Covid-19 và những thay đổi nhận thức về bầu cử

Từ "lỗ hổng" đến thay đổi

- Thứ Bảy, 22/05/2021, 09:51 - Chia sẻ
Hơn một năm đã trôi qua kể từ ngày 11.3.2020, thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là một đại dịch lây lan toàn cầu, thế giới đã chứng kiến cách mà đại dịch đã buộc chúng ta phải đánh giá lại các chính sách và thực tiễn bầu cử lâu đời, làm thay đổi cách thức mà trong những thập kỷ qua, các cơ quan quản lý bầu cử (EMB) đã thông thường quản lý và tiến hành từ cuộc bầu cử này sang cuộc bầu cử khác.

Dù sau này, đại dịch cuối cùng cũng có thể bị kiểm soát, nhưng một câu hỏi đã được đặt ra, buộc các cơ quản quản trị nhà nước và các cơ quan quản lý bầu cử phải trả lời. Đó là: Liệu cuộc khủng hoảng Covid-19 có chứng minh được sức mạnh của sự thay đổi trong chính sách quản lý bầu cử? Nếu vậy, những thay đổi nào do Covid-19 thúc đẩy sẽ tồn tại trong việc quản lý các cuộc bầu cử tương lai?

		Một trong những thay đổi là sự phổ biến của bỏ phiếu qua đường bưu điện
Một trong những thay đổi là sự phổ biến của bỏ phiếu qua đường bưu điện
Nguồn: ITN 

Giới hạn và lỗ hổng

Khi dịch Covid-19 ập đến - một đại dịch đầu tiên buộc thế giới không được tụ tập, áp dụng cách ly và giãn cách xã hội trên diện rộng, hầu hết các nước đều lúng túng và luống cuống khi đối mặt với các lịch trình bầu cử đến gần. Làm thế nào để có thể bầu cử trong một bối cảnh như vậy? Một số nước buộc phải hoãn bầu cử, một số nước bế tắc do còn không có sự chuẩn bị pháp lý cho các trường hợp phải hoãn bầu cử, còn một số nước tiến hành bỏ phiếu trong hoang mang.

Việc thiếu sự chuẩn bị cho một cuộc bầu cử có thể được tiến hành an toàn trong một đại dịch như Covid-19 đã cho thấy những hạn chế và bất cập mang tính hệ thống đã có từ trước đối với các chính sách và thực tiễn đã được thiết lập. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng những quy tắc, quy định trước kia không có khả năng đáp ứng những nhu cầu bức thiết của một thế giới không ngừng phát triển. Không phải đại dịch đưa đến những lỗ hổng này mà Covid-19 chỉ khiến chúng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết và ném chúng trở lại bàn nghị sự của các cơ quan quản lý bầu cử.

Điều này đặc biệt rõ ràng ở các quốc gia, tiểu bang và vùng lãnh thổ nơi nhiều bất cập và lỗ hổng trong quản lý bầu cử đã được nhận thức một cách có hệ thống nhưng lại bị bỏ qua một cách dễ dàng trong một thời gian dài. Khi đại dịch tấn công, các quốc gia này không thể lơ là hoặc bỏ qua những lỗ hổng và bất cập này nữa. Điều đó có nghĩa là, Covid-19 không chỉ ngay lập tức tạo ra những tiến bộ khả thi, cần thiết và không thể tránh khỏi - những tiến bộ trong quản lý các cuộc bầu cử mà trước đây có vẻ không thể thực hiện được do việc thực hiện bị đánh giá là quá đắt đỏ hoặc không có cơ sở pháp lý.

Mở đường cho thay đổi

Cần phải thừa nhận rằng, bên cạnh những tổn thất lo lớn cùng những khó khăn không thể phủ nhận mà đại dịch gây ra cho nhân loại thì Covid-19 cũng đã mở đường cho những thay đổi đáng kể trong các chính sách và thực tiễn quản lý bầu cử theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: một khi Covid-19 cuối cùng sẽ được kiểm soát thì những tiến bộ này liệu có tiêu tan và mọi thứ có quay trở lại như trước khi đại dịch nổ ra?

Lịch sử cho thấy, sau các cuộc khủng hoảng toàn cầu, những thay đổi mà chúng gây ra hiếm khi biến mất hoàn toàn. Tất nhiên, có những thay đổi trong quản lý và tiến hành các cuộc bầu cử mà các nước buộc phải áp dụng trong thời kỳ Covid-19 dường như chỉ mang tính thạm thời: chẳng hạn như làn sóng hoãn bầu cử được nhiều nước áp dụng trong những tháng đầu tiên của đại dịch sẽ không xảy ra nữ. Và nhiều khả năng khi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử trong tương lai, việc áp dụng các biện pháp an toàn y tế như sử dụng dung dịch khử khuẩn và thiết bị bảo vệ cá nhân (khẩu trang, bộ đồ bảo hộ) sẽ không còn cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều những thay đổi khác trong chính sách và thực tiễn quản lý bầu cử sẽ không chỉ tồn tại mà nhiều khả năng còn tiếp tục được thúc đẩy, mở rộng và định hình cách thức các cuộc bầu cử trong tương lai được tiến hành.

Trước hết đó là xu hướng mở rộng các hình thức bỏ phiếu đặc biệt. Năm ngoái, thế giới được chứng kiến ​​sự gia tăng của các xu hướng tổ chức bầu cử bầu cử mới khi đại dịch đột ngột lan rộng. Áp lực là động lực để các nước thử nghiệm và đưa ra các phương pháp và cách tiếp cận bầu cử mới để giúp việc bỏ phiếu an toàn hơn, thân thiện hơn với cử tri, dễ tiếp cận hơn bằng cách mở rộng quy mô các hình thức bỏ phiếu đặc biệt (SVA); sử dụng công nghệ kỹ thuật số hoặc các nền tảng truyền thông xã hội để vượt qua những hạn chế trong vận động bầu cử trực tiếp truyền thống; đưa ra các kỹ thuật quan sát bầu cử từ xa, sáng tạo… Tất cả đã thúc đẩy tiến trình cải cách mà trong quá khứ chúng không được phổ biến vì thiếu động lực.

Thứ hai, sự thích ứng nhanh chóng hoạt động quản lý bầu cử. Đại dịch phơi bày những sai sót của các chính sách và thực tiễn bầu cử đã được thiết lập, phát triển và hoàn thiện qua nhiều thập kỷ tiến hóa dân chủ; từ đó củng cố nhận thức và nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét định kỳ và có hệ thống các quy tắc, chuẩn mực, phương pháp và thủ tục chi phối quá trình tổ chức và điều hành các cuộc bầu cử.

Quỳnh Vũ