Giải Diên Hồng lần thứ Hai - năm 2024

Từ ngọn nguồn cảm hứng

Tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt vì dân của Quốc hội đã thấm sâu vào HĐND các cấp, trở thành chất liệu của nhiều tác phẩm báo chí chất lượng ở địa phương, mà giải Diên Hồng chính là nguồn cảm hứng để góp sức lan tỏa giá trị đó.

Phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương

Ngay sau khi quyết định tham gia dự giải Diên Hồng lần thứ Hai, nhóm tác giả Báo Hà Tĩnh đã lên kế hoạch thực hiện loạt bài Những quyết sách tạo động lực để Hà Tĩnh bứt phá (giải C), đi sâu vào những chính sách tạo sự đột phá, diện mạo mới cho tỉnh. Nhà báo Trương Mai Thủy chia sẻ: “Lâu nay, Hà Tĩnh luôn được biết đến là một tỉnh nghèo, có xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, hành trình vươn lên lại gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng gần đây, Hà Tĩnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, có nhiều bứt phá vươn lên thuộc nhóm tỉnh có quy mô kinh tế hàng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, là địa phương thuộc diện có tốc độ phát triển nhanh của cả nước”.

Với nhà báo Biện Thị Luân (Báo Hà Giang), quá trình công tác tại cơ sở, làm việc với các đại biểu HĐND cấp xã, tham dự một số kỳ họp, chị nhận thấy hoạt động của HĐND cấp xã tại Hà Giang còn nhiều bất cập, mặc dù có nhiều giải pháp đổi mới nhưng chuyển biến còn chậm. Từ đó, chị lên ý tưởng thực hiện loạt bài 3 kỳ Đảm bảo “3C-4T-4N” để nâng tầm HĐND cấp xã (giải C) phản ánh thực trạng này, “để HĐND các cấp nhìn thẳng vào thực tế từ đó có giải pháp quyết liệt hơn nhằm phát huy hiệu quả của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương”.

Nhìn thẳng vào thực tế để thông qua những trang báo cất lên tiếng nói vì sự phát triển cũng là cách nhóm tác giả Báo Lào Cai khai thác câu chuyện về tấm gương những nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì nơi vùng cao biên giới. Loạt bài Những đại biểu HĐND “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì (giải B) đề cập tới vai trò của những nữ đại biểu người Hà Nhì nói riêng, nữ đại biểu người dân tộc thiểu số nói chung ở nơi vùng cao, biên giới. Bên cạnh đó, các tác giả còn phản ánh sự quan tâm của tỉnh Lào Cai đối với công tác cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung, người Hà Nhì nói riêng và các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND nơi vùng cao, biên giới.

“Để thực hiện loạt bài, chúng tôi đã đến những thôn, bản xa xôi nhất cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 100km để gặp gỡ, trò chuyện với những nữ đại biểu người Hà Nhì, ghi lại những câu chuyện, hình ảnh về cuộc sống, công việc của họ. Nhóm phóng viên cũng phỏng vấn lãnh đạo các đơn vị liên quan đánh giá về hoạt động, đóng góp của các nữ đại biểu người Hà Nhì”, nhà báo Trần Tuấn Ngọc, Báo Lào Cai chia sẻ.

Cầu nối ý Đảng - lòng dân

Trước khi thực hiện loạt bài Những đại biểu HĐND “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì, nhóm tác giả Báo Lào Cai đã thực hiện loạt bài Những “đại sứ” của lòng dân nơi vùng cao, biên giới, đoạt giải C, giải Diên Hồng lần thứ Nhất, trong đó có tấm gương một nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì. Trong loạt bài mới này, nhóm đã dành thời gian đi sâu tìm hiểu về dân tộc Hà Nhì và các nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì nói chung của tỉnh Lào Cai, và tiếp tục tham dự giải Diên Hồng lần thứ Hai.

“Câu chuyện về những nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì ở Lào Cai và chuyện “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì nói riêng, xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao, biên giới được các cấp, các ngành quan tâm. Việc loạt bài giành giải B, giải Diên Hồng lần thứ Hai tiếp thêm động lực để người làm báo chúng tôi tiếp tục thực hiện những tác phẩm có ý nghĩa trong mảng đề tài này”, nhà báo Trần Tuấn Ngọc nói.

Theo Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, nhà báo Mai Vũ Tuấn, với vai trò là cầu nối giữa “ý Đảng - lòng dân”, Trung tâm xác định nhiệm vụ của mình là chuyển tải kịp thời, chân thực, sâu sắc, sinh động kết quả thực tiễn từ các nghị quyết “hợp lòng dân”, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của HĐND tỉnh. Đồng thời, lan tỏa những giá trị đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh tới công chúng cả nước. Việc tham gia giải Diên Hồng giúp Trung tâm có thêm động lực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đó.

Tham gia giải Diên Hồng và vinh dự đoạt 2 giải, gồm giải B dành cho tác phẩm phát thanh Nâng “chất” và “lượng” trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải Khuyến khích dành cho tác phẩm báo in Chuẩn nghèo đa chiều theo cách tiếp cận mới: Thêm một thương hiệu của Quảng Ninh, những người làm báo Quảng Ninh có cơ hội trau dồi thêm năng lực cho bản thân trong tuyên truyền về cơ quan dân cử, đại biểu dân cử của tỉnh. Tiếp tục bám sát thực tiễn, hiểu sâu sắc, toàn diện về tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử để phản ánh kịp thời, giúp người dân, cử tri hiểu rõ hơn hoạt động, nắm bắt nhanh chóng các quyết sách của cơ quan dân cử.

"Giải Diên Hồng là cơ hội để đội ngũ phóng viên, biên tập viên tìm tòi, sáng tạo để có nhiều hơn nữa các bài viết nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình có nhiều đóng góp trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tạo sự lan tỏa tích cực, cổ vũ, phát huy tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, qua đó góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, nhà báo Mai Vũ Tuấn nói.

Còn niềm vui mà nhóm phóng viên Báo Hà Tĩnh cảm nhận được trong quá trình tác nghiệp lại là sự tri ân của các đối tượng yếu thế, những hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi... khi họ nhận được sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ từ những nghị quyết, chính sách lớn do HĐND tỉnh ban hành hướng tới bảo đảm an sinh xã hội. Theo nhà báo Mai Thủy, “đó là động lực để nhóm tiếp tục theo đuổi mảng đề tài này, tham gia giải Diên Hồng những năm tiếp theo”.

Hương Sen - Lê Thư

Nhà báo Ngọc Thành, Báo Điện tử VOV, giải B, giải Diên Hồng lần thứ Hai: Sự tiên phong, trách nhiệm và hành động hiệu quả của Quốc hội

Từ ngọn nguồn cảm hứng -0

Giải Diên Hồng có phạm vi rất rộng, điều đó vừa là thuận lợi song cũng là thách thức đối với phóng viên khi phải xác định vấn đề mình muốn phản ánh, phân tích để tạo điểm nhấn, sát yêu cầu, thể hiện được những kết quả, tác động, lan tỏa cụ thể từ các quyết sách của cơ quan dân cử.

Kết thúc năm 2023 đồng nghĩa với việc chúng ta trải qua nửa nhiệm kỳ Quốc hội kKhóa XV. Điều đặc biệt hơn, quá nửa thời gian đó đất nước phải đối diện với những thách thức chưa có tiền lệ trong khi nhiệm vụ đặt ra và thực tiễn yêu cầu phải có những quyết đáp từ cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Theo dõi hoạt động nghị trường nhiều năm, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp có dịp trải nghiệm, chứng kiến những thời khắc lịch sử đó và mong muốn khái quát phần nào những nỗ lực của Quốc hội 3 năm qua trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đóng góp vào thành quả chung của đất nước.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế. Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” cũng xác định trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Và đương nhiên, Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong cải cách thể chế.

Thông qua việc thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, Quốc hội từng bước tạo lập cơ sở pháp lý quan trọng. Việt Nam là một trong những nước hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới, độ mở nền kinh tế rất lớn, đòi hỏi Quốc hội đưa ra chương trình xây dựng luật pháp phải có sự đổi mới thích hợp, tương thích với pháp luật quốc tế, tìm ra những bất cập để sửa đổi sao cho bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, bảo đảm đời sống nhân dân, chủ quyền quốc gia.

Trải qua gần 3 năm với rất nhiều áp lực, khó khăn, nhưng với thông điệp và hành động mạnh mẽ, xuyên suốt là chủ động từ sớm, từ xa, đổi mới, Quốc hội Khóa XV đưa công tác lập pháp chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình, sang chủ động dẫn dắt thực hiện quyền lập pháp, kiểm soát quy trình lập pháp.

Với tinh thần đồng hành với Chính phủ, nhiều sáng kiến lập pháp đã được Quốc hội xem xét, quyết định một cách kịp thời, trúng, đúng, nhất là trong thời điểm đất nước phải đối mặt với những thách thức chưa có tiền lệ.

“Bước tiến lập pháp và các quyết sách đột phá nơi nghị trường” đã chứng minh cho quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; là sự tiên phong, trách nhiệm và hành động hiệu quả của Quốc hội trong thực hiện một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng đề ra là hoàn thiện đồng bộ thể chế; góp phần đưa Việt Nam trở thành “ngôi sao ngược gió” khi kinh tế vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới.

Nhật Linh ghi

Thiếu tá Lò Thị Hiếu, Báo Công an nhân dân, giải B, giải Diên Hồng lần thứ Hai: Niềm tin của cử tri Trường Sa với Quốc hội, Hội đồng nhân dân

Năm 2023, tôi và Thượng tá Nguyễn Duy Bá, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã có chuyến đi hàng chục ngày đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Chuyến công tác lần này đặc biệt hơn khi chúng tôi dành nhiều thời gian gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ gan ruột và nguyện vọng tha thiết của các cử tri ở đảo tiền tiêu của Tổ quốc gửi tới Quốc hội Khóa XV, nhất là Kỳ họp thứ 5 và thứ 6. Tất cả ý kiến đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, vì sự phát triển bền vững của Trường Sa, vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Thiếu tá Lò Thị Hiếu với chiến sĩ đảo Trường Sa
Thiếu tá Lò Thị Hiếu với chiến sĩ đảo Trường Sa

Tôi và anh Duy Bá đã báo cáo và được sự đồng ý của thủ trưởng hai đơn vị, triển khai lấy tài liệu, viết loạt bài 3 kỳ Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở huyện đảo Trường Sa, vinh dự được trao Giải B Giải Diên Hồng lần thứ Hai.

Điều chúng tôi ghi nhận trong loạt bài là, các đảo dù xa đất liền, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng những cử tri công tác, chiến đấu, sinh sống tại đây đều cảm thấy rất tự hào. Họ có ước mơ, hoài bão chung là được cống hiến sức mình bảo vệ và xây dựng biển, đảo quê hương. “Đảo là nhà, biển là quê hương” thể hiện tâm thế, niềm tin yêu của những cư dân đang khắc phục mọi khó khăn, sinh sống và gắn bó với đảo. Chính vì thế, họ đã rất nghiêm túc khi thực hiện quyền công dân bầu ra các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đại diện cho quân dân trên đảo nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình.

Và dù ở đảo xa, cử tri vẫn luôn dõi theo các kỳ họp của Quốc hội, nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp; đặt niềm tin vào năng lực, phẩm chất và trí tuệ của các đại biểu đã được lựa chọn kỹ lưỡng. Họ vui mừng khi những tâm tư, nguyện vọng của cử tri Trường Sa về y tế, giáo dục, dân sinh, phủ xanh quần đảo… được ghi nhận và phản ánh trên nghị trường.

Chúng tôi cũng tìm hiểu về hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân trên quần đảo Trường Sa, thấy rằng các đại biểu luôn dành nhiều thời gian tới các khu dân cư để vừa nắm tình hình vừa gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe và động viên, để người dân thấy gần gũi, chia sẻ. Những nguyện vọng chính đáng từ bà con được kịp thời phản ánh đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên đảo. Qua đó, mối liên hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri ngày càng được củng cố, gắn bó chặt chẽ...

Những ngày lênh đênh trên con tàu hải quân giữa biển khơi, đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tận mắt chứng kiến đời sống, công tác của cán bộ và nhân dân trên đảo, trò chuyện với cử tri, cán bộ, chiến sĩ, người dân, chúng tôi cảm nhận sâu sắc bản lĩnh, ý chí, tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt của những con người bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió và đặc biệt là niềm tin gửi gắm với Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Loạt bài ra đời, được độc giả đón nhận là niềm vui của những nhà báo, cán bộ trong lực lượng Công an, Quân đội.

Hà Hương ghi

Văn hóa

Tín hiệu tích cực từ thị trường giải trí Việt Nam
Văn hóa

Tín hiệu tích cực từ thị trường giải trí Việt Nam

Cuối năm là thời điểm các giải thưởng về nghệ thuật, trong đó có lĩnh vực âm nhạc trở nên sôi động. Đặc biệt, năm 2024, thị trường âm nhạc Việt Nam ghi nhận sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc ăn khách, khiến “cuộc đua” bình chọn của người hâm mộ tại các giải thưởng âm nhạc cuối năm càng trở nên gay cấn.

Sức sống mới của ca trù Hà Nội
Văn hóa

Sức sống mới của ca trù Hà Nội

Sau 15 năm UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, tại Hà Nội, ca trù đã dần hồi sinh, vượt qua khó khăn để trở lại với đời sống tinh thần của người Việt.

Đưa di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến gần hơn du khách
Văn hóa - Thể thao

Đưa di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến gần hơn du khách

Chiều 27.12, Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khai mạc Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, Hà Nội.

Bài cuối: “Lực hấp dẫn” từ tâm
Văn hóa - Thể thao

Bài cuối: “Lực hấp dẫn” từ tâm

“Điều hạnh phúc nhất là không chỉ người dân xung quanh thiền viện mà các vùng lân cận, thậm chí các thành phố khác, các nước khác nghe giới thiệu cũng tìm đến Trúc Lâm; sự lan tỏa của ngôi chùa Việt Nam không còn bó hẹp ở Kandy nữa; đó là dấu hiệu rất vui, dù mới thành lập hơn 4 năm” - Đại đức THÍCH PHÁP QUANG, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm chia sẻ.

Sớm lập bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Văn hóa - Thể thao

Sớm lập bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 26.12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức Hội thảo Khoa học “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần sớm lập bảo tàng xứng đáng với tầm vóc và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.