi sáng sẽ là hiện thực”. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Từ những khu nhà cũ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO