Chính trị

Từ nhận diện sở hữu đến kiểm soát rủi ro, thúc đẩy chuyển đổi số

Diệp Anh - Khánh Duy 10/05/2025 20:21

Tại phiên thảo luận Tổ 3, chiều 10/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các ĐBQH thuộc Đoàn Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Thuận đã đề xuất nhiều kiến nghị trọng tâm như: nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi, giới hạn nợ trong phát hành trái phiếu, quyền của viên chức, chuyển đổi số và cơ chế phối hợp quản lý doanh nghiệp.

Quang cảnphiên thảo luận tổ 3
Quang cảnh phiên thảo luận tổ 3

Làm rõ khái niệm sở hữu hưởng lợi, kiểm soát phát hành trái phiếu

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị làm rõ tiêu chí nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi như tỷ lệ sở hữu, mức độ kiểm soát trực tiếp, đồng thời bổ sung căn cứ xử lý hành vi vi phạm. “Hiện, dự thảo mới chỉ liệt kê hành vi, chưa có quy định dẫn chiếu cụ thể, ảnh hưởng đến tính khả thi”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu tại tổ, chiều 10/5

Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ doanh nghiệp cập nhật thông tin, chế tài nếu không thực hiện, và cơ chế cung cấp thông tin của người đại diện theo pháp luật.

Đồng tình với bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi, song đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng: cần quy định rõ “người có quyền chi phối”, bổ sung chế tài với hành vi không kê khai hoặc khai sai. Đồng thời, cần cập nhật danh sách chủ sở hữu hưởng lợi qua cơ sở dữ liệu và làm rõ nội hàm “nợ phải trả” gồm khoản vay ngắn hạn, tín dụng thương mại không.

Về cổ tức, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cũng đề nghị làm rõ “tiền mặt” là tiền mặt thực tế, chuyển khoản, hay các hình thức khác; đồng thời, quy định rõ loại tài sản có thể dùng trả cổ tức để bảo đảm minh bạch.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn về việc cần làm rõ tiêu chí nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: bản chất vấn đề nằm ở khâu thu thập thông tin. Chỉ khi có dữ liệu đầy đủ, chính xác, mới có thể xác định đúng ai là chủ sở hữu hưởng lợi thực sự – cả trường hợp trực tiếp lẫn gián tiếp. Nếu thông tin không đầy đủ, không minh bạch thì việc xác định chủ thể thực chất rất khó khả thi… Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm thu thập, xác minh và cập nhật thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi, bảo đảm tính khả thi, minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như cam kết quốc tế.

Bày tỏ băn khoăn về quy định trong dự thảo Luật, theo đó tổng nợ phải trả bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành. Đại biểu phân tích: nếu tổng nợ phải trả bằng 5 lần vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp có thể lên tới 80%, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20%. Cấu trúc tài chính như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng thanh toán, đặc biệt nếu phần lớn nợ là nợ dài hạn. Hệ số an toàn tài chính sẽ rất thấp, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và ổn định của thị trường trái phiếu.

e6.jpg
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu

Trên cơ sở kinh nghiệm phân tích tài chính và các mô hình thực tiễn, cơ cấu vốn an toàn thường duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu và nợ ở mức cân đối từ 40–60%, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cần xem xét điều chỉnh giới hạn nợ phải trả trong trường hợp phát hành trái phiếu riêng lẻ từ mức 5 lần xuống còn khoảng 3 - 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Mức này sẽ phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm an toàn tài chính cho doanh nghiệp và quyền lợi của nhà đầu tư.

Hoàn thiện quy định pháp lý tên doanh nghiệp, trách nhiệm chủ sở hữu

Đi sâu các điều khoản của dự thảo, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị bổ sung quy định rõ ràng trong luật về việc doanh nghiệp không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu quyền đó…

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, quy định hiện hành tại khoản 3 và khoản 4 Điều 75 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về trách nhiệm của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên trong trường hợp không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ còn chưa phù hợp với quy định về pháp nhân tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, khoản 4 Điều 75 quy định: “Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều này”. Trong khi đó, theo điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi “có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”. Như vậy, pháp nhân và thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho nhau.

Cũng theo đại biểu, Công ty TNHH một thành viên là một pháp nhân độc lập kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp với Bộ luật Dân sự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp này, cần sửa đổi theo hướng: nếu chủ sở hữu không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ thì chỉ chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã cam kết góp, đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty và thiệt hại phát sinh (nếu có)…

Đồng thời, đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị cân nhắc bãi bỏ khoản 4 Điều 75, do nội dung quy định hiện nay về trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân chưa phù hợp với nguyên tắc độc lập tài sản giữa pháp nhân và cá nhân trong pháp luật dân sự.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị rà soát, sửa đổi khoản 3 và khoản 4 Điều 75 của Luật Doanh nghiệp 2020 cho thống nhất với quy định về pháp nhân của Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, cần sửa theo hướng: nếu chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không góp đủ hoặc không góp đúng hạn vốn điều lệ thì chỉ chịu trách nhiệm tương ứng với số vốn đã cam kết góp, thay vì phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân như quy định hiện hành, vốn chưa phù hợp với bản chất của pháp nhân độc lập.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tổ.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tổ.

Liên quan thẩm quyền bổ nhiệm Phó Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng: Luật hiện chưa quy định rõ thẩm quyền này, dẫn tới khó khăn trong tổ chức thực hiện tại các địa phương. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính thống nhất và thuận lợi khi triển khai.

Về số lượng Kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước, Luật hiện cho phép một cá nhân có thể được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên tại tối đa 4 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu Trần Đình Gia đề xuất nên giảm con số này xuống không quá 2 doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giám sát và hiệu quả công việc của các Kiểm soát viên.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn phát biểu
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn phát biểu

“Đối với thủ tục sáp nhập doanh nghiệp, quy trình thông báo giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh hiện nay có thể gây chậm trễ trong việc cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau sáp nhập… cần bổ sung tính năng tự động thông báo và cảnh báo trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sau khi việc sáp nhập được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”, đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh.

Còn đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) thì cho rằng, việc giao UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp là phù hợp. Tuy nhiên, cụm từ “giám sát” trong nhiệm vụ của UBND tỉnh nên được bỏ ra khỏi quy định tại khoản 24 Điều 1, bởi giám sát không phải là chức năng hành chính thông thường của chính quyền địa phương. Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh: việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký là cần thiết nhưng không nên quy định cứng trong luật, mà nên để ở mức hướng dẫn dưới luật nhằm bảo đảm tính linh hoạt.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu

Thống nhất với nhiều đại biểu về việc mở rộng quyền cho viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được góp vốn, thành lập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, song đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: cần quy định rõ cơ chế kiểm soát để tránh xung đột lợi ích, nhất là trong trường hợp viên chức vẫn đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước… Việc này nhằm bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện các chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý đội ngũ viên chức.

Tăng cường chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định lao động

Về dự thảo luật này, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện để làm rõ hơn yếu tố ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; đồng thời, cần có sự nhìn nhận khách quan, thực chất hơn về hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.

Đại biểu Hoàng Trung Dũng (Hà Tĩnh) phát biểu kết luận phiên thảo luận
Đại biểu Hoàng Trung Dũng (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

“Thực tế tại nhiều địa phương, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vắng các doanh nghiệp sản xuất và khó khăn về nguồn nhân lực. Kỳ vọng được đặt ra là, sau khi Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân được cụ thể hóa, hoạt động của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn và các doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện phát triển bền vững”, đại biểu Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Dẫn thực tế tại tỉnh Hà Tĩnh, đại biểu Hoàng Trung Dũng cho biết: các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế, đặc biệt là thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực lao động trực tiếp. Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều hình thức, cơ chế nhằm kêu gọi người lao động, con em địa phương đang làm việc ở các thành phố lớn quay trở về tham gia các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, nhưng hiệu quả vẫn còn rất thấp

Trên cơ sở đó, ĐBQH Hoàng Trung Dũng đề nghị dự thảo cần bổ sung chính sách hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong giai đoạn phục hồi sản xuất và ổn định lao động.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Từ nhận diện sở hữu đến kiểm soát rủi ro, thúc đẩy chuyển đổi số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO