Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23.5.2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Cùng ngày, NHNN cũng ban hành Quyết định số 951/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17.3 năm 2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
NHNN cho biết thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất. Trong nước, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đảm bảo.
Do đó, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN đã ra quyết định giảm lãi suất điều hành.
Theo báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế tại Kỳ họp thứ 5, đến ngày 25.4.2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75% thấp hơn nhiều con số 6,75% cùng kỳ năm 2022. Lạm phát cơ bản tăng 4,9%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%). Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.
“Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn vì lãi suất cao khiến doanh nghiệp không muốn vay hoặc doanh nghiệp gặp khó về đơn hàng đầu ra nên không vay”, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh trong năm 2022 và vẫn còn duy trì ở mức cao trong Quý I.2023.
“Theo Báo cáo của Chính phủ thì lãi suất cho vay mới là 9,3%; tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3.2023 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối năm 2022 (tháng 12.2022: 9,67%, tháng 12.2021: 8,08%)”, Ủy ban Kinh tế cho biết.