Tạo cơ chế để các nhà khoa học “được bung ra”, phát triển
- Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một dấu ấn đặc biệt quan trọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín vừa qua của Quốc hội. Xin bà chia sẻ thêm về ý nghĩa của Nghị quyết đối với việc thúc đẩy lĩnh vực đặc biệt quan trọng này?
- Thời gian qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra: Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì đất nước ta còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, ngày 22.12.2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số "là đột phá quan trọng hàng đầu" với những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có.
Để thể chế hóa ngay Nghị quyết đột phá này, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chế chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, như trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo... thì cần phải xác định những vấn đề có thể triển khai sớm, không chờ đến khi Quốc hội thông qua các Luật này hoặc sửa đổi các Luật hiện hành có liên quan. Quốc hội đã đồng hành sát sao với Chính phủ, quyết tâm phải ban hành ngay Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín để phát huy ngay “những luồng gió mới” mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đem lại, tạo động lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng dựa trên một số nguyên tắc gồm: thể chế hóa những vấn đề cấp bách, được nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW; đã chín, đã rõ, có tính khả thi, hạn chế văn bản hướng dẫn để thi hành được ngay; những chính sách chưa thực sự cấp bách, cần nghiên cứu đánh giá thêm, cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì sẽ được xem xét, đưa vào dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các dự thảo luật khác có liên quan sẽ được xem xét, sửa đổi trong năm 2025; vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế của đất nước; có trọng tâm, trọng điểm; là vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ; chưa có luật điều chỉnh hoặc cần quy định khác với pháp luật hiện hành; đúng thẩm quyền của Quốc hội; thời gian thí điểm rõ ràng, cụ thể.
Cách tiếp cận như vậy đã thể hiện sự vào cuộc rất kịp thời và chuyển động mạnh mẽ của Quốc hội nhằm tháo gỡ ngay các vướng mắc về thể chế, tạo động lực cho sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
- Các nội dung tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về quy trình thủ tục trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được dư luận xã hội và giới chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?
- Thực tế vừa qua, các chuyên gia, nhà khoa học... đã phản ánh khá nhiều bất cập trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Những vấn đề này đã được Nghị quyết số 57-NQ/TW chỉ rõ, đồng thời đưa ra những giải pháp để tháo gỡ. Nghị quyết số 57-NQ/TW là kim chỉ nam, là nền tảng vững chắc để giải quyết những rào cản, ách tắc mà trước nay chưa giải quyết được một cách triệt để.
Do vậy, trên cơ sở nội dung Chính phủ trình, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xác định rõ những khó khăn, bất cập trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo đó, Nghị quyết đã tập trung tháo gỡ một số rào cản như: cho phép tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học được thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ; cơ chế cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ; cơ chế khoán chi, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thông qua việc tăng cường kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; cơ chế giao quyền sở hữu, quản lý, sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tài sản được trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì để liên doanh, liên kết, khai thác hiệu quả nhất kết quả của nghiên cứu; một số chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học và phát triển công nghệ.
Đồng thời, Nghị quyết đã tháo gỡ được một số điểm nghẽn trong hoạt động chuyển đổi số quốc gia, như: cho phép ngân sách trung ương đầu tư xây dựng các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung cho các cơ quan, tổ chức với quy mô quốc gia, vùng. Việc này sẽ giúp cho việc hình thành các hệ thống thống nhất, đầu tư chung đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, rút ngắn quá trình thực hiện, nhanh chóng đưa các nền tảng số quốc gia, vùng đi vào hoạt động. Nghị quyết cũng cho phép thực hiện chỉ định thầu với các gói thầu thuộc các dự án chuyển đổi số quốc gia quan trọng bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm, thuê, duy trì, vận hành, bảo trì tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức lựa chọn được đúng doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số mà mình đặt ra.
Đặc biệt, Nghị quyết cho thấy tinh thần “bứt phá”, “tháo rào cản” về khoán chi, chấp nhận rủi ro cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hay những cơ chế cho phép chỉ định thầu cho các dự án chuyển đổi số quốc gia quan trọng để giúp hình thành nền quản trị số trong giai đoạn 2025-2026; hay cơ chế về hỗ trợ từ ngân sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nhanh hạ tầng 5G với độ phủ toàn quốc ít nhất bằng 50% số trạm phát sóng 4G hiện nay; phát triển các tuyến cáp quang biển quốc tế; ưu đãi về đầu tư cho việc xây dựng nhà máy chip bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam... Đây thực sự là những cơ chế “vượt trội”, mang tính “đột phá” với mong muốn để các nhà khoa học “được bung ra” để phát triển, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà đầu tư yên tâm hơn khi nghiên cứu, đầu tư tại Việt Nam.
Cơ chế thông thoáng, vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực
- Một trong những yêu cầu đặt ra đối với Nghị quyết là các cơ chế, chính sách đặc biệt phải có tính khả thi cao, có thể áp dụng ngay trong thực tiễn sau khi được Quốc hội thông qua. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp để bảo đảm yêu cầu này như thế nào, thưa bà?
- Một thuận lợi lớn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội là cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ) và cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) đều đang tập trung tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, tháng 5.2025 và đang tiếp cận, nghiên cứu dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (cũng sẽ trình Quốc hội vào tháng 5.2025).
Chính vì vậy, qua quá trình rà soát, cả cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đều cơ bản nhận diện được những khó khăn, vướng mắc phải tập trung giải quyết. Với tính chất chỉ thực hiện trong thời gian nhất định nên chúng tôi nhất trí chỉ lựa chọn những vấn đề thực sự vướng mắc cần tháo gỡ ngay, những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, hạn chế văn bản hướng dẫn thi hành để đưa vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, còn những chính sách chưa thực sự cấp bách, cần nghiên cứu đánh giá thêm, cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì sẽ được xem xét, đưa vào dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các dự thảo Luật khác có liên quan sẽ được xem xét, sửa đổi trong năm 2025. Trên tinh thần đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với cơ chế, chính sách thông thoáng, vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, đồng thời kịp thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
- Với thời gian rất gấp, trong khi nội dung, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết rất lớn, rất phức tạp. Xin bà chia sẻ thêm về câu chuyện “hậu trường” để có thể trình Quốc hội thông qua một Nghị quyết với sự tán thành cao như vậy?
- Thực sự, quá trình thẩm tra hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua Nghị quyết là vô cùng gấp (từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận hồ sơ trình của Chính phủ đến khi Quốc hội bấm nút thông qua là 1 tuần). Trong khi đó, yêu cầu đặt ra của Nghị quyết rất cao, phải thực sự mở ra "con đường mới", tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học dấn thân, yên tâm nghiên cứu, phát triển khoa học. Nói cách khác, Nghị quyết vừa phải có cơ chế mới, hiệu quả, tạo hành lang pháp lý thông thoáng vừa phải có tính khả thi cao.
Cùng với đó, thời gian nghiên cứu ngắn nhưng dự thảo Nghị quyết đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua thống kê cho thấy có tới 114 ý kiến phát biểu tại hội trường và tại Tổ. Đây thực sự là áp lực cho cả cơ quan trình (Chính phủ) và các cơ quan của Quốc hội. Chúng tôi đã có những “đêm trắng” trao đổi, thảo luận để hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết trình Quốc hội. Mỗi thành viên tham gia xây dựng Nghị quyết đều ý thức được trách nhiệm của mình với tinh thần làm việc nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục...
Về tên gọi Nghị quyết, đầu tiên Chính phủ trình là "... thí điểm tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Tuy nhiên, sau khi trao đổi, xin ý kiến các cơ quan có liên quan, nhất trí trình Quốc hội ở những giờ cuối trước khi Quốc hội bấm nút thông qua thì đã có sự thay đổi thành "... thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Cụm từ “đặc biệt tạo đột phá” mới thực sự có sức nặng, với ưu đãi vượt trội, mạnh mẽ hơn để tạo bước phát triển bứt phá cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số phát triển đúng với tinh thần của Nghị quyết 57.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!